Châu Á dần 'quay lưng' với nhiên liệu hóa thạch vì xe điện?
Các chuyên gia cho rằng việc các nhà sản xuất dầu không thể tăng giá thông qua cắt giảm sản lượng cho thấy những người tiêu dùng lớn nhất châu Á có thể đang từ bỏ dầu khí. Tăng trưởng năng lượng tái tạo cũng có khả năng thúc đẩy sự chuyển hướng sang xe điện trên toàn khu vực, khi cơ sở hạ tầng sạc xe điện bắt kịp nhu cầu.
Nhưng giá cho đến nay vẫn không chịu nhúc nhích, với giá dầu vẫn ổn định ở mức khoảng 75-80 USD/thùng, điều mà một số nhà phân tích giải thích là dấu hiệu của sự thay đổi cơ cấu sâu hơn trong thị trường dầu mỏ.
Việc các nhà sản xuất không thể tăng giá thông qua việc giảm sản lượng nhất quán có thể là do nhiều yếu tố bao gồm cả kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ tăng lãi suất một lần nữa, gây áp lực lên việc định giá dầu quốc tế bằng đồng USD.
Các chuyên gia cho biết có những dấu hiệu từ các mô hình giao dịch cho thấy thị trường hàng hóa quan trọng nhất thế giới - trong đó châu Á đóng vai trò quan trọng vì chiếm 70% nhu cầu dầu toàn cầu - có thể đang bắt đầu quá trình chuyển đổi dài hạn sang năng lượng xanh.
Theo Ramnath Iyer, trưởng nhóm tài chính năng lượng tái tạo và khí hậu châu Á tại Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính, châu Á có 34,6% điện năng từ các nguồn xanh vào năm ngoái, so với 29,6% vào năm 2019.
Tỷ lệ điện năng được tạo ra từ các nguồn xanh của Trung Quốc đã tăng lên 39% vào năm ngoái từ 33% vào năm 2019, trong khi Ấn Độ tăng lên 22,9% từ 20% trong cùng kỳ.
“Nhìn vào sự bổ sung dự kiến trong các lĩnh vực năng lượng mặt trời và năng lượng gió ở châu Á, chúng tôi kỳ vọng tốc độ tăng trưởng gộp hàng năm ở mức cao (18-19%) đối với năng lượng gió và năng lượng mặt trời trong ba năm tới tính đến năm 2025”, Iyer phân tích.
Ả Rập Xê Út sẵn sàng gia hạn cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng mỗi ngày sang tháng 8 trong khi Nga cho biết họ sẽ xuất khẩu dầu thô ít hơn 500.000 thùng/ngày. Thay vì cắt giảm sản lượng, Moscow có kế hoạch sử dụng dầu thô để sản xuất thêm nhiên liệu nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước.
Sau cuộc họp của OPEC vào tuần trước, Bộ trưởng Năng lượng của Ả Rập Saudi, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman Al Saud nói nhóm có ảnh hưởng sẽ tiếp tục làm "bất cứ điều gì cần thiết để duy trì sự ổn định của thị trường". Các nhà phân tích nhận định rằng đó là một tín hiệu rõ ràng rằng họ sẵn sàng cắt giảm sản lượng thậm chí hơn nữa. Hành động của các nhà sản xuất dầu lớn cho thấy họ đang chuẩn bị cho một sự thay đổi dài hạn trên thị trường.
Một tín hiệu mạnh mẽ như vậy thường sẽ dẫn đến một thị trường tăng giá, nhưng thay vào đó, giá dầu lại giảm vào thứ Hai đầu tuần qua (10/7) xuống còn khoảng 78 USD/thùng sau khi tăng nhẹ vào cuối tuần trước.
Viktor Katona, nhà phân tích dầu thô hàng đầu tại Kpler Commodities, một công ty phân tích và dữ liệu hàng hóa, nhận định mặc dù khởi đầu chậm chạp, nhưng nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc dự kiến sẽ đạt trung bình 15,47 triệu thùng/ngày, so với mức trung bình 15,36 triệu thùng/ngày trong nửa đầu năm nay.
Nhưng ngoài một sự thúc đẩy ngắn hạn do nhu cầu của Trung Quốc tăng lên, thì khả năng chuyển đổi năng lượng là rất lớn.
Tim Buckley, giám đốc tổ chức tư vấn Tài chính Năng lượng Khí hậu cho biết, doanh số bán xe điện đang bùng nổ ở Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ báo hiệu rằng “sự kết thúc của động cơ đốt trong sẽ đến trong thập kỷ này”.
Ông cho biết thêm, các phương tiện chở khách của Trung Quốc “sẽ đơn giản ngừng cung cấp động cơ đốt trong sau khi hết các mẫu hiện tại”. Nhà sản xuất xe điện lớn nhất Trung Quốc BYD thông tin vào tháng 4 năm ngoái rằng họ đã ngừng sản xuất ô tô chạy bằng xăng và hiện sẽ chỉ sản xuất ô tô plug-in hybrid hoàn và điện khí hóa mạnh.
“Tại Trung Quốc, xe điện hiện chiếm 32-34% tổng số xe chở khách được bán ra hàng tháng và đang tăng gấp 5 đến 10 lần tổng mức tăng trưởng của thị trường mỗi năm, điều đó có nghĩa là họ sẽ đạt gần 100% thị phần trong thị trường này”, Buckley nói.
Quá trình chuyển đổi sang xe điện thực tế có thể vẫn đang ở giai đoạn đầu do nhiều quốc gia châu Á thiếu cơ sở hạ tầng sạc điện, nhưng các chuyên gia cho rằng sự tăng trưởng trong sản xuất năng lượng tái tạo trên toàn khu vực cho thấy quá trình chuyển đổi có thể diễn ra sớm hơn là muộn.
“Những cơn gió ngược vĩ mô toàn cầu sẽ xuất hiện trong một thời gian đối với dầu thô, nhưng điều cũng đang ảnh hưởng đến giá dầu thô là sự chuyển hướng sang năng lượng thay thế, bởi vì theo đó các thị trường có thể đang mất đi nhu cầu nhiều triệu thùng dầu mỗi ngày”, Gnanasekhar Thiagarajan, giám đốc công ty tư vấn Commtrendz Research có trụ sở tại Ấn Độ nhấn mạnh. “Opec có thể sẽ phải tiếp tục cắt giảm sản lượng để đặt giá sàn”.