Ngoại trưởng Mỹ không đến, đàm phán hòa bình Ukraine bị hủy bỏ
Cuộc đàm phán giữa Mỹ, Ukraine và châu Âu về việc chấm dứt xung đột Nga - Ukraine bị hoãn khi Ngoại trưởng Mỹ hủy chuyến đi tới London.
Theo thông tin từ Reuters, các cuộc đàm phán hòa bình về xung đột tại Ukraine dự kiến diễn ra tại London hôm nay (23/4) đã bị hủy bỏ hoặc hoãn lại. Nguyên nhân là do Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio và một số bộ trưởng ngoại giao quan trọng khác đã rút lui khỏi sự kiện, khiến cuộc gặp chỉ còn ở cấp chuyên viên và không đạt được tiến triển đáng kể.
Bộ Ngoại giao Anh xác nhận các cuộc đàm phán hòa bình cấp bộ trưởng giữa Ukraine với các đối tác Mỹ và châu Âu dự kiến diễn ra đã bị hoãn lại.

Tổng thống Ukraine Zelensky
Một tuyên bố ngắn từ Bộ Ngoại giao Anh cho biết các cuộc họp cấp bộ trưởng dự kiến bắt đầu vào sáng nay (23/4) giờ địa phương sẽ không diễn ra và sẽ được thay thế bằng các cuộc thảo luận kín của các quan chức, làm rõ tuyên bố được diễn đạt cẩn thận và đưa ra vào đêm qua bởi Ngoại trưởng Anh David Lammy, sau khi ông nói chuyện với Ngoại trưởng Mỹ Rubio.
Đăng trên phương tiện truyền thông xã hội ngay trước nửa đêm, Ngoại trưởng Anh Lammy cho biết các cuộc thảo luận của ông với người đồng cấp Mỹ là có hiệu quả nhưng ám chỉ rằng chúng sẽ diễn ra ở cấp độ thấp hơn một chút. "Các cuộc đàm phán tiếp tục diễn ra với tốc độ nhanh và các quan chức sẽ họp tại London vào ngày mai (24/4). Đây là thời điểm quan trọng đối với an ninh Ukraine, Anh và Euro-Atlantic", ông đã nói.
Ukraine sẽ nỗ lực vì hòa bình
Về phía phái đoàn Ukraine, Chánh văn phòng Tổng thống Zelensky, Andriy Yermak, đã đến London, cùng với Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov và Bộ trưởng Ngoại giao Andrii Sybiha.
Trong một loạt bài đăng trên mạng xã hội, ông Yermak cho biết “bất chấp mọi thứ, chúng tôi sẽ nỗ lực vì hòa bình”.
“Hôm nay chúng ta sẽ thảo luận về các biện pháp đạt được lệnh ngừng bắn hoàn toàn và vô điều kiện như bước đầu tiên hướng tới quá trình giải quyết toàn diện và đạt được hòa bình công bằng và bền vững.”
Ông cho biết con đường này không dễ dàng, nhưng Ukraine vẫn cam kết thực hiện, và các lập trường mà Ukraine đưa ra trong các cuộc đàm phán trước đây cho thấy đất nước ông không phải là rào cản cho hòa bình.
Anh đã đặt trọng tâm quan trọng vào các cuộc đàm phán, với sự tham gia của các phái đoàn từ Pháp và Đức, nhưng hạ cấp các cuộc thảo luận. Theo đó, thay mặt Tổng thống Donald Trump, Đặc phái viên Mỹ, Tướng Keith Kellogg, đã tham dự các cuộc thảo luận. Tuy nhiên, sự vắng mặt của các lãnh đạo cấp cao cho thấy sự thiếu đồng thuận giữa các bên, đặc biệt là về đề xuất của Mỹ khi công nhận việc Nga sáp nhập Crimea – điều mà Ukraine và các nước châu Âu kiên quyết phản đối.
Đồng thời, phía Nga yêu cầu dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của EU như một phần trong quá trình đàm phán, trong khi Mỹ đề xuất thiết lập vùng phi quân sự tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia và từ chối yêu cầu của Nga về việc phi quân sự hóa Ukraine.
Ngoại trưởng Mỹ Rubio cho biết ông sẽ "lên lịch lại chuyến đi tới Vương quốc Anh trong những tháng tới".
Điện Kremlin vẫn tiếp tục đàm phán với Mỹ
Điện Kremlin cho biết Nga đang đàm phán trực tiếp với Hoa Kỳ về vấn đề Ukraine, nhưng hiện không có cuộc thảo luận nào đang diễn ra với châu Âu hoặc Ukraine.
Trong cuộc họp báo hàng ngày, Tass đưa tin ông Dmitry Peskov cũng bác bỏ các báo cáo của giới truyền thông về những gì có thể có trong bất kỳ đề xuất hòa bình nào giữa Mỹ và Nga, nói rằng có rất nhiều tin tức giả mạo.
Ông cho biết vẫn còn nhiều điều cần giải quyết cho bất kỳ giải pháp tiềm năng nào và Nga vẫn phản đối việc triển khai bất kỳ lực lượng châu Âu nào bên trong Ukraine.
eskov nói thêm rằng tình hình khá bất ổn, nhưng cảnh báo rằng các cuộc đàm phán nên diễn ra trong im lặng thay vì trên phương tiện truyền thông.
Khi được hỏi cụ thể về đặc phái viên Tổng thống Mỹ Steve Witkoff đến thăm Moskva, ông Peskov từ chối bình luận. Tuy nhiên, ông cho biết Nga hoan nghênh những nỗ lực của Mỹ nhằm làm trung gian cho cuộc xung đột.