Tăng sức chống chịu của doanh nghiệp xuất khẩu

Tình hình xuất khẩu và 'sức khỏe' của doanh nghiệp trong những tháng đầu năm 2025 đang phản ánh nhiều dấu hiệu tích cực xen lẫn không ít rủi ro. Yêu cầu thực tế đòi hỏi doanh nghiệp (DN) vừa phải phát triển cả thị trường xuất khẩu và thị trường nội địa. Đó là nhận định của các chuyên gia tại diễn đàn CEO chủ đề 'Giải pháp mở rộng thị phần cho DN', diễn ra ngày 21/5 tại TPHCM.

Tăng trưởng nhưng rủi ro vẫn tiềm ẩn

Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM (HUBA) cho hay, dù kim ngạch xuất khẩu 4 tháng qua hơn 102 tỷ USD, tăng hơn 10% cùng kỳ nhưng nếu đi sâu phân tích thì thấy rõ sự phân mảnh. Nhiều nhóm hàng xuất khẩu mang tính chiến lược và nhiều mặt hàng có nguy cơ không có đơn hàng trong tháng 7. Điều này không chỉ gây ra sự gián đoạn chuỗi cung ứng mà còn làm xói mòn dòng tiền, khả năng duy trì hoạt động của DN, đặc biệt là khối DN nhỏ và vừa (SMEs). “Đơn hàng giảm, khả năng tiếp cận thị trường bên ngoài không cao khiến DN bị bào mòn dòng tiền và khả năng tồn tại. Làn sóng DN rút lui khỏi thị trường đang tăng dần qua 3 năm 2022 - 2024 và trong 4 tháng đầu năm 2025 đã gần bằng một nửa năm 2024. Đây không chỉ là một hiện tượng ngắn hạn, mà liên tục kéo dài. Tất nhiên quá trình kinh doanh có sàng lọc thị trường, nhưng số lượng rút lui hàng trăm ngàn và liên tục thể hiện sức sống, sức chống chịu với thị trường” - ông Hòa dẫn chứng.

Khó khăn ở một số thị trường nước ngoài, nhiều doanh nghiệp Việt hướng đến thị trường nội địa. Ảnh: S.X.

Khó khăn ở một số thị trường nước ngoài, nhiều doanh nghiệp Việt hướng đến thị trường nội địa. Ảnh: S.X.

Liên quan đến tình hình kinh tế, cụ thể là hoạt động xuất khẩu, ông Phạm Bình An - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM cho biết, trong quý I/2025, bức tranh kinh tế có vẻ khả quan. Tốc độ tăng GDP đạt 6,93% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng chính là mức tăng cao nhất của quý I giai đoạn 2020 - 2025. Tuy vậy, sản xuất và xuất khẩu đang tiềm ẩn rủi ro, khi Việt Nam xuất siêu sang Hoa Kỳ, nhưng nhập siêu từ Trung Quốc. Hơn nữa, sự phụ thuộc DN có vốn đầu tư nước ngoài khiến xuất khẩu thiếu tự chủ, DN nội địa cần được nâng sức chống chịu trước thuế đối ứng. Bên cạnh đó, Việt Nam đang đối mặt với áp lực không chỉ về thuế đối ứng mà còn có các yếu tố địa chính trị, trong bối cảnh thương mại lệch pha, nghi ngờ trung chuyển và cạnh tranh từ các quốc gia khác,...

TS Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng khẳng định, DN đang gặp nhiều khó khăn, thách thức cả trong lẫn ngoài nên cần sự nỗ lực từ nhiều phía. Trong bối cảnh chiến tranh thương mại hiện nay, có thể xảy ra 3 kịch bản. Kịch bản tích cực, DN phải chấp nhận xoay quanh đâu đó mức thuế 10 - 15% đối với hàng hóa xuất khẩu sang Hoa Kỳ, tương tự như 126 nước khác… Trường hợp tiêu cực, DN có thể chịu mức thuế lên đến 46%. Kịch bản cơ sở (xác suất xảy ra khoảng 60%), chấp nhận mức thuế 20-25% so với mức thuế 46%.

Tận dụng FTA, thị trường nội địa

Nêu hướng đi mang tính “rộng cửa” cho DN, ông Phạm Bình An cho rằng, DN trong nước cần nâng cao sức chống chịu tài chính, đồng thời rất cần sự hỗ trợ kịp thời từ Nhà nước. Chính sách hỗ trợ cần hướng vào việc giúp DN duy trì sản xuất, bảo đảm việc làm và ổn định xã hội trong bối cảnh biến động hiện nay. Ngoài ra, DN cần phân loại thị trường xuất khẩu để có bước đi đúng hướng. Thứ nhất, thị trường bảo hộ cao gồm: Mỹ, EU - nơi có hàng rào kỹ thuật và thuế suất cao, đòi hỏi DN phải tăng năng lực tuân thủ, minh bạch hóa truy xuất nguồn gốc, đạt tiêu chuẩn môi trường và xã hội. Thứ hai là thị trường tiềm năng như Ấn Độ, Trung Đông, châu Phi ít cạnh tranh hơn, phù hợp với năng lực sản xuất hiện tại của nhiều DN Việt. Cuối cùng là thị trường ngách, thị trường quy mô không lớn nhưng có giá trị gia tăng cao, phù hợp với các DN có khả năng tùy biến sản phẩm. Ngoài ra, việc định vị lại thị trường mục tiêu cũng là bước cần thiết để DN có chiến lược đầu tư và phát triển sản phẩm phù hợp hơn.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công thương TPHCM cho hay, thành phố chỉ xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ khoảng 10% trong tổng kim ngạch xuất khẩu, nhưng luôn xác định đây là thị trường quan trọng do tính dẫn dắt hành vi tiêu dùng và chuỗi cung ứng toàn cầu. Do đó rất cần những điều chỉnh mang tính chiến lược, lâu dài trong tiếp cận và phát triển thị trường. Không chỉ để tăng trưởng xuất khẩu, mà còn nhằm củng cố vị thế hàng hóa Việt trên thị trường thế giới. Lãnh đạo Sở Công thương TPHCM cũng khuyến nghị, để ổn định xuất khẩu, ngoài thị trường Hoa Kỳ, DN cần phát huy các hiệp định thương mại tự do (FTA) khác. Theo ông Vũ, DN thực sự chưa tận dụng hết các lợi thế này, trong khi có nhiều chính sách hỗ trợ rất tốt. Song song với thị trường xuất khẩu, DN cần thúc đẩy khai thác lợi thế của thị trường trong nước, 100 triệu dân với sức mua ngày càng tăng là thị trường lớn, thị trường quan trọng. Trong vài năm qua, nhiều DN đã có sản phẩm cung ứng ra thị trường, chiếm tỷ trọng nhất định trong thị trường nội địa. Tới đây, khi TPHCM sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu thì không gian phát triển mở rộng hơn cho DN. TPHCM sẽ tiếp tục phát huy vai trò là trung tâm trong nhiều lĩnh vực.

Theo Cục Thống kê và Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, chỉ 37,4% tham gia chuyển đổi, 11% không quan tâm, 27,2% không muốn chuyển đổi, 24,4% hoàn toàn không biết. Trong khi đó, nếu không thay đổi rất nhiều DN sẽ bị đào thải ngay trên sân nhà, chưa cần ra biển lớn. DN rất cần sự hỗ trợ. Đó là tín dụng và lãi suất; các chính sách kích cầu và tiêu dùng nội địa; giảm/hoàn thuế, phí; nâng cấp hạ tầng giao thông; rút gọn thủ tục hành chính…

THANH GIANG

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/tang-suc-chong-chiu-cua-doanh-nghiep-xuat-khau-10306332.html