Chắt chiu nước ngọt tưới cây trồng
Hạn, mặn khốc liệt và kéo dài khiến các kinh, rạch tại khu vực phía Đông của tỉnh Tiền Giang dần khô cạn. Nguồn nước ngọt bổ cấp không còn nên người dân phải chắt chiu từng giọt nước để tưới cây trồng.CHỦ YẾU GIỮ CÂY
Về các huyện phía Đông của tỉnh vào những ngày giữa tháng 4, đây là thời điểm nắng nóng gay gắt nhất. Tuyến kinh Tham Thu từ Trạm bơm Bình Phan (xã Bình Phan) đến xã Bình Phục Nhứt (huyện Chợ Gạo) đã khô cạn. Những tuyến kinh nội đồng khác cũng dần cạn. Những ngày tháng khốc liệt của mùa hạn, mặn “lịch sử” năm 2019 - 2020 đang dần lặp lại. Kinh, rạch cạn kiệt nước ngọt khiến nhiều loại cây trồng, rau màu của người dân thiếu nước tưới.
Nếu như hơn nửa tháng trước, anh Nguyễn Văn Hạng (xã Bình Phan, huyện Chợ Gạo) cùng những người thân trong gia đình và hàng xóm đắp đập bơm chuyền nước từ kinh lớn về kinh nhỏ để tưới thì hiện nay nguồn nước ở kinh vẫn còn, nhưng đã bị nhiễm mặn không thể dùng để tưới tiêu.
Anh Hạng cho biết: “Giờ nước ở kinh độ mặn lên đến 3 - 4 g/l rồi nên không thể bơm chuyền để tưới cho cây được nữa. Những ngày qua, sau khi thu hoạch lứa thanh long nghịch vụ xong, tôi đành phải cắt nước vườn thanh long. Riêng vườn bưởi 2 công của nhà tôi cũng ngưng xử lý trái. Nước ở mương vườn dự trữ còn rất ít nên tôi chỉ tưới cầm chừng và rất tiết kiệm, chủ yếu là để giữ cây”.
Xuôi về xã Bình Phục Nhứt, thiếu nước sản xuất là tình cảnh chung của nông dân nơi đây. Lúc chúng tôi đến cũng là lúc chị Đinh Thị Thêm (ấp Bình Khương 1, xã Bình Phục Nhứt) đang tưới nước cho 1 công thanh long của gia đình. Theo chị Thêm, gia đình chị vừa thu hoạch xong lứa thanh long nghịch vụ cách nay khoảng nửa tháng và hiện đang để “hàng mùa”.
Chỉ tay về phía con kinh đối diện vườn thanh long, chị Thêm chia sẻ: “Kinh còn nước, nhưng mà là nước mặn. Nhà nước lấy vô để chống sạt lở và có thông báo cho người dân biết để không tưới cây. Nhà tôi phải mua nước giếng khoan của cây nước với giá 100.000 đồng/giờ. Đến nay, tôi đã mua nước 3 lần để tưới cho thanh long. Ở đây, nhiều người mua nước ngọt chứa vào các túi ni lông để dành tưới cho cây”.
TƯỚI TIẾT KIỆM
Dù hạn, mặn đang diễn ra gay gắt, nhưng nhờ chủ động dự trữ, tưới tiết kiệm và mua nước tưới nên nhiều vườn thanh long của nông dân trên địa bàn huyện Chợ Gạo vẫn xanh tốt. Gia đình ông Giản Văn Êm (ấp Bình Thọ 1, xã Bình Phục Nhứt) trồng hơn 6 công thanh long ruột đỏ. Vụ vừa qua, gia đình ông xử lý ra hoa nghịch vụ và thu hoạch được khoảng 6 tấn.
Do cây mang trái trong thời điểm hạn, mặn nên gia đình ông đã mua nước ngọt từ các giếng khoan trên địa bàn để tưới cho cây. “Do thời điểm hạn, mặn gay gắt, thanh long gần chín nên tôi cũng mua nước tưới không nhiều và tưới rất tiết kiệm. Giờ thu hoạch xong rồi, tôi tạm thời cắt nước. Thanh long là cây chịu hạn nên để một thời gian không tưới sẽ không chết” - ông Êm cho biết.
Cũng tại xã Bình Phục Nhứt, gia đình ông Võ Hữu Thuận (ấp Bình Ninh) trồng được gần 1 công hẹ. Những ngày qua, do kinh, rạch khô cạn không còn nước tưới nên hẹ không phát triển. Ông Thuận bày tỏ: “Ở đây, hiện giá mua nước giếng để tưới cho cây trồng, rau màu thấp nhất là 60.000 đồng/giờ.
Cây nước này được cấp phép để phục vụ sản xuất nông nghiệp, khoan cũng được mấy năm nay. Gia đình tôi mua nước tưới gần cả tháng nay. Tính ra, tôi đã tốn gần cả triệu đồng tiền mua nước tưới cho hẹ. Do không có nước tưới nên tôi chỉ để hẹ gốc, chờ mưa xuống hẹ sẽ phát triển trở lại”.
Càng xuôi về vùng cuối nguồn Ngọt hóa Gò Công, tình hình hạn, mặn càng trở nên khốc liệt hơn. Nước tưới cây trồng, rau màu càng thêm khó khăn. Gia đình ông Trương Minh Thuần (xã Tăng Hòa, huyện Gò Công Đông) hiện đang canh tác 1,5 ha thanh long, trong đó có 1 ha được khoảng 4 năm tuổi.
Theo ông Thuần, sau đợt hạn, mặn lịch sử năm 2020, gia đình ông đã chuyển từ lúa sang trồng thanh long. Năm nay, hạn, mặn tái diễn, nước dưới kinh vẫn còn nhưng đã bị nhiễm mặn dẫn đến thiếu nước tưới. Nguồn nước dự trữ trong ao còn rất ít nên những ngày qua, khoảng 1 tuần ông mới tưới 1 lần, nhưng cũng rất tiết kiệm.
“Nắng nóng như kiểu này thì chắc vài ngày nữa là ao nước cạn, chỉ chờ mưa xuống thôi. Thanh long chịu hạn cũng tốt nên hy vọng sẽ không bị ảnh hưởng” - ông Thuần chia sẻ.
Còn tại huyện cù lao Tân Phú Đông, nguồn cung cấp nước ngọt cho các kinh, rạch nội đồng đã hết từ nhiều tháng nay. Nhiều tuyến kinh, rạch trên địa bàn hiện đã khô cạn nước. Có những tuyến kinh còn nước, nhưng độ mặn cũng đang rất cao.
Trên cơ sở những dự báo của cơ quan chuyên môn về diễn biến của tình tình xâm nhập mặn mùa khô năm 2023 - 2024, tỉnh Tiền Giang đã chủ động triển khai nhiều giải pháp để bảo vệ sản xuất và nước sinh hoạt cho người dân. Đối với các huyện phía Đông, ngành Nông nghiệp đã tích cực vận hành lấy nước ngọt tích trữ trong vùng Dự án Ngọt hóa Gò Công.
Bên cạnh đó, tỉnh còn vận hành lấy gạn nước ngọt tại cống Xuân Hòa (huyện Chợ Gạo) để bổ cấp nước ngọt cho vùng Ngọt hóa Gò Công khi độ mặn xuống thấp để phục vụ hoạt động sản xuất nông nghiệp cho người dân. Đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân tích trữ nước ngọt để phục vụ sản xuất.
Qua đó, người dân đã tích cực tích trữ nước ngọt để tưới cho rau màu, cây ăn trái. Trong thời điểm hạn, mặn gay gắt, nhiều tuyến kinh nội đồng cạn kiệt nước, các địa phương đã vận động nhân dân tự bỏ kinh phí tổ chức bơm chuyền nước ngọt từ các tuyến kinh trục để tưới tiêu cho cây trồng.
Dù tình hình nước sản xuất hiện đang rất khó khăn, nhưng nhờ chủ động trển khai các giải pháp đến nay, tại các huyện phía Đông nói riêng và trên địa bàn tỉnh nói chung chưa ghi nhận thiệt hại về sản xuất.
Sả là cây trồng chủ lực của huyện Tân Phú Đông, có khả năng chịu hạn, mặn cũng từng bước bị ảnh hưởng. Theo ghi nhận, do nắng nóng gay gắt, một số ít sả mới trồng của nông dân do không có nước tưới nên đã bị cháy lá. Một số ít nông dân “bấm bụng” bơm nước tưới sả với độ mặn cao.
Gia đình anh Võ Thanh Trung (ấp Lý Quàn 1, xã Phú Đông) trồng 6 công sả. Những ngày qua, anh thường xuyên bơm nước từ tuyến kinh nội đồng lên những liếp sả mới trồng cách nay mấy tháng. “Do tuyến kinh ở gần mới nạo vét nên còn nước, chứ không cũng cạn hết rồi.
Tuy nhiên, độ mặn trong nước cũng khoảng 2 - 3 g/l. Với độ mặn này, tôi chỉ dám bơm tưới dưới gốc, nếu tưới từ trên xuống thì cháy lá hết” - anh Trung tâm sự.
Những ngày này, hạn, mặn đang trong giai đoạn gay gắt. Để bảo vệ sản xuất, nông dân đã phải chắt chiu nước ngọt để tưới cho cây trồng với hy vọng mùa mưa sẽ nhanh đến.
Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202404/chat-chiu-nuoc-ngot-tuoi-cay-trong-1008494/