Châu Âu trong kịch bản không có Mỹ và hậu cần quân sự
Tờ Politico ngày 23/4 cho biết, trong nhiều thập kỷ, các kế hoạch tác chiến của châu Âu luôn được thiết kế dựa trên giả định rằng Mỹ sẽ triển khai lực lượng chi viện tới tiền tuyến khi chiến sự nổ ra.

Trụ sở NATO tại Brussels, Bỉ. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Tuy nhiên, trong bối cảnh cam kết quốc phòng của Washington ngày càng trở nên bất định, giả định đó đang khiến hệ thống hậu cần quân sự của châu Âu rơi vào thế bị động và thiếu chuẩn bị chiến lược.
Viễn cảnh không có Mỹ
Một kịch bản giả định được đặt ra vào ngày 22/3/2030: các căn cứ không quân ở Litva (Lithuania) và Ba Lan bị tấn công bằng tên lửa. Lực lượng Nga phát động chiến dịch từ Kaliningrad và Belarus, tấn công hành lang Suwałki - vùng đất hẹp nối Ba Lan với Litva. Trong khi lực lượng NATO tại chỗ nỗ lực cầm chân đối phương, các quốc gia châu Âu khẩn trương điều động quân đội ứng cứu. Tuy nhiên trong lần này, không có sự xuất hiện của các đoàn quân tiếp viện đến từ bên kia Đại Tây Dương. Mỹ, dưới nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Donald Trump, đã rút cam kết khỏi chiến lược phòng thủ tập thể tại châu Âu.

Máy bay C-130 Hercules của Không quân Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Từ khi NATO ra đời năm 1949, chiến lược quân sự của châu Âu luôn đặt trọng tâm vào việc “giữ chân” kẻ thù để chờ lực lượng Mỹ đưa quân, khí tài và hậu cần vượt Đại Tây Dương sang chi viện. Các cảng như Rotterdam hay Antwerp, cùng hệ thống vận tải quân sự xuyên lục địa, đều được phát triển theo định hướng đó. Tuy nhiên, phần lớn các kế hoạch này chưa từng tính đến khả năng Mỹ vắng mặt.
Hạ tầng hậu cần phụ thuộc sâu vào Mỹ
Hạ tầng hậu cần quân sự hiện nay của châu Âu, từ các dự án cũ đến những kế hoạch tăng cường mới, đều vận hành dựa trên giả định Mỹ sẽ tham chiến. Theo các chuyên gia, nếu Mỹ rút lui, khả năng triển khai lực lượng tại châu Âu sẽ chậm hơn, tốn kém hơn và dễ bị gián đoạn do thiếu thiết bị và năng lực vận chuyển chuyên dụng.

Binh sĩ Mỹ được triển khai ở Mogadishu, Somalia. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Châu Âu hiện không đủ máy bay vận tải hạng nặng, tàu hậu cần quân sự hay phương tiện đặc chủng để vận chuyển xe tăng và thiết giáp hạng nặng. Khả năng tiếp nhiên liệu trên không - yếu tố sống còn trong không phận bị tranh chấp - chủ yếu nằm trong tay Mỹ. Các kho dự trữ chiến lược tại Đức, Ba Lan và Hà Lan cũng do Mỹ thiết lập và điều phối.
Ngoài ra, châu Âu còn phụ thuộc vào Mỹ trong lĩnh vực tình báo, giám sát vệ tinh, an ninh mạng và cảnh báo sớm. Nếu mất đi các năng lực này, hệ thống chỉ huy - kiểm soát, điều phối tác chiến và bảo vệ cơ sở hạ tầng quân sự của châu Âu sẽ rơi vào trạng thái dễ bị tổn thương nghiêm trọng.
Cơ sở hạ tầng và điều phối
Ngay cả khi có đủ khí tài, khả năng di chuyển lực lượng nhanh chóng trong nội bộ châu Âu vẫn gặp nhiều rào cản. Hạ tầng giao thông - từ đường sắt, cầu, hầm đến biển báo - phần lớn không được thiết kế cho mục đích quân sự. Đặc biệt, các tuyến hành lang chiến lược vẫn duy trì hướng Tây - Đông, phản ánh tư duy hậu cần từ thời Chiến tranh Lạnh.
Bên cạnh các hạn chế về kỹ thuật, các thủ tục hành chính phức tạp, yêu cầu giấy phép xuyên biên giới và sự phân mảnh trong hệ thống pháp lý giữa các quốc gia thành viên EU tiếp tục cản trở quá trình điều động lực lượng. Trong tình huống chiến sự, việc thiếu vắng một cơ quan điều phối thống nhất có thể dẫn đến rối loạn trong khâu triển khai và vận chuyển quân đội trên toàn châu lục.
Hiện nay, Trung tâm Hỗ trợ và Tăng viện chung (JSEC) của NATO, đặt tại Ulm (Đức), là cơ quan duy nhất giám sát tổng thể mạng lưới vận tải quân sự của châu Âu. Tuy nhiên, JSEC vẫn nằm dưới quyền chỉ huy tối cao châu Âu của NATO - một vị trí do sĩ quan Mỹ đảm nhiệm. Khả năng chuyển giao vị trí này cho một tướng lĩnh châu Âu đang được thảo luận, nhưng chưa có quyết định chính thức.

Tàu chiến Mỹ vận chuyển hàng cứu trợ. Ảnh: AFP/TTXVN.
Nỗ lực tự cường của EU
Ủy ban châu Âu hiện đang đẩy mạnh kế hoạch tăng cường năng lực vận tải quân sự độc lập trong nội khối. Theo Ủy viên Giao thông Apostolos Tzitzikostas, một lộ trình nhằm tháo gỡ các nút thắt hạ tầng và đơn giản hóa quy định vận chuyển quân sự dự kiến sẽ được công bố vào nửa cuối năm 2025.
EU đang xem xét hỗ trợ khoảng 500 dự án nâng cấp hạ tầng, bao gồm tăng cường khả năng chịu tải của cầu, mở rộng hầm, cảng biển và cải thiện năng lực tiếp nhận trên các tuyến đường sắt chiến lược. Các quốc gia thành viên cũng kỳ vọng nhận được hỗ trợ tài chính từ Brussels cho các hành lang vận tải then chốt, trong đó có tuyến Suwałki tại Lithuania.
Tuy nhiên, phần lớn các sáng kiến hiện nay vẫn được xây dựng trên giả định rằng Mỹ sẽ tiếp tục hiện diện - một giả định ngày càng trở nên mong manh trong bối cảnh địa chính trị hiện nay.

Binh sĩ Mỹ tham gia các cuộc huấn luyện. Ảnh: AFP/TTXVN
Nguy cơ chiến lược
Giới chuyên gia cảnh báo rằng châu Âu có thể đang đầu tư vào một mô hình chiến lược không còn phù hợp với thực tiễn. Trong trường hợp Mỹ không triển khai lực lượng, các cảng biển, sân bay và cơ sở công nghiệp quốc phòng tại châu Âu có nguy cơ bị tách rời khỏi tiền tuyến, khiến toàn bộ cơ chế ứng phó quân sự trở nên rời rạc và kém hiệu quả.
Tướng Ben Hodges, cựu Tư lệnh Lục quân Mỹ tại châu Âu, cảnh báo rằng nếu Nga nhận thấy cam kết của Mỹ đối với châu Âu suy yếu, khả năng Moskva thực hiện các hành động quân sự mang tính áp đặt sẽ gia tăng đáng kể. Ông nhấn mạnh, châu Âu cần chủ động xây dựng năng lực hậu cần quân sự một cách độc lập, thay vì tiếp tục phụ thuộc vào sự hiện diện của Mỹ, nhằm bảo đảm khả năng phòng thủ hiệu quả trong mọi tình huống.