Chất lượng sản phẩm lúa gạo, trái cây đáp ứng tốt nhu cầu thị trường

Ngày 25/9, tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng diễn ra Hội nghị sơ kết Dự án Phát triển sản xuất lúa đặc sản tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2022 - 2025 và Dự án Phát triển cây ăn trái đặc sản tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2023 - 2025. Đồng chí Trần Tấn Phương - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng kiêm Giám đốc Ban Quản lý Dự án Phát triển lúa đặc sản và Dự án Phát triển cây ăn trái đặc sản tỉnh Sóc Trăng chủ trì hội nghị.

Theo Ban Quản lý Dự án Phát triển sản xuất lúa đặc sản tỉnh Sóc Trăng, qua hơn 2 năm triển khai thực hiện dự án, sản lượng lúa đặc sản, chất lượng cao của tỉnh ngày càng được nâng lên. Đến năm 2022, sản lượng lúa đặc sản, lúa chất lượng cao toàn tỉnh chiếm 91,64%, riêng sản lượng lúa đặc sản, thơm các loại chiếm 52,96%. Năm 2023, sản lượng lúa đặc sản, lúa chất lượng cao chiếm 93,13% sản lượng lúa toàn tỉnh (năm 2021 là 74,3%) và sản lượng lúa đặc sản, thơm các loại chiếm 54,08% (năm 2021 là 53,4%), góp phần không nhỏ vào giá trị xuất khẩu gạo của tỉnh từ 213 triệu USD năm 2021, tăng lên 469 triệu USD năm 2023.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: THÚY LIỄU

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: THÚY LIỄU

Đối với Dự án Phát triển cây ăn trái đặc sản tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2023 - 2025, để thực hiện hiệu quả dự án, trong năm 2024 Ban Quản lý Dự án đã và đang tiến hành các công việc như: cải tạo 53ha trên các loại cây trồng vú sữa, nhãn, bưởi, xoài và mãng cầu; mở mới 15ha các loại cây ăn trái như vú sữa, sầu riêng và mãng cầu; nâng cấp, cải tạo, trồng mới hình thành vùng sản xuất cây ăn trái tập trung với quy mô tối thiểu từ 3 - 5ha trở lên; tập huấn cho các hợp tác xã về nâng cao năng lực và 13 lớp xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Hỗ trợ xây dựng 15 mô hình điểm áp dụng sản xuất theo hướng hữu cơ, sinh học; hỗ trợ 5 mô hình rải vụ trên cây ăn trái; xây dựng 15 mã số vùng trồng, quy mô mỗi mô hình từ 10ha trở lên; tổ chức 2 cuộc hội nghị liên kết tiêu thụ sản phẩm cấp tỉnh...

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trần Tấn Phương thông tin, trong năm 2025, đơn vị sẽ tiếp tục duy trì và phát triển vùng sản xuất lúa đặc sản tại các huyện, thị xã, thành phố vùng dự án với tổng diện tích mở mới là 2.450ha. Các vùng nguyên liệu từng bước mở rộng, phát triển thành vùng nguyên liệu lúa đặc sản gắn với phát triển hợp tác xã để việc tổ chức sản xuất và tiêu thụ hiệu quả và bền vững.

Đối với việc triển khai thực hiện Dự án Cây ăn trái đặc sản tỉnh, Ban Quản lý Dự án sẽ tiếp tục cải tạo vườn tạp, vườn kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao; hỗ trợ kỹ thuật ghép cải tạo, trồng mới một số loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao đang được thị trường ưa chuộng theo hướng tập trung thành vùng chuyên canh theo quy hoạch đề ra…

THÚY LIỄU

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/nong-nghiep/202409/chat-luong-san-pham-lua-gao-trai-cay-ap-ung-tot-nhu-cau-thi-truong-f5355aa/