Châu Âu tăng tốc nới lỏng chính sách tiền tệ trước khi ông Trump nhậm chức
Các ngân hàng trung ương tại châu Âu đang có động thái ôn hòa hơn để hỗ trợ nền kinh tế do lo ngại những tác động tiêu cực từ chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump.
Quyết định bất ngờ nhất là việc Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB) giảm lãi suất 50 điểm cơ bản trong cuộc họp chính sách vào tuần trước, mức giảm lớn nhất trong gần 10 năm qua. Theo đó, SNB cắt giảm lãi suất chính sách từ 1% xuống 0,5% - mức thấp nhất kể từ tháng 11/2022.
Với cuộc xung đột Nga-Ukraine, căng thẳng chính trị ở Trung Đông và Tổng thống đắc cử Donald Trump chuẩn bị trở lại Nhà Trắng, Chủ tịch SNB Martin Schlegel đang tìm cách ngăn chặn các nhà giao dịch đổ tiền vào đồng franc trước vai trò truyền thống của đồng tiền này như một nơi trú ẩn an toàn trong thời điểm căng thẳng địa chính trị.
Cũng trong tuần qua, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã giảm lãi suất 25 điểm cơ bản đi kèm với nhận xét của Chủ tịch ECB Christine Lagarde rằng "hướng đi hiện tại rất rõ ràng".
Đồng hành với xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ của ECB, Ngân hàng Trung ương Đan Mạch hôm 12/12 cũng quyết định giảm lãi suất tài khoản vãng lai.
Bên cạnh đó, lãnh đạo các ngân hàng trung ương Pháp, Áo, Tây Ban Nha Luxembourg hôm 13/12 đã lên tiếng ủng hộ quyết định giảm lãi suất lần thứ 4 trong năm nay của ECB. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Pháp Francois Villeroy de Galhau nói với đài BFM của Pháp rằng ECB sẽ có thêm các đợt nới lỏng chính sách vào năm 2025.
Phát biểu trên truyền hình Tây Ban Nha, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Jose Luis Escriva Escriva cho rằng ECB nên tiến hành giảm lãi suất trong các cuộc họp tiếp theo nếu lạm phát khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) giảm gần về mức mục tiêu 2% của ECB. Tỷ lệ lạm phát của khu vực Eurozone trong tháng 11 là 2,3%.
Với các đợt nới lỏng lãi suất mới nhất của SNB và ECB đã đánh dấu cơ hội cuối cùng theo lịch trình để lãnh đạo các ngân hàng châu Âu sắp xếp ổn thỏa trước khi Tổng thống đắc cử Trump nhậm chức vào tháng 1/2025.
Theo các chuyên gia kinh tế, những lo ngại về tăng trưởng hoặc lạm phát quá thấp đang trở thành tiền lệ vững chắc hơn những lo ngại về áp lực giá cả dai dẳng. "Hiện tại, hướng đi hợp lý nhất đối với ECB trong tương lai là giảm lãi suất. Thậm chí, tôi nghĩ rằng có nguy cơ ECB có thể buộc phải cắt giảm lãi suất nhanh hơn và nhiều hơn dự kiến hiện nay”, nhà kinh tế trưởng Ludovic Subran của Allianz nhận định.
Chính những lo ngại về tiền tệ đã thúc đẩy động thái của SNB. Một kỷ nguyên mới của sự đầu cơ vào đồng franc Thụy Sĩ, từ lâu được các nhà đầu tư xem là nơi trú ẩn an toàn trong thời kỳ căng thẳng địa chính trị, đang khiến các quan chức phải cảnh giác để ngăn chặn những sự đầu cơ như vậy.
Theo Chủ tịch SNB Martin Schlegel, các nhà hoạch định chính sách sẽ xem xét những gì chính quyền Tổng thống Trump sẽ làm vào năm tới, với hy vọng rằng Mỹ sẽ không dán nhãn Thụy Sĩ là nước thao túng tiền tệ, như đã xảy ra trong nhiệm kỳ đầu tiên vào năm 2020.
Trong khi đó, ECB đã thay đổi ngôn ngữ trong tuyên bố để cho thấy họ không còn muốn hạn chế nền kinh tế nữa, đồng thời công bố các đợt cắt giảm toàn bộ đối với dự báo tăng trưởng 2024-2026. Các quan chức ECB dự báo nền kinh tế khu vực Eurozone chỉ tăng trưởng 1,1% vào năm 2025, giảm từ mức 1,3%.
"Thuế quan cuối cùng sẽ chứng minh là cú sốc giảm phát đối với khu vực Eurozone. Điều này sẽ khiến lạm phát thấp hơn mục tiêu trong trung hạn và đòi hỏi một lập trường chính sách tiền tệ thích ứng các nhà kinh tế” - các chuyên gia kinh tế Nick Kounis, Jan-Paul van de Kerke và Bill Diviney tại ABN Amro lưu ý.
Chuyên gia Ruben Segura Cayuela tại Bank of America nhận định rằng quyết định mới nhất của ECB là dấu hiệu rõ ràng về sự chuyển đổi từ lập trường mang tính "diều hâu" sang ôn hòa hơn trong tương lai.
Trong khi đó, ông Bill Diviney - trưởng bộ phận nghiên cứu vĩ mô tại ABN Amro, cảnh báo rằng căng thẳng thương mại Mỹ-EU có thể tạo ra áp lực giảm phát. “Chúng tôi cho rằng các biện pháp trả đũa của EU đối với thuế quan của Mỹ sẽ dẫn đến tình trạng giảm phát tại châu Âu. Điều này không chỉ tác động tiêu cực đối với tăng trưởng của các nước Eurozone mà còn ảnh hưởng đến hoạt động thương mại và sản xuất toàn cầu”.