Chắt chiu từng cơ hội xuất khẩu
Sức mua hàng hóa tại các thị trường chủ lực chưa phục hồi, căng thẳng tại Biển Đỏ đẩy chi phí vận chuyển tăng chóng mặt, kiện phòng vệ thương mại gia tăng… là những chỉ dấu không thuận cho xuất khẩu.
Chỉ dấu không thuận
Xuất khẩu năm qua gặp rất nhiều khó khăn, với tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước đạt 354,6 tỷ USD, giảm 4,6% (tương ứng giảm 17,04 tỷ USD) so với năm trước đó.
Nhiều ngành hàng lớn đã lỗi hẹn mục tiêu do chịu tác động không thuận từ thị trường toàn cầu. Giảm mạnh nhất là các nhóm hàng như điện thoại các loại và linh kiện (giảm 5,61 tỷ USD); dệt may (giảm 4,27 tỷ USD); giày dép (giảm 3,66 tỷ USD); gỗ và sản phẩm từ gỗ (giảm 2,54 tỷ USD); thủy sản (giảm 1,95 tỷ USD)…
Trong khi cầu hàng hóa giảm, xuất khẩu lại thêm những chỉ dấu không thuận bởi căng thẳng tại Biển Đỏ, làm tăng mạnh chi phí vận chuyển đi Hoa Kỳ, châu Âu - thị trường chiếm gần 150 tỷ USD xuất khẩu hàng hóa hằng năm của nước ta.
Theo dữ liệu của Tổng cục Hải quan, 15 ngày đầu tháng 1/2024, xuất khẩu của Việt Nam đạt 15,1 tỷ USD, giảm 7,5% so với nửa cuối tháng 12/2023. Kết quả này cho thấy, hoạt động thương mại quốc tế những ngày đầu năm 2024 vẫn tiếp tục theo hướng chậm lại của năm 2023.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, ngành thủy sản sẽ vẫn khó khăn trong nửa đầu năm nay, do lượng hàng tồn kho thế giới cao, cung lớn hơn cầu.
Năm 2023, xuất khẩu tôm mang về 3,4 tỷ USD, giảm 22% so với năm 2022, trong đó, xuất sang Hoa Kỳ đạt 682 triệu USD, giảm 15%. Năm 2024, xuất khẩu tôm được dự báo chưa dễ thở hơn. Theo VASEP, Hiệp hội Chế biến tôm Hoa Kỳ (ASPA) đã nộp đơn đề nghị điều tra chống trợ cấp đối với tôm nhập khẩu, trong đó có Việt Nam.
“Chưa rõ kết quả thế nào, nhưng xuất khẩu tôm Việt Nam sang Hoa Kỳ sẽ bị ảnh hưởng trong năm nửa đầu năm 2024. Bên cạnh đó, căng thẳng ở Biển Đỏ khiến giá cước vận tải biển đi Hoa Kỳ tăng cũng là một chướng ngại với doanh nghiệp xuất khẩu sang Hoa Kỳ trong năm nay”, VASEP đánh giá.
Ông Chu Thắng Trung, Phó cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) lưu ý, năm 2024, hàng hóa xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang EU, Hoa Kỳ… vẫn phải đối mặt với áp lực điều tra phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ.
Trong khi đó, tiêu chuẩn đối với hàng hóa xuất khẩu cũng tăng lên, khi EU đưa ra nhiều rào cản kỹ thuật liên quan môi trường, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh; Hoa Kỳ tăng cường hoạt động điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại…, khiến doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu bị động, gặp nhiều bất lợi trong tiếp cận thị trường.
Trong báo cáo mới phát hành, Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo, những mặt hàng đông lạnh như rau quả hay thủy sản xuất sang châu Âu sẽ chịu tác động tiêu cực nhất từ khủng hoảng ở Biển Đỏ.
Nhóm phân tích cho rằng, lý do không chỉ vì cước vận chuyển tăng vọt, mà còn do thời gian vận chuyển kéo dài, khiến chất lượng hàng hóa bị ảnh hưởng hoặc chi phí bảo quản tăng theo.
Doanh nghiệp chắt chiu cơ hội
Doanh nghiệp nhận thức rõ những khó khăn, thách thức hiện nay, nên cố gắng tận dụng, chắt chiu từng cơ hội, chớp thời cơ để đẩy mạnh xuất khẩu ngay từ đầu năm.
Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) thừa nhận, nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng như dệt may, giày dép... còn thấp, nên các doanh nghiệp phải tận dụng cơ hội thị trường, dù rất nhỏ, để thúc đẩy xuất khẩu.
Để hỗ trợ các đơn vị thành viên có thể định hướng hoạt động sản xuất - kinh doanh, ông Hiếu cho biết, Vinatex bám sát, cập nhật tình hình thị trường và các nguyên liệu đầu vào như bông, xơ mỗi tháng một lần.
Năm 2024, kinh tế thế giới được dự báo tiếp tục khó khăn, với tốc độ tăng trưởng chỉ đạt 2,9%. Tổng cầu dệt may toàn cầu dự kiến đạt 714 tỷ USD, tăng nhẹ so với năm 2023, nhưng vẫn thấp hơn năm 2022. Trong khi đó, chi phí đầu vào tại Việt Nam tăng do giá điện, cước vận tải, lương tối thiểu tăng.
Từ dự báo trên, Vinatex đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 17.536 tỷ đồng, tăng 3%; lợi nhuận đạt 415 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2023.
Với ngành thủy sản, mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 9,5 - 10 tỷ USD trong năm nay thực sự không dễ đạt được, bởi lực cầu hàng thủy sản tại nhiều thị trường vẫn chậm phục hồi. Doanh nghiệp kỳ vọng, thị trường này sẽ ấm lên từ quý II và nửa cuối năm.
Năm 2024, ngành lâm nghiệp đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 17,5 tỷ USD. Chỉ tiêu này được đánh giá là khá cao, đặc biệt trong bối cảnh xung đột chính trị kéo dài và khó đoán định.
Năm 2024, ngành gỗ vẫn nằm trong thế có nhiều bất ổn. Về tổng thể, ngành gỗ có tăng trưởng, nhưng chậm. Bên cạnh khó khăn về đầu ra thị trường, ngành đang đối mặt với một số vấn đề liên quan tính bền vững, đặc biệt là quy định chống phá rừng của EU, quy định về sản phẩm gỗ có phát thải carbon thấp, cũng như rủi ro về nguyên liệu gỗ nhập khẩu.
Giải pháp trọng tâm năm 2024 được các doanh nghiệp đặt ra là xây dựng hình ảnh ngành gỗ Việt Nam phát triển bền vững, dựa trên yếu tố cơ bản là sử dụng gỗ có chứng chỉ và sản phẩm giảm phát thải.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/chat-chiu-tung-co-hoi-xuat-khau-d207897.html