Châu Âu sẽ ra sao nếu cương quyết cấm dầu Nga?
Sự thống trị kéo dài của hàng thập kỷ của Nga với thị trường năng lượng châu Âu có thể sẽ có bước ngoặt khi EU thông qua đề xuất cấm nhập dầu từ nước này.
"Đây sẽ là lệnh cấm nhập khẩu toàn bộ dầu mỏ Nga, từ dầu vận chuyển bằng đường biển, qua đường ống, dầu thô và dầu mỏ đã lọc. Chúng ta sẽ đảm bảo rằng chúng ta loại dần dầu mỏ Nga theo cách trật tự, cho phép chúng ta và các đối tác đảm bảo các tuyến cung cấp thay thế và giảm thiểu tác động lên thị trường toàn cầu", Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen nói hôm 4/5 khi đề xuất gói cấm vận thứ 6 của EU lên Nga vì tình hình Ukraine.
Theo đề xuất, EU sẽ loại bỏ dần việc nhập khẩu dầu của Nga trong vòng 6-8 tháng tới nhằm cho phép các nước trong khối đa dạng hóa nguồn cung dầu mỏ.
Đây là một phần trong nỗ lực của châu Âu nhằm ngừng trả 850 triệu USD mỗi ngày tiền năng lượng cho Nga và gây ảnh hưởng đến tài chính của điện Kremlin để phản ứng trước hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine.
Nó cũng được xem là bước ngoặt thay đổi lập trường khi trước đó EU vẫn chần chừ trong việc cấm vận nguồn cung mà họ bị phụ thuộc này.
Với cách tiếp cận theo từng giai đoạn, "chúng tôi sẽ tối đa hóa sức ép lên Nga trong khi giảm thiểu thiệt hại cho chúng tôi và các đối tác trên toàn cầu”, bà von der Leyen nói.
Quyết tâm "cai nghiện" dầu Nga
Các nhà phân tích nhận định việc cắt đứt quan hệ dầu mỏ của châu Âu với Nga là có thể, nhưng nỗ lực này sẽ mất nhiều thời gian, đồng thời đẩy giá xăng, dầu diesel, nhiên liệu máy bay và các sản phẩm khác lên cao hơn.
"Nó sẽ hết sức phức tạp. Quyết định này sẽ cắt mối liên kết giữa hai phần rất gắn bó với nhau trong hệ thống năng lượng toàn cầu, gây ra nhiều gián đoạn và đẩy chi phí liên quan lên cao", Richard Bronze - chuyên gia phụ trách về địa chính trị tại công ty nghiên cứu Energy Aspects cho hay.
Nhưng theo ông Bronze, các nhà hoạch định chính sách của EU tin rằng động thái này là cần thiết để thúc đẩy việc cắt đứt phụ thuộc vào dầu mỏ Nga nhằm giảm nguồn thu của Moskva và giảm mức độ ảnh hưởng của Moskva với châu Âu.
Mục tiêu của EU rất rõ ràng. Trong khi Nga vẫn đang dàn quân ở Ukraine, châu Âu muốn ngăn Moskva kiếm tiền từ việc bán dầu, vốn là nguồn thu xuất khẩu lớn nhất và là xương sống của nền kinh tế Nga.
Florian Thaler, giám đốc điều hành của OilX - một công ty nghiên cứu năng lượng ước tính doanh số bán dầu của Nga sang châu Âu đạt 310 triệu USD mỗi ngày.
Lệnh cấm vận dầu mỏ cũng là một phần trong nỗ lực chấm dứt khả năng Moskva tận dụng năng lượng như một con bài mặc cả với châu Âu. Hồi cuối tháng 4, Nga cắt nguồn cung năng lượng cho Ba Lan và Bulgaria.
Theo giới quan sát, cấm dầu Nga dễ hơn so với khí đốt.
Khác biệt với khí đốt, không phải tất cả các loại dầu đều được tạo ra như nhau. Các nhà máy lọc dầu được thiết kế để xử lý một loại dầu thô nhất định. Do đó, việc thay đổi nhà cung cấp không phải là không thể nhưng cần thời gian để điều chỉnh cho phù hợp.
Thủ tướng Viktor Orban Hungary thừa nhận nước này cần 5 năm cùng các khoản đầu tư khổng lồ vào các nhà máy lọc dầu và đường ống để thoát phụ thuộc dầu từ Moskva.
Với Slovakia - quốc gia gần như phụ thuộc phần lớn vào nguồn dầu thô của Nga, các nhà máy lọc dầu của Bratislava được thiết kế để hoạt động với dầu Nga nên cần được đại tu hoặc thay thế toàn diện để xử lý dầu nhập về từ nơi khác.
Một vấn đề đau đầu khác mà châu Âu phải đối phó là các quốc gia ở lục địa già có quan điểm chia rẽ về việc "cai nghiện" dầu Nga.
Anh, quốc gia khai thác được dầu từ Biển Bắc tuyên bố sẽ từ bỏ dần năng lượng Nga. Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Pháp cũng nhập khẩu lượng dầu tương đối thấp từ Moskva.
Trong khi đó, Hungary, Slovakia, Finland và Bulgaria nhập khẩu hơn 75% nguồn dầu từ Nga nên đều gặp khó khăn khi phải tìm nguồn cung thay thế.
"Hungary hay nền kinh tế Hungary sẽ không thể vận hành nếu thiếu dầu Nga", "Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto hôm 3/5 khẳng định.
Hiện tại, dòng dầu thô lớn nhất của Nga vào châu Âu (gần 1 triệu thùng/ngày) đi qua đường ống Druzhba dài 5.000 km từ Almetyevsk ở miền Trung nước Nga đến các nhà máy lọc dầu ở Belarus, Ba Lan, Đức, Slovakia, Cộng hòa Czech và Hungary. Các nhà máy lọc dầu dọc tuyến vận chuyển này hoạt động bằng dầu thô của Nga trong 50 năm qua.
Theo đề xuất mới được điều chỉnh của EC, Hungary và Slovakia có thể tiếp tục mua dầu của Nga từ các đường ống dẫn cho tới cuối năm 2024. Cộng hòa Séc có thể tiếp tục hoạt động này tới tháng 6/2024.
Theo ông Thaler, trong khoảng thời gian này, Hungary và Slovakia sẽ bắt đầu nhận nhiều dầu hơn từ các tàu chở dầu ở biển Adriatic, thông qua đường ống chạy qua Croatia trong khi Cộng hòa Czech có thể "tập" nhận dầu từ một kho chứa ở Trieste, Italia để dần "cai" dầu Nga.
Tìm nguồn cung thay thế
Các nhà phân tích cho rằng lệnh cấm vận dầu Nga có thể gây ra một cuộc cạnh tranh tốn kém về các nguồn dầu thay thế.
Viktor Katona, chuyên gia về dầu tại công ty Kpler chuyên theo dõi dòng chảy năng lượng cho rằng trong các nguồn cung tiềm năng thay thế dầu Nga, Ả Rập Xê-út là lựa chọn hợp lý nhất. Nhưng tới nay, quốc gia Vùng Vịnh - nhà sản xuất dầu lớn nhất trong OPEC không hề có bất cứ động thái nào cho thấy họ có ý định tăng sản lượng khai thác.
Một cái tên tiềm năng là Iran nhưng các biện pháp mà Mỹ áp đặt với Tehran đang làm giảm doanh số bán nhiên liệu của Iran.
Venezuela, quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới cũng được đề cập như một giải pháp thay thế. Dù vậy, sản lượng khai thác dầu của quốc gia Nam Mỹ đang ở mức thấp chưa từng thấy sau nhiều năm quản lý không đúng cách và các nhà máy lọc dầu bị bỏ mặc.
Các chuyên gia ước tính, phải mất vài năm và hàng tỷ USD đầu tư nữa mới có thể khôi phục ngành xuất khẩu dầu mỏ của Venezuela như trước đây.
Theo ông Katona, một lệnh cấm vận “sẽ gây ra nỗi đau rõ ràng cho nhà máy lọc dầu châu Âu và các khách hàng châu Âu sẽ là những người lãnh hậu quả".
Trong tuyên bố đưa ra hồi giữa tháng 4, Tổng Thư ký OPEC Mohammad Barkindo cũng cảnh báo thay thế nguồn dầu thô của Nga sau lệnh cấm vận của EU là điều “gần như không thể”.
“Chúng ta có thể sẽ phải chấp nhận thực tế có khoảng 7 triệu thùng dầu và các chất lỏng khác của Nga sẽ bị loại khỏi thị trường xuất khẩu do các lệnh trừng phạt hiện tại và trong tương lai… Xét trong bối cảnh triển vọng nhu cầu ở thời điểm hiện tại, việc thay thế nguồn cung với khối lượng lớn như vậy là điều không thể”, ông Barkindo nói tại cuộc gặp cấp cao giữa OPEC và EU được tổ chức tại Vienna (Áo).
Washington và Cơ quan Năng lượng Quốc tế ở Paris gần đây lên kế hoạch xả kho dầu dự trữ, dự kiến giúp bơm ra thị trường hơn một triệu thùng mỗi ngày trong vòng 6 tháng. Tuy nhiên, động thái này được đánh giá tác động tới người Mỹ nhiều hơn là thị trường châu Âu.
Với Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu, quyết định khó khăn nhất là làm thế nào để đối phó với nhà máy lọc dầu ở Schwedt, nơi tập đoàn Rosneft của Nga sở hữu phần lớn cổ phần.
Lukoil - một công ty khác của Nga, Lukoil cũng nắm giữ cổ phần trong các nhà máy lọc dầu ở châu Âu.
"Những công ty đó sẽ có rất ít động lực để xử lý nguồn dầu thô không phải của Nga", Bronze nói.
Bộ Kinh tế Đức nói họ không mong đợi nhà máy lọc dầu ở Schwedt "tự nguyện chấm dứt quan hệ với Nga" và đang tìm hiểu các lựa chọn pháp lý, bao gồm cả khả năng nhà nước nhảy vào tiếp quản.
Một nghi vấn khác là liệu một lệnh cấm vận đối với dầu của Nga vốn chắc chắn sẽ làm tổn thương châu Âu có đạt được mục đích cắt nguồn thu của điện Kremlin như lục địa già mong muốn hay không.
Công ty tư vấn Rystad Energy dự đoán dù sản lượng dầu xuất khẩu của Nga có thể giảm vào năm 2022, tổng doanh thu từ xuất khẩu nhiên liệu của Moskva có thể tăng khoảng 45% lên 180 tỷ USD.
Nga cũng đang tìm các bến đỗ mới cho các thùng dầu của họ ở Ấn Độ hay Thổ Nhĩ Kỳ, những bên mua được hưởng lợi từ việc chiết khấu giá.
"Đó có thể đơn giản chỉ là trò chơi ai nhanh chân hơn", chuyên gia Katona đánh giá.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/chau-au-se-ra-sao-neu-cuong-quyet-cam-dau-nga-ar675131.html