Ông Trump gia tăng áp lực thuế, EU - Mexico đứng trước thử thách lớn

Căng thẳng thương mại Mỹ và các đối tác lớn gia tăng sau loạt cảnh báo áp thuế từ ông Trump.

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 12/7 tuyên bố sẽ áp mức thuế 30% đối với hàng nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU) và Mexico kể từ ngày 1/8 nếu không đạt được thỏa thuận thương mại toàn diện.

Tuyên bố này được đăng trên mạng xã hội Truth kèm theo thư gửi trực tiếp Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum.

Ông Trump cho rằng EU và Mexico chưa thể hiện thiện chí trong đàm phán, đồng thời yêu cầu hai bên mở cửa hoàn toàn thị trường cho hàng hóa Mỹ để thu hẹp thâm hụt thương mại.

Ông cũng nhấn mạnh mức thuế 30% này sẽ không thay thế các mức thuế đã có trước đó như 50% với thép, nhôm và 25% đối với ô tô.

Phản ứng trước tuyên bố của ông Trump, bà von der Leyen cảnh báo các mức thuế này sẽ làm gián đoạn chuỗi cung ứng xuyên Đại Tây Dương và gây thiệt hại cho cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng hai bên.

Căng thẳng thương mại Mỹ và các đối tác lớn gia tăng sau loạt cảnh báo áp thuế từ ông Trump. Ảnh: Shutterstock

Căng thẳng thương mại Mỹ và các đối tác lớn gia tăng sau loạt cảnh báo áp thuế từ ông Trump. Ảnh: Shutterstock

Trong khi đó, Tổng thống Sheinbaum khẳng định sẽ tiếp tục đối thoại nhưng không nhượng bộ về chủ quyền. Bộ Kinh tế Mexico cũng lên tiếng chỉ trích cách tiếp cận đơn phương từ phía Mỹ.

Ngoài EU và Mexico, trong tuần qua ông Trump đã gửi thư cảnh báo tương tự đến 23 đối tác thương mại khác, bao gồm Canada, Nhật Bản và Brazil.

Trong thư gửi Canada hôm thứ Năm (ngày 10/7), ông Trump đe dọa áp thuế 35% đối với một số hàng hóa, đồng thời chỉ trích nước này chưa kiểm soát hiệu quả dòng chảy fentanyl.

Nhiều nhà kinh tế cho rằng những hành động đe dọa áp thuế của ông Trump mang tính chiến lược nhằm gây áp lực trước thỏa thuận. Trước đó, các mức thuế công bố hồi tháng 4 từng khiến thị trường biến động mạnh trước khi bị trì hoãn thi hành.

EU từng kỳ vọng đạt một hiệp định thương mại đầy đủ với Mỹ, nhưng trước áp lực, khối này hiện chỉ đặt mục tiêu hướng tới một khuôn khổ rộng, tương tự thỏa thuận giữa Mỹ và Anh. Tuy nhiên, các nước thành viên EU có quan điểm không thống nhất. Đức muốn thúc đẩy nhanh vì lo ngại tác động đến ngành công nghiệp, trong khi Pháp và một số quốc gia khác tỏ ra thận trọng, lo ngại nhượng bộ quá mức theo điều kiện của Mỹ.

Ông Bernd Lange, Chủ tịch Ủy ban Thương mại Nghị viện châu Âu, cho rằng Brussels cần phản ứng kịp thời, đồng thời nhận định động thái từ phía Mỹ là cú giáng mạnh vào tiến trình đàm phán.

Cùng lúc, chuyên gia Jacob Funk Kirkegaard thuộc viện nghiên cứu Bruegel cảnh báo nguy cơ Mỹ và EU rơi vào vòng xoáy thuế quan tương tự như từng xảy ra trong quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh trước đây.

Áp lực gia tăng từ các bên

Ông Trump từng ấn định hạn chót ngày 1/6 để EU đạt tiến triển trong đàm phán, nhưng kết quả không như kỳ vọng. Khi đó, ông tuyên bố không theo đuổi thỏa thuận nếu các đối tác không mở cửa thị trường.

Kể từ tháng 4, chính quyền Mỹ đã công bố loạt mức thuế mới, cho rằng các quốc gia áp dụng thuế không công bằng, đặc biệt là thuế giá trị gia tăng và thuế dịch vụ kỹ thuật số.

Thuế dịch vụ kỹ thuật số là một trong những điểm gây tranh cãi lớn, do đánh trực tiếp vào doanh thu của các tập đoàn công nghệ, kể cả khi họ không có lợi nhuận.

Mỹ cho rằng đây là hình thức gây sức ép không công bằng với doanh nghiệp Mỹ, trong khi EU bảo vệ quan điểm rằng thuế cần được áp dụng tại nơi dịch vụ được tiêu dùng, nhằm đảm bảo công bằng cho các nền kinh tế sở tại.

Mức thuế mà ông Trump cảnh báo áp dụng với Mexico thấp hơn so với Canada, dù số lượng fentanyl bị thu giữ tại biên giới Mexico cao hơn đáng kể.

Trong thư gửi phía Mexico, ông vẫn chỉ trích nước này chưa hành động đủ mạnh để kiểm soát hoạt động của các băng nhóm ma túy.

Theo Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, EU là đối tác thương mại lớn nhất với gần 976 tỷ USD hàng hóa giao dịch hai chiều trong năm 2024. Mexico đứng thứ hai với khoảng 840 tỷ USD. Canada xếp thứ ba với hơn 762 tỷ USD.

Các động thái thuế quan mới đã giúp Washington tăng mạnh nguồn thu ngân sách. Theo Bộ Tài chính Mỹ, doanh thu từ thuế hải quan đã vượt 100 tỷ USD tính đến tháng 6/ 2024. Tuy nhiên, chúng cũng làm gia tăng căng thẳng với các đồng minh lâu năm.

Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba gần đây kêu gọi Tokyo giảm phụ thuộc vào Mỹ. Một số quốc gia châu Âu cũng bắt đầu xem xét lại lựa chọn quốc phòng, hướng tới việc mua vũ khí từ các nguồn không phải Mỹ.

Tính đến nay, ông Trump mới đạt được các thỏa thuận khung với Anh và Trung Quốc, dù ông từng cam kết sẽ hoàn tất hàng chục hiệp định trong vòng 90 ngày. Tuy vậy, Nhà Trắng vẫn chưa công bố chi tiết cụ thể của những thỏa thuận này.

Các nhà phân tích dự báo nếu căng thẳng tiếp tục gia tăng, thị trường tài chính toàn cầu sẽ đối mặt với thêm một đợt biến động lớn tương tự thời kỳ xung đột thương mại Mỹ - Trung năm 2018-2019.

Tùng Lâm

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ong-trump-gia-tang-ap-luc-thue-eu-mexico-dung-truoc-thu-thach-lon.768329.html