Châu Âu: Tăng tốc trong cuộc đua không gian

Trong nhiều thập kỷ, cuộc đua không gian được xem là sân chơi của Mỹ, Nga và gần đây là Trung Quốc, Ấn Độ. Châu Âu dù có nền khoa học tiên tiến nhưng thường bị đánh giá là 'kẻ chậm chân', thiếu một chiến lược không gian thống nhất.

Tuy nhiên, ba năm qua, châu Âu đã có những bước chuyển mạnh mẽ và đầy tham vọng, đồng thời xác định không gian là chiến trường công nghệ, kinh tế và an ninh quốc gia.

Tên lửa đẩy hạng nặng Ariane 6 của châu Âu được phóng vào quỹ đạo tại Guyane (Pháp). Ảnh: ASA

Tên lửa đẩy hạng nặng Ariane 6 của châu Âu được phóng vào quỹ đạo tại Guyane (Pháp). Ảnh: ASA

Một trong những động thái gần đây nhất cho thấy các thành viên của Liên minh châu Âu (EU) đang tăng tốc trên đường đua không gian là việc sân bay vũ trụ Esrange của Thụy Điển và Andøya Spaceport của Na Uy gấp rút hoàn tất cơ sở hạ tầng để triển khai kế hoạch phóng những vệ tinh đầu tiên từ lục địa vào vũ trụ. Hợp đồng phóng vệ tinh tại Esrange sẽ được thực hiện vào năm 2026 còn tại Andøya Spaceport là năm 2028.

Theo các nhà phân tích, chính sách "nước Mỹ trên hết" của Tổng thống Donald Trump và cuộc xung đột ở Ukraine đã thúc đẩy châu Âu tăng cường năng lực độc lập trong nhiều lĩnh vực, bao gồm quốc phòng và hoạt động vũ trụ.

Giữa những lo ngại rằng tỷ phú người Mỹ Elon Musk có thể hạn chế quyền tiếp cận của Ukraine đối với 7.000 vệ tinh Starlink của SpaceX, vốn rất quan trọng đối với hệ thống thông tin liên lạc, châu Âu đang nhanh chóng tìm kiếm các giải pháp thay thế nhằm hỗ trợ Kiev.

Trên thực tế, trước khi Tổng thống Donald Trump đắc cử lần đầu tiên vào năm 2017, EU vẫn chủ yếu phụ thuộc vào dữ liệu hình ảnh, viễn thông và internet vệ tinh đến từ các hệ thống của Mỹ như Starlink, Maxar hoặc các nền tảng ngoài EU.

Dù có một số công ty khởi nghiệp không gian (như Isar Aerospace, MaiaSpace), mức đầu tư vào lĩnh vực này ở châu Âu vẫn kém xa Mỹ và Trung Quốc. Năm 2024, Mỹ đã thực hiện 154 vụ phóng vào quỹ đạo, trong khi châu Âu chỉ thực hiện được 3 lần. Một nghiên cứu của EU cho thấy, trong số 143 tỷ USD đầu tư công toàn cầu vào các dự án vũ trụ năm ngoái, châu Âu chỉ chiếm 10%.

Cảng vũ trụ duy nhất của châu Âu nằm ở Guyane, một lãnh thổ hải ngoại thuộc Pháp tại Nam Mỹ, cách Paris khoảng 7.000km. Cho đến tháng 3 năm nay, tên lửa đẩy hạng nặng mới nhất của châu Âu - Ariane 6 - mới hoàn tất thành công vụ phóng thương mại đầu tiên từ Guyane, đưa một vệ tinh vào quỹ đạo, muộn hơn 5 năm so với kế hoạch ban đầu.

Mặc dù có thể mang tải trọng lớn hơn trên mỗi tên lửa so với Falcon 9 của SpaceX nhưng Ariane 6 không thể tái sử dụng, chi phí cho mỗi lần phóng cũng cao hơn. Tên lửa này cũng chưa đáp ứng được nhu cầu thương mại và quân sự của châu Âu trong những năm tới. Trong khi đó, SpaceX đã thực hiện hơn 250 lần phóng cùng giai đoạn, với khả năng tái sử dụng đột phá.

Theo Ủy viên Quốc phòng và Không gian châu Âu Andrius Kubilius, EU đã chậm chân trong cuộc cạnh tranh vào không gian và cần nhanh chóng hình thành khả năng độc lập của riêng mình. Đó là lý do tại sao việc phát triển các kế hoạch phóng tàu vũ trụ trên lục địa châu Âu, cả ở Thụy Điển và Na Uy, được cho là rất quan trọng.

Hiện tại, ba mục tiêu dài hạn mà EU theo đuổi gồm: Tự chủ chiến lược về không gian - không còn phụ thuộc vào Mỹ trong hạ tầng viễn thông và dữ liệu; tăng cường vai trò quân sự và phòng thủ không gian - xây dựng khả năng phát hiện và vô hiệu hóa mối đe dọa từ vũ khí chống vệ tinh; chiếm lại thị phần kinh tế không gian toàn cầu - vốn đang nghiêng về Mỹ và Trung Quốc.

Để thực hiện mục tiêu này, các quốc gia thành viên EU đã cam kết tăng mức ngân sách lên 17% để phân bổ cho các chương trình phóng tên lửa Ariane 6, Vega-C...

Châu Âu cũng đang học hỏi mô hình của Mỹ, khuyến khích và hỗ trợ các công ty khởi nghiệp vũ trụ tư nhân như PLD Space của Tây Ban Nha - chuyên phát triển tên lửa nhỏ, Isar Aerospace của Đức - phát triển các giải pháp phóng linh hoạt, bổ sung cho các hệ thống lớn như Ariane 6.

Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) và Cơ quan Quốc phòng châu Âu (EDA) tăng cường hợp tác để phát triển các năng lực giám sát không gian, theo dõi rác vũ trụ và các mối đe dọa tiềm tàng, đồng thời tích hợp không gian vào chiến lược quốc phòng chung.

EU đang gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng, liên minh này không còn là người quan sát mà đang tích cực tham gia cuộc đua không gian. Mặc dù còn nhiều thách thức nhưng những động thái gần đây cho thấy quyết tâm của châu Âu trong việc bảo vệ lợi ích chiến lược, thúc đẩy chủ quyền công nghệ và bảo đảm một chỗ đứng vững chắc trong tương lai.

(Theo Euro News, Europa)

Quỳnh Dương

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/chau-au-tang-toc-trong-cuoc-dua-khong-gian-708954.html