Châu Âu giảm lãi suất dù tiếp tục chống lạm phát

Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) cắt giảm lãi suất từ mức cao kỷ lục nhưng vẫn cảnh báo rằng, cuộc chiến chống lạm phát chưa kết thúc dù đạt được kết quả tích cực trong thời gian gần đây.

Christine Lagarde, Chủ tịch ECB, phát biểu tại cuộc họp báo về quyết định giảm lãi suất ở Frankfurt, Đức hôm 6-6. Ảnh: Reuters

Christine Lagarde, Chủ tịch ECB, phát biểu tại cuộc họp báo về quyết định giảm lãi suất ở Frankfurt, Đức hôm 6-6. Ảnh: Reuters

Sau cuộc họp hôm 6-6, ECB quyết định cắt giảm lãi suất của khu vực sử dụng đồng euro (eurozone) gồm 20 nước thành viên từ mức cao kỷ lục 4% xuống còn 3,75%. Đây là lần giảm lãi suất đầu tiên của ECB kể từ năm 2019.

“Dựa trên đánh giá cập nhật về triển vọng lạm phát, các động lực của lạm phát cốt lõi và sức mạnh truyền dẫn của chính sách tiền tệ, đây là lúc thích hợp để giảm mức độ thắt chặt chính sách sau 9 tháng giữ nguyên lãi suất”, Hội đồng thống đốc ECB cho biết trong một tuyên bố.

Trong báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô, các nhà kinh tế của ECB nâng dự báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong năm 2024 của eurozone từ 2,3% lên 2,5%. Lạm phát ở eurozone đã giảm từ hơn 10% vào cuối năm 2022 xuống gần sát mức mục tiêu 2% của ECB trong những tháng gần đây. Sự cải thiện này phần lớn nhờ chi phí nhiên liệu giảm và nguồn cung bình thường hóa. Nhưng tiến triển đó đang bị đình trệ, khiến kỳ vọng về một chu kỳ nới lỏng lớn của ECB trở nên không chắc chắn hơn.

ECB không đưa ra dấu hiệu nào cho thấy có tiếp tục giảm lãi suất vào tháng 7 hay không. “Chúng tôi không cam kết trước về một lộ trình lãi suất cụ thể. Bất chấp tiến bộ về lạm phát trong những quí gần đây, áp lực giá cả trong khu vực vẫn mạnh do tăng trưởng tiền lương tăng cao. Lạm phát có thể sẽ cao hơn mục tiêu trong năm tới”, Chủ tịch ECB Christine Lagarde phát biểu trong một cuộc họp báo.

Khi được hỏi liệu ECB có đang chuyển sang giai đoạn đảo ngược dần lập trường chính sách tiền tệ thắt chặt hay không, bà Lagarde nói, không thể xác nhận quá trình như vậy đang được tiến hành nhưng “có khả năng rất cao”.

ECB nhấn mạnh việc giảm lãi suất thêm sẽ phụ thuộc vào dữ liệu sắp tới và tái khẳng định chi phí đi vay cần duy trì ở mức đủ cao để kiểm soát giá cả. Các nhà đầu tư trên thị trường tiền tệ hiện tại chỉ đặt cược ECB cắt giảm lãi suất một lần trong năm năm. Đòng thời họ dự báo chỉ có rủi ro nhỏ, cơ quan này giảm lãi suất thêm một lần nữa trong thời gian còn lại của năm.

Với động thái hôm thứ 6-6, ECB cùng với các ngân hàng trung ương của Canada, Thụy Điển và Thụy Sĩ đã tiên phong nới lỏng tiền tệ trước Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), vốn dự kiến chỉ bắt đầu giảm lãi suất sau mùa hè này.

Tuy nhiên, một số dữ liệu cao hơn mong đợi về lạm phát, tiền lương và hoạt động kinh tế của khu vực eurozon trong vài tuần qua làm dấy lên lo ngại về “chặng cuối” khó khăn hơn trên con đường đạt được mục tiêu lạm phát 2% của ECB. Lạm phát trong lĩnh vực dịch vụ của eurozone mối lo ngại đặc biệt đối với ECB sau khi tăng trở lại lên 4,1% trong tháng 5 từ mức 3,7% một tháng trước đó.

Dean Turner, nhà kinh tế trưởng khu vực eurozone của UBS Global Wealth Management cho rằng, với các dữ liệu kinh tế trên, khả năng ECB giảm lãi suất thêm trong cuộc họp tiếp theo vào tháng 7 khó có thể xảy ra.

Hầu hết các nhà kinh tế vẫn kỳ vọng ECB tiếp tục giảm lãi suất chính sách thêm 2 lần trong năm nay vào tháng 9 và tháng 12 và cuối cùng sẽ đưa lãi suất về mức 2,5% vào cuối năm 2025.

“Triển vọng ECB giảm lãi suất thêm vào tháng 9 và tháng 12 vẫn là dự báo trọng tâm của chúng tôi. Nhưng nếu đà tăng lạm phát dịch vụ gần đây kéo dài, chúng tôi thấy có nhiều khả năng ECB phải thận trọng hơn”, nhà kinh tế Fabio Balboni của ngân hàng HSBC nói.

Sự phục hồi trong tăng trưởng của eurozone làm suy yếu lập luận rằng lãi suất cao đang bóp nghẹt hoạt động kinh tế. Điều này giảm tính cấp thiết đối với ECB trong việc giảm lãi suất. Tuy nhiên, câu hỏi lớn không thể phớt lờ là Fed sẽ bắt đầu hay trì hoãn thêm chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ. Nếu Fed tiếp tục duy trì thắt chặt chính sách, đồng euro sẽ yếu hơn và lạm phát nhập khẩu của eurozone sẽ cao hơn. Đồng thời, điều đó cũng sẽ làm tăng lợi suất trên thị trường trái phiếu toàn cầu, tạo ra một cú sốc kép đối với eurozone.

“Tốc độ giảm lãi suất của ECB sẽ phụ thuộc vào Mỹ và Fed. Trong trường hợp Fed không giảm lãi suất trong năm nay, ECB có thể chỉ thực hiện hai đợt giảm lãi suất”, Mohit Kumar, nhà kinh tế của ngân hàng Jefferies nhận định.

Theo Reuters, CNBC

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/chau-au-giam-lai-suat-du-tiep-tuc-chong-lam-phat/