Chất vấn, trả lời chất vấn nhóm lĩnh vực: Nông nghiệp, Công thương, Văn hóa – Thể thao và Du lịch

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng nay (21/8), các đại biểu tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm lĩnh vực thứ nhất, gồm: Nông nghiệp và phát triển nông thôn; Công thương; Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

 Quang cảnh phiên làm việc buổi sáng 21/8 tại điểm cầu tỉnh Bắc Kạn.

Quang cảnh phiên làm việc buổi sáng 21/8 tại điểm cầu tỉnh Bắc Kạn.

Nêu câu hỏi chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, các đại biểu dành nhiều quan tâm đến một số vấn đề trọng tâm của ngành Nông nghiệp như: Giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nông sản xuất khẩu. Lộ trình sắp xếp, di dời, bố trí lại dân cư vùng có nguy cơ cao chịu ảnh hưởng của thiên tai. Những bất cập trong công tác quy hoạch và xây dựng quy hoạch lĩnh vực nông nghiệp, dẫn đến sự phát triển ngành còn thiếu bền vững, cần có giải pháp khắc phục. Ngành Nông nghiệp có giải pháp gì tham mưu cho Chính phủ để sớm có chính sách hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản, mở rộng các thị trường mới cho nông sản Việt Nam. Làm rõ khó khăn trong vận động Ủy ban Châu Âu gỡ bỏ "thẻ vàng" về thủy sản với Việt Nam. Đề nghị sớm hoàn thiện chính sách pháp luật về phát triển nhãn hiệu, thương hiệu sở hữu độc quyền, nhãn hiệu sản phẩm nông sản chủ lực của Việt Nam…

Các nội dung chất vấn được Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan trả lời, làm rõ. Trong đó, Bộ trưởng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ NN&PTNT, Bộ TN&MT và một số bộ ngành khác xây dựng Đề án đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở, sụt lún. Đây là một gói liên quan tới biến đổi khí hậu tác động đến đồng bằng sông Cửu Long và sẽ hoàn thành Đề án để trình Chính phủ trong tháng 9.

Về các giải pháp gỡ “thẻ vàng” IUU, giải pháp chủ yếu vẫn là thực hiện tốt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó phát triển thủy sản dựa trên ba trụ cột: Giảm khai thác, tăng nuôi trồng và bảo tồn biển, để đảm bảo trữ lượng thủy sản dành cho thế hệ mai sau.

Nhấn mạnh các giải pháp để mở cửa tiêu thụ nông sản, Bộ trưởng cho biết, trong thời gian vừa qua, Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương liên tục có những nghị định thư với các nước để tiêu thụ nông sản ngoài việc tiêu thụ trong nước. Trong đó, vấn đề chuẩn hóa tất cả các tiêu chuẩn chất lượng nông sản là vấn đề lớn. Chúng ta không thể nói vấn đề tiêu thụ thị trường nếu hàng hóa của chúng ta không đáp ứng được các tiêu chuẩn của thị trường. Do đó, cần quan tâm đến vấn đề cấp mã số, vùng trồng, vùng nuôi.

Đặt câu hỏi tới Bộ trưởng Bộ Công Thương, các đại biểu quan tâm đến việc bảo vệ thương hiệu nhãn hiệu, thương hiệu nông sản; xử lý các trường hợp vi phạm về xuất xứ hàng hóa, hàng giả, hàng nhái; vấn đề dự trữ xăng dầu; giải pháp nào khắc phục tình trạng bảo kê trong công tác quản lý thị trường; giải pháp điều hành giá điện một cách tốt nhất trong thời gian tới; tháo gỡ khó khăn trong phát triển năng lượng tái tạo. Đại biểu nêu, thực tế nhu cầu sử dụng điện năng lượng mặt trời từ các hộ gia đình khu vực phía Nam là rất lớn. Tuy nhiên, hiện nay Nhà nước không có chính sách thu mua điện từ phần dôi dư của các hộ gia đình, vì vậy cần có hướng giải quyết để tạo điều kiện cho hộ gia đình được bán lại nguồn điện dôi dư…

Trả lời câu hỏi của các đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, trong kinh tế thị trường, việc phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, buôn lậu hàng giả, hàng kém chất lượng là rất quan trọng, nhất là trong môi trường thương mại điện tử. Thời gian qua, Bộ Công thương và các cơ quan liên quan đã tham mưu cho cấp có thẩm quyền để ban hành nhiều cơ chế, chính sách để khắc phục tình trạng này. Điển hình là tham mưu ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Đề án chống hàng giả, kém chất lượng, sửa đổi, bổ sung những quy định xử phạt trong thương mại truyền thống và thương mại điện tử.

Về vấn đề giá điện, theo Bộ trưởng Bộ Công thương, biểu giá điện bậc thang là mô hình phát triển của tất cả các quốc gia, khuyến khích các khách hàng sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả. Khác với các ngành hàng khác, càng sản xuất điện càng gây nguy cơ đến môi trường. Do đó, cần nâng cao trách nhiệm trong bảo vệ môi trường vì năng lượng là ngành phát thải khá lớn.

Về thông tin có một số bộ phận cán bộ quản lý thị trường bảo kê cho các hành vi sai phạm, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết cán bộ quản lý thị trường có thẩm quyền, có trách nhiệm quyết định việc xử phạt hay không. Do tính chất này nên ngành Công thương thường xuyên luân chuyển vị trí này và quy trách nhiệm cho người đứng đầu, tiếp tục sửa đổi các cơ chế, chính sách trong việc thanh tra, giám sát và xử lý những cá nhân vi phạm…

Đối với lĩnh vực Văn hóa – Thể thao và Du lịch, các đại biểu chất vấn về nhiều nội dung như: Việc đẩy mạnh hoàn thiện công tác thống kê du lịch. Giải pháp nâng cao chất lượng và tăng số lượng, đáp ứng nguồn nhân lực lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật giai đoạn tới. Làm rõ giải pháp để đa dạng các sản phẩm du lịch đêm, góp phần giữ chân du khách. Quan điểm của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đối với việc thu hút nguồn lực vào bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa…

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 06/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc nâng cao hiệu quả công tác thống kê du lịch để đánh giá, hoạch định chính sách và thúc đẩy phát triển du lịch Việt Nam hiệu quả, bền vững trong thời gian tới.

Liên quan đến nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, cơ quan quản lý nhà nước đã nhiều lần báo cáo trước Quốc hội, nếu không có các giải pháp quyết liệt thì có thể sẽ có một số bộ môn nghệ thuật truyền thống sẽ “khép lại”. Chính phủ đã có các quy định để khuyến khích, động viên như giảm học phí, có chế độ ưu đãi khi học các bộ môn nghệ thuật truyền thống. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã và đang triển khai trên cả nước, không chỉ trong các trường của Bộ. Về lâu dài, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng cần phải có nhiều giải pháp để người dân yêu văn hóa Việt Nam, coi nghệ thuật truyền thống văn hóa Việt Nam là hồn cốt cần phải gìn giữ, lưu truyền...

Các nội dung chất vấn khác thuộc nhóm lĩnh vực: Nông nghiệp và phát triển nông thôn; Công thương; Văn hóa, thể thao và du lịch mà đại biểu quan tâm cũng đã được các bộ trưởng trao đổi, làm rõ trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Chiều nay (21/8), các đại biểu chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề liên quan đến lĩnh vực: Tư pháp; Nội vụ; An ninh, trật tự, an toàn xã hội; Thanh tra; Tòa án; Kiểm sát./.

Trang Lê

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.vn/chat-van-tra-loi-chat-van-nhom-linh-vuc-nong-nghiep-cong-thuong-van-hoa-the-thao-va-du-lich-post65318.html