Chắp cánh những ước mơ xanh
Vượt qua hàng trăm thí sinh, em Nguyễn Dương Yến My, Trần Phương Nhi và Bùi Dương Minh Châu đã vinh dự góp mặt, giành giải cao tại vòng chung kết STEAM For Girls - STEAM Xanh cho nữ sinh 2024. Ngoài những trải nghiệm quý giá với bạn bè Việt Nam và quốc tế, cuộc thi còn giúp ba nữ sinh Quảng Trị có nhiều đổi thay trong suy nghĩ.
Nhân lên những ước mơ
Gần đây, không khí những tiết học, buổi ngoại khóa STEAM tại Trường THCS thị trấn Gio Linh, huyện Gio Linh dường như sôi nổi hơn. Ngày có càng nhiều học sinh quan tâm, tìm kiếm niềm vui ở lĩnh vực mà trước đây bản thân ít chú ý. Đặc biệt, các bạn nữ không còn quan niệm rằng, STEAM là “vùng đất” chủ yếu dành cho nam sinh. Ai cũng mong muốn các bộ môn khoa học, nghệ thuật tạo nền tảng cho STEAM sẽ chắp cánh, giúp mình có những trải nghiệm ý nghĩa.
Tín hiệu đáng mừng ấy hiện diện rõ nét từ ngày Yến My, học sinh Trường THCS thị trấn Gio Linh trở về sau vòng chung kết STEAM For Girls - STEAM Xanh cho nữ sinh 2024. Cùng hai người bạn đến từ Thái Lan và Malaysia, đội thi của Yến My xuất sắc giành giải Nhất. Qua những câu chuyện mà My chia sẻ, nhiều học sinh Trường THCS thị trấn Gio Linh, nhất là các bạn nữ đã được truyền lửa. Ai cũng mong một lần góp mặt tại STEAM Xanh và những cuộc thi tương tự.
Nhắc đến trải nghiệm vừa qua, Yến My cho biết, mình đến với STEAM Xanh cho nữ sinh 2024 từ lời giới thiệu của giáo viên tổng phụ trách đội. Vốn thích sáng tạo nên My ngay lập tức bị thu hút bởi thể lệ cuộc thi. Thế nhưng, em không dám đặt nhiều kỳ vọng. Yến My biết, để góp mặt ở STEAM Xanh, mình phải vượt qua vòng sơ loại với nhiều gương mặt tài năng. “Hiểu vậy, em không tạo áp lực cho mình, chỉ cố gắng thi trắc nghiệm và viết bài luận tốt nhất. Thật không ngờ em là một trong ba nữ sinh Quảng Trị lọt vào vòng chung kết của cuộc thi”, My kể.
Tại vòng chung kết, Yến My bốc thăm vào cùng nhóm với bạn Charinrat Mahapaisan, đến từ Thái Lan và nữ sinh người Malaysia Nurul Alya. Với chủ đề về thích ứng với biến đổi khí hậu, ba em đã cùng nhau xây dựng dự án về một “khóa học vui”, nơi các bạn trẻ có thể trau dồi kiến thức về biến đổi khí hậu một cách mới mẻ, lôi cuốn hơn. Yến My chia sẻ: “Chúng em đã dành rất nhiều thời gian, công sức, tâm huyết cho dự án này. Ngay trong bữa cơm, chúng em cũng chủ yếu nói đến chuyện dự án. Có lẽ nhờ thế mà dự án được ban giám khảo đánh giá cao và trao giải Nhất”.
Đường đến STEAM Xanh cho nữ sinh 2024
Ngoài Yến My, góp mặt tại vòng chung kết STEAM Xanh cho nữ sinh 2024 còn có Trần Phương Nhi và Bùi Dương Minh Châu. Cùng ở Quảng Trị, sinh năm 2011 và đều yêu STEAM nên ba nữ sinh nhanh chóng tìm thấy tiếng nói chung. Con đường chinh phục cuộc thi của các em nhờ thế trở nên sôi nổi hơn.
Ở Trường THCS Nguyễn Trãi, TP. Đông Hà, Phương Nhi được biết đến là một học sinh xuất sắc, tài năng. Bảng thành tích của nữ sinh lớp 8 này khiến hầu như ai biết đến cũng ngưỡng mộ. Mới đây, Nhi cùng nhóm bạn vừa đoạt giải Nhì cuộc thi “Sáng tạo trẻ” cấp tỉnh với dự án xây dựng hệ thống phát hiện, cảnh báo, giúp tài xế tránh tình trạng ngủ gật. “Trước đây, tuy thích STEAM nhưng em chưa dành nhiều thời gian cho nó vì bận rộn việc học. Cuộc thi vừa tham gia đã đánh thức em. Mới đây nhất, khi tham gia STEAM Xanh, niềm yêu thích STEAM trong em thực sự đã bừng tỉnh”, Phương Nhi nói.
Cũng như Phương Nhi, STEAM thu hút em Minh Châu, học sinh Trường THCS Thành Cổ, thị xã Quảng Trị, từ khá sớm. Với cái đầu đầy ắp ý tưởng, Minh Châu đã xây dựng nhiều mô hình, giải pháp hay.
Gần đây nhất, ý tưởng tạo ra giấy từ vỏ trấu để làm các sản phẩm thủ công của Châu đã chinh phục ban giám khảo Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cấp tỉnh. Dẫu vậy, Châu thừa nhận, so với bài học trên lớp, hiểu biết của em về STEAM vẫn còn ít ỏi. Vì thế, cuộc thi STEAM Xanh cho nữ sinh 2024 đã mở ra cho em nhiều điều ý nghĩa. “Em thấy mình trưởng thành qua từng vòng thi, hoạt động. Em hiểu thêm nhiều điều về STEAM và đã có kế hoạch tiếp theo cho mình”, Minh Châu khẳng định.
Theo quy định của ban tổ chức cuộc thi, các nữ sinh tham gia được bốc thăm, chia thành 23 đội. Mỗi đội sẽ đến ngẫu nhiên với 1 trong 3 chủ đề gồm: Kỹ năng STEAM và kỹ năng xanh cho trẻ em gái; Năng lượng tái tạo; Thích ứng với biến đổi khí hậu. Sau quá trình chuẩn bị dự án, các đội lần lượt thuyết trình trước ban giám khảo. Trên cơ sở ấy, những người cầm cân nảy mực tiếp tục làm việc để lựa chọn đội xứng đáng trao giải.
Vượt qua những giới hạn
Tham cuộc thi STEAM Xanh cho nữ sinh 2024, ba học sinh Quảng Trị đều để lại dấu ấn riêng và mang về giải thưởng. Trong đó, đội của Yến My xuất sắc giành giải Nhất. Hai đội với sự góp mặt của Phương Nhi và Minh Châu cùng về đích ở vị trí thứ ba. Tuy nhiên, cả 3 nữ sinh đến từ Quảng Trị đều khẳng định rằng, ngoài giải thưởng, cuộc thi mang đến cho mình nhiều điều ý nghĩa khác, mà trước tiên đó là sự đổi thay trong suy nghĩ.
Cuộc thi STEAM For Girls - STEAM Xanh cho nữ sinh 2024 do Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc và Hệ thống Giáo dục Victoria School tổ chức. Cuộc thi ra đời nhằm khuyến khích các nữ sinh từ 13 đến 15 tuổi tham gia vào lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật, nghệ thuật và toán học. Với ý nghĩa ấy, vòng sơ khảo STEAM Xanh thu hút sự tham gia của hàng trăm nữ sinh. Qua đó, 69 em đến từ 18 tỉnh, thành của Việt Nam cùng đại diện đến từ Lào, Thái Lan, Malaysia đã được lựa chọn vào vòng chung kết.
Trong 1 tuần lễ, tại TP. Hồ Chí Minh, Yến My, Phương Nhi và Minh Châu đã có cơ hội sinh hoạt, trải nghiệm, học tập và tranh tài với 66 nữ sinh khác. Những giáo viên giỏi được mời đến cuộc thi đã mang tới cho các em rất nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích. Không dừng lại ở đó, ban tổ chức còn dành riêng 3 ngày để thí sinh lọt vào vòng chung kết tham quan Học viện Hàng không Vietjet, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Galaxy Innovation Hub, triển lãm đa giác quan Van Gogh và Monet...
Nhờ thế, khi xây dựng dự án, ai cũng tự tin, có nhiều ý tưởng hơn. Không chỉ vận dụng tối đa những điều đã học, các em còn phát huy được kỹ năng sử dụng những công cụ, phần mềm thiết kế, đồ họa; sức sáng tạo; tư duy giải quyết các vấn đề “nóng”, mang tính toàn cầu... Đó cũng chính là lý do khiến nhiều dự án của các nữ sinh gây ngạc nhiên cho ban giám khảo như: Xây dựng trường học, nhà ở xanh, thông minh; sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng gió trong nông nghiệp, thủy điện; sáng kiến giải quyết rác thải điện tử...
Ngoài những giải thưởng, STEAM Xanh còn giúp các nữ sinh trong và ngoài nước giao lưu, gắn kết. Theo Phương Nhi, tuy có khoảng cách về ngôn ngữ, văn hóa... nhưng các bạn đều nhanh chóng bước qua mọi rào cản. Các nữ sinh giao tiếp với nhau nhiều bằng tiếng Anh. Khi cùng sinh hoạt, học tập, làm việc trong một môi trường, những cá tính cũng dần được dung hòa. “Em đã hai lần rơm rớm nước mắt tại cuộc thi. Lần đầu, khi em đàn guitar và hát bài “We are the world” trong sự hòa nhịp của các bạn. Lần hai là lúc chia tay cuộc thi và những nữ sinh đáng mến. Nhiều bạn cũng đã khóc khi nói lời tạm biệt”, Phương Nhi bộc bạch.
Trở về từ STEAM Xanh, Phương Nhi cũng như Yến My và Minh Châu đều cảm nhận rõ sự đổi thay từ bên trong. Các em hiểu rằng không có một giới hạn nào cho những đam mê, ước mơ và hy vọng. Nếu dành nhiều tâm huyết cho STEAM, bản thân sẽ có thể góp sức giải quyết nhiều vấn đề “nóng” mang tính toàn cầu.
Biết đâu trong tương lai sẽ có thêm nhiều nhà khoa học nữ tiếp bước Marie Curie (người phụ nữ đầu tiên đoạt giải Nobel, người đầu tiên hai lần đoạt giải Nobel và là người duy nhất giành giải Nobel ở hai lĩnh vực khoa học) hay Mae Jemison, nữ phi hành gia da màu đầu tiên bay vào không gian - hai tấm gương mà ba nữ sinh Quảng Trị và các bạn được nhắc đến nhiều tại vòng chung kết STEAM For Girls - STEAM Xanh cho nữ sinh 2024.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/chap-canh-nhung-uoc-mo-xanh-190729.htm