Châu Á - Tâm điểm trong chiến lược đầu tư toàn cầu

Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị và thương mại gia tăng, đặc biệt là do các chính sách ngày càng khó đoán từ Mỹ, một làn sóng đầu tư đang chuyển hướng sang các thị trường châu Á, tìm cách đa dạng hóa danh mục đầu tư, giảm sự phụ thuộc vào tài sản định giá bằng USD.

Ngày 20-5 vừa qua, chỉ số sức mạnh đồng USD (DXY) giảm 0,4% xuống còn 100,03 điểm - mức thấp nhất trong nhiều tuần qua. Tính từ đầu năm 2025 đến nay, chỉ số DXY đã giảm hơn 10%. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc các nhà đầu tư lo ngại về tình hình tài khóa của Mỹ, đặc biệt sau khi Moody’s hạ bậc xếp hạng tín dụng của nước này.

 Sở giao dịch chứng khoán Tokyo cải tổ mạnh mẽ để thu hút đầu tư. Ảnh: Nippon

Sở giao dịch chứng khoán Tokyo cải tổ mạnh mẽ để thu hút đầu tư. Ảnh: Nippon

Việc sử dụng đồng USD như công cụ gây sức ép chính trị trong thương mại, cùng với rủi ro về suy thoái kinh tế Mỹ, khiến nhà đầu tư dần tìm kiếm các giải pháp thay thế. Ngày càng nhiều nhà đầu tư đang tìm cách đa dạng hóa danh mục, giảm sự phụ thuộc vào tài sản định giá bằng đồng USD và chuyển hướng sang những thị trường tăng trưởng nhanh, trong đó châu Á nổi lên như một lựa chọn đầy tiềm năng. Châu Á đang thu hút dòng vốn đầu tư không chỉ vì triển vọng tăng trưởng kinh tế tích cực, mà còn nhờ sự ổn định tương đối về chính sách tiền tệ và cơ cấu dân số trẻ, năng động.

Tại Nhật Bản, dòng vốn nước ngoài đổ vào thị trường chứng khoán và trái phiếu trong tháng 4-2025 đã đạt khoảng 57 tỷ USD - mức cao nhất kể từ khi có số liệu thống kê. Đây là một kỷ lục bất ngờ sau gần 30 năm, một quốc gia châu Á hưởng trọn dòng tiền khổng lồ khi nhà đầu tư rời xa tài sản Mỹ. Dòng vốn đổ vào thị trường Nhật chủ yếu đến từ nhà đầu tư là các tổ chức, không phải nhà đầu tư cá nhân. Cụ thể, các quỹ hưu trí và nhà quản lý tài sản đã mua mạnh cổ phiếu trên sàn Sở giao dịch chứng khoán Tokyo. Các nhà đầu tư như cơ quan quản lý dự trữ ngoại hối, công ty bảo hiểm nhân thọ và quỹ hưu trí lựa chọn trái phiếu.

Trung Quốc, dù đang chịu sức ép từ căng thẳng thương mại với phương Tây, vẫn giữ vị thế hấp dẫn nhờ vào thị trường nội địa khổng lồ và các chính sách khuyến khích công nghệ. CapitaLand Investment, một công ty quản lý tài sản hàng đầu tại Singapore, vừa ra mắt quỹ nội địa trị giá 5 tỷ nhân dân tệ (tương đương khoảng 692 triệu USD) tại Trung Quốc.

Theo dữ liệu từ Công ty đầu tư toàn cầu Robeco (có trụ sở tại Hà Lan), chỉ riêng trong tháng 4 vừa qua, cổ phiếu châu Á được giao dịch trên sàn giao dịch chứng khoán đã thu hút 33,3 tỷ USD, vượt cả Mỹ (31 tỷ USD) và châu Âu (9,1 tỷ USD). Điều này cho thấy một sự thay đổi rõ rệt trong cách các nhà đầu tư toàn cầu đánh giá và phân bổ tài sản.

Khảo sát mới nhất của Bank of America, khoảng 42% nhà quản lý quỹ cho biết, họ đang tăng tỷ trọng đầu tư vào thị trường chứng khoán Ấn Độ. Bên cạnh cổ phiếu, nhiều nhà đầu tư cũng tìm đến các tài sản thay thế như vàng, tiền điện tử và bất động sản tại châu Á để bảo toàn giá trị trong thời kỳ bất ổn. Các quỹ đầu tư, như Future Fund của Australia, đang giảm tỷ trọng tài sản ở Mỹ và tăng đầu tư vào châu Á, đặc biệt trong các lĩnh vực như công nghệ, năng lượng tái tạo và trí tuệ nhân tạo (AI), vốn được kỳ vọng là động lực tăng trưởng tiếp theo của khu vực.

Những chuyển dịch dòng vốn đang phản ánh rõ sự thay đổi trong chiến lược toàn cầu của giới đầu tư. Đó là, thay vì tập trung quá mức vào tài sản gắn với USD, giới đầu tư tìm kiếm những thị trường tăng trưởng độc lập, ít phụ thuộc và có tiềm năng dài hạn.

KHÁNH HƯNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/chau-a-tam-diem-trong-chien-luoc-dau-tu-toan-cau-post796279.html