Chàng trai xứ Nghệ làm giàu từ cây rau dại
Từ một loài cây dại ở vùng bãi bồi, anh Trần Văn Quân đã nhân giống, biến thành nguyên liệu để chế biến món ăn 'đặc sản', mang lại nguồn thu nhập cao.
Từ một loài cây dại ở vùng bãi bồi (thị xã Hoàng Mai, Nghệ An), anh Trần Văn Quân đã nhân giống, biến thành nguyên liệu để chế biến món ăn “đặc sản”, mang lại nguồn thu nhập cao.
Làm giàu trên vùng bãi bồi
Cánh đồng Doi vốn là vùng bãi bồi, đất đai nhiễm mặn, khô cằn thuộc phường Mai Hùng (thị xã Hoàng Mai, Nghệ An). Người dân địa phương đã từng trồng thử nhiều loại hoa màu như ngô lạc, đậu tương… nhưng cây chậm lớn, cằn cỗi, năng suất thấp nên bỏ canh tác. Lâu ngày, vùng đất này trở thành cánh đồng hoang, cỏ dại mọc quá đầu gối.
Trong một lần đi qua đồng Doi, anh Trần Văn Quân (SN 1984, trú tại phường Quỳnh Dị, thị xã Hoàng Mai) tình cờ nhìn thấy những cụm rau nhót, loại rau “cứu đói” từng gắn bó với những năm tháng tuổi thơ cơ cực của nhiều đứa trẻ quê anh.
Rau nhót có vị chua và mặn nhẹ, một chút vị đắng, thường mọc dại ở vùng bãi bồi, ven sông nước lợ, các đầm tôm, ruộng muối ở thị xã Hoàng Mai, huyện Quỳnh Lưu, Nghi Lộc (Nghệ An). Trước đây, nộm rau nhót là món ăn dân dã của người dân miền biển nhưng khoảng 5 năm gần đây nó trở thành đặc sản trong các nhà hàng, giá bán lên tới cả trăm nghìn đồng một cân.
Anh Trần Văn Quân nảy sinh ý tưởng “khởi nghiệp”, thuần dưỡng cây rau nhót, đem vào trồng thâm canh trên cánh đồng nhiễm mặn. Tự mày mò, đo thử độ pH trong đất thì thấy khá thích hợp với cây rau này, Quân “đánh liều” thầu khoán lại hơn 1ha để thực hiện ý tưởng của mình.
Năm 2018, sau khi vay mượn được hơn 500 triệu đồng, anh Quân bắt tay ngay vào san ủi, cải tạo đất, làm hệ thống mương thoát nước và lắp đặt vòi tưới tự động… Tiếp đến, anh phải ngược xuôi tìm các trại chăn nuôi gà, mua phân gà về ủ phân vi sinh, bón cho rau.
Xong khâu cải tạo đất, anh Quân thuê người dân địa phương tìm nhổ rau nhót về trồng. Tuy nhiên, loài cây mọc hoang dại này không phải là giống dễ trồng như anh nghĩ.
Thời gian đầu cây phát triển xanh tốt, nhưng về sau cứ lụi dần rồi chết. Không nản chí, Quân tiếp tục lứa thứ hai, cũng không khá hơn. Lúc này, người thân và bạn bè ai cũng khuyên Quân bỏ cuộc. Họ cho rằng, dừng lại sớm thì đỡ lỗ vốn hơn.
Thế nhưng, đã quyết là làm đến nơi đến chốn, không chịu bó tay, anh Quân vẫn tin rằng mình sẽ thuần dưỡng thành công loài rau này. Phải xuống giống đến lứa thứ tư thì cây rau nhót mới dần thích nghi và phát triển.
Theo anh Quân, để cây rau sinh trưởng, phát triển tốt và cho thu hoạch quanh năm, một mặt người trồng phải tuân thủ đặc tính tự nhiên của cây, mặt khác phải biết bổ sung các chất hữu cơ như: Phân gà ủ chua, bã mắm lên men, tưới nước mặn…
Sau một năm miệt mài lao động, khi cây rau mơn mởn chồi non thì đúng lúc dịch Covid-19 bùng phát. Nhìn vườn rau già đi, rồi héo úa mà không tiêu thụ được, chàng trai trẻ chỉ biết ngậm ngùi, cố gắng tự động viên mình không nản chí, kiên trì vượt qua khó khăn.
Khi dịch bệnh được đẩy lùi, những chuyến hàng rau nhót của anh Quân đã có mặt ở một số quán ăn. Món nộm rau nhót rất được thực khách ưa chuộng nên ngày một nhiều đơn hàng đến với anh.
Đột phá sản xuất cây rau chịu mặn
Theo anh Quân, cây rau nhót mọc dại ngoài tự nhiên chỉ có vòng đời khoảng 3 tháng, còn cây rau của Quân thì chu kỳ kéo dài đến 11 tháng. Chỉ cần cắt phần ngọn, sau đó cây tự mọc lớp chồi mới.
Theo kinh nghiệm của anh, tháng 9 âm lịch là thời điểm xuống giống. Khi cây non mọc lên thì đem gieo cấy, sau 3 tháng thì rau cho thu hoạch. Thay vì chỉ cho thu hoạch trong tiết lập xuân, thời tiết chuyển nắng nóng là cây cằn, già cỗi như cây rau dại thì giống rau nhót mới sau khi thuần hóa đã trồng thâm canh cho thu hoạch quanh năm.
Anh Quân cho biết, mỗi tháng anh thu hoạch từ 3 - 5 tấn rau. Với mức giá từ 20.000 đến 25.000 đồng/kg, sau khi trừ đi các chi phí cũng mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Hiện, cánh đồng rau của anh đang tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động. Vào giai đoạn cao điểm như làm đất, trồng lứa rau mới... phải cần đến gần 20 lao động.
Với việc tìm đầu ra cho sản phẩm, ban đầu anh Quân mang đi bán lẻ cho các quán ăn trên địa bàn và mang ra chợ bán. Khi rau thu hoạch nhiều, anh phải mang đi tiếp thị ở các nhà hàng lớn trong tỉnh.
Ngoài việc cung cấp cho thị trường nội tỉnh, hiện một lượng hàng không nhỏ của ông chủ này được vận chuyển bằng máy bay vào tận các tỉnh phía Nam.
Với quy trình canh tác, chăm sóc và đặc tính của rau nhót, loại thực phẩm này có thể giữ được vị và độ tươi ngon trong vòng 7 ngày kể từ khi thu hoạch. Mặc dù vậy thì khi đưa rau vào miền Nam, chi phí cũng đội lên rất nhiều.
Loại rau này có thể chế biến thành món nộm, luộc chấm nước mắm, nấu canh hoặc xào chung với các loại thịt, hải sản… mang lại hương vị chua thanh mát.
Theo tính toán của anh Quân, mỗi cân rau nhót có thể chế biến được khoảng 4 đĩa nộm. Giá mỗi đĩa nộm rau bán trong các nhà hàng tại Nghệ An từ 70.000 - 90.000 đồng.
Tức là khi được chế biến, loại rau này có giá gấp hơn 4 lần so với giá ban đầu. Tuy nhiên, nhược điểm của loài rau này là khâu sơ chế mất thời gian và khá cầu kỳ, cần nhiều nhân công.
Nói về dự định sắp tới, anh Trần Văn Quân cho biết, sẽ thuê thêm đất nhiễm mặn bị bỏ hoang, mở rộng diện tích trồng rau nhót và các loại thực vật chịu mặn như: Rau sam biển, sam đất, măng tây biển… ở các địa phương ven biển.
Đồng thời, anh và các cộng sự sẽ liên kết với người dân các vùng này để chuyển giao kỹ thuật, trồng và sẵn sàng bao tiêu sản phẩm với mục tiêu “phủ xanh” đất nhiễm mặn, tạo sinh kế, cải thiện môi trường cho người dân.
Theo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An, rau nhót thuộc loại cây chịu mặn (halophyte), có chứa hàm lượng khoáng, vi chất cao, có lợi cho sức khỏe con người. Ngoài ra, đây còn là loại cây chịu được tác động biến đổi khí hậu. Vì vậy, bên cạnh phát triển kinh tế, cây rau nhót nói riêng và cây rau chịu mặn nói chung còn giúp người dân thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt ở những địa phương chịu tác động của mặn hóa đất canh tác.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/chang-trai-xu-nghe-lam-giau-tu-cay-rau-dai-post674120.html