Châu Mỹ, một mùa hè đỏ lửa

Không chỉ châu Á, phía bên kia đại dương là châu Mỹ mùa hè này cũng thật dữ dội. Hàng triệu người Mỹ, Brazil, Mexico... đã và đang tiếp tục đối mặt với mối đe dọa từ các đợt nắng nóng nguy hiểm.

Nắng nóng dữ dội, nhiều cánh rừng ở California (Mỹ) bốc cháy. Nguồn: CBS.

Nắng nóng dữ dội, nhiều cánh rừng ở California (Mỹ) bốc cháy. Nguồn: CBS.

Sóng nhiệt bao trùm nước Mỹ

Theo Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ (NOAA), hầu hết các bang New Mexico và Utah cùng với nhiều vùng của 3 bang Arizona, Texas và Colorado, người dân đang sống trong một mùa hè nhiệt độ cao hơn mức trung bình. Ngoài ra, toàn bộ vùng Đông Bắc nước Mỹ - từ bang Maine xuống bang Pennsylvania và New Jersey, cũng như một vùng rộng lớn từ bang Louisiana đến các bang Arizona, Washington và Idaho cũng phải trải những ngày nắng nóng kéo dài đến hết tháng 8.

Nắng nóng dữ dội nhất kéo dài suốt 3 tuần của tháng 6 là bang Texas. Nhiệt độ tăng vọt trong bối cảnh hàng trăm nghìn hộ gia đình ở thành phố Houston bị mất điện sau khi một cơn bão lớn khiến ít nhất 7 người thiệt mạng và làm hư hại các trụ điện và hệ thống lưới điện.

Trận bão quét qua thành phố New Orleans và tiến vào khu vực phía Bắc bang Florida, cùng với đợt nắng nóng kỷ lục tàn phá Trung Mỹ, khiến các trường học phải đóng cửa và mùa màng bị tàn phá. Nền nhiệt cao kỷ lục này được tạo ra bởi một vòm nhiệt (vùng áp suất cao mạnh) bay lơ lửng trên bầu trời gây ra mức nhiệt cao chưa từng thấy trong vòng 50 năm.

Theo NOAA, mùa hè năm 2024 là giai đoạn cuối của El Nino. Sự chuyển đổi từ El Nino sang La Nina sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng nóng lên hơn mức trung bình ở hầu hết nước Mỹ.

TS Sean Benedict - nhà khí tượng hàng đầu tại Văn phòng Dịch vụ thời tiết quốc gia thành phố Phoenix (bang Arizona) cho rằng người Mỹ sẽ phải đối mặt với rất nhiều rủi ro về nhiệt độ cực cao và nghiêm trọng. Riêng tại Phoenix, người dân đã phải chịu đựng cái nóng 43 độ C (110 độ F) trong 18 ngày liên tục trong những ngày cuối tháng 5, đầu tháng 6. Chưa hết, ngày 15/6, “lửa địa ngục” còn dội xuống thành phố Phoenix với nền nhiệt lên tới 46,1 độ C.

Vẫn theo TS Benedict, mùa hè năm ngoái, Phoenix đã chứng kiến kỷ lục 31 ngày nắng nóng cực độ liên tiếp với nhiệt độ cao nhất là 43,3 độ C, kéo dài từ ngày cuối cùng của tháng 6 cho đến hết tháng 7. Ít nhất 400 trong số 645 ca tử vong liên quan đến nhiệt xảy ra vào năm 2023 trong khoảng thời gian này.

“Tuy nhiên, vẫn chưa thể nói được nhiều vì năm nay kỷ lục nhiệt độ mùa hè ở Phoenix đã bị phá vỡ” - TS Benedict cảnh báo.

Trong khi đó, Cơ quan Tuần tra biên giới Mỹ còn cho biết 4 người di cư đã chết vào cuối tuần trước vì các nguyên nhân liên quan đến nhiệt độ khi cố gắng vượt biên giới ở phía Đông Nam New Mexico, gần El Paso, Texas. Trưởng bộ phận Tuần tra biên giới El Paso Anthony Good kêu gọi người di cư không cố gắng vượt biên trong điều kiện nắng nóng cực đoan. Ông Good cũng không quên nhắc nhở lực lượng tuần tra “không nên ở ngoài trời quá lâu vì rất có thể sẽ gặp rủi ro”.

Vào mùa hè 2022, sóng nhiệt cũng đã bao trùm khắp nước Mỹ, khiến hơn 240 triệu người trong tổng số gần 333 triệu người cả nước phải hứng chịu nắng nóng. Lúc bấy giờ, với nền nhiệt trung bình 32 độ C thì NOAA đã cho là kỷ lục các mùa hè trong vòng 100 năm. Mùa hè năm đó, nhiệt độ ở Bắc Dakota cao nhất toàn nước Mỹ là 37 độ C. Thì đến mùa hè 2024, nền nhiệt đó đã được coi là bình thường.

Trong một thông báo hồi giữa tháng 6/2024, Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ cho rằng nền nhiệt trung bình mùa hè năm nay chắc chắn sẽ vượt qua cả năm 2022 và 2023. Như vậy, “kỷ lục 100 năm” sẽ bị phá vỡ.

Nhiều cánh đồng khu vực ngoại ô thành phố Sao Paulo (Brazil) nứt nẻ.

Nhiều cánh đồng khu vực ngoại ô thành phố Sao Paulo (Brazil) nứt nẻ.

Nắng nóng khắc nghiệt tại Mexico

Không khá hơn nước Mỹ, nước láng giềng Mexico cũng oằn mình vì nắng nóng. Tới giữa tháng 6, có tới 10 thành phố ở Mexico đã ghi nhận nhiệt độ cao kỷ lục, bao gồm cả thủ đô Mexico City - trong khi thành phố này thường có khí hậu ôn hòa.

Ngày 15/6, Mexico City nóng 34,1 độ C còn vùng lân cận là Puebla nhiệt độ lên tới 35,2 độ C, vượt qua kỷ lục trước đó là 34,3 độ C ghi nhận vào năm 1947. Tại San Luis Potosi, ít nhất 10 người đã tử vong do say nắng, theo cơ quan y tế địa phương này.

Tuy nhiên, vẫn chưa bằng vùng Ciudad Victoria thuộc bang biên giới Tamaulipas (đối diện bang Texas của Mỹ) khi nhiệt độ lên tới 47,4 độ C hôm 9/5, phá vỡ nền nhiệt cao nhất trước đó vào năm 1998. Nhưng kỉ lục phải là bang miền Trung San Luis Potosi, khi có ngày nhiệt độ vọt lên gần 50 độ C.

Cơ quan Khí tượng Thủy văn quốc gia Mexico cảnh báo, gần một nửa trong tổng số 32 bang trên toàn Mexico sẽ đối mặt với tình trạng nắng nóng với nhiệt độ lên tới trên 40 độ C vào những ngày cuối tháng 6, đầu tháng 7 tới. Riêng trong tháng 7, dự báo sẽ có khoảng 5 đợt nắng nóng gay gắt.

Jasiel, người đã sống gần như cả cuộc đời ở Puebla nói rằng, nắng nóng đã bắt đầu trút xuống từ cuối tháng 5. Người dân trong vùng buộc phải “nhốt” trẻ em ở nhà trong khi nhiều trường học đóng cửa. “Chúng tôi buộc phải sống dưới nắng mặt trời thiêu đốt. Hàng xóm láng giềng cũng chỉ dám qua chơi vào buổi chiều muộn khi ánh nắng đã tắt. Thật khó hình dung mới hơn 5 giờ sáng mặt trời đã chói chang. Đã thế, 7 giờ tối nó mới lặn hẳn” - ông Jasiel nói.

Truyền thông địa phương mô tả, trong ngôn ngữ bản địa thì “Jasiel” có nghĩa là “sức mạnh của Thượng đế”. Nhưng đến cả Thượng đế cũng phải khóc vì mùa hè năm nay.

Người dân khu phố Azcapotzalco (Mexico City) đợi lấy nước từ một xe chở nước. Nguồn: Reuters.

Người dân khu phố Azcapotzalco (Mexico City) đợi lấy nước từ một xe chở nước. Nguồn: Reuters.

Hạn hán nghiêm trọng tại Brazil

Tại Brazil, nắng nóng kéo theo hạn hán. Bộ Môi trường nước này liên tục phát đi những cảnh báo sẽ hứng chịu một đợt hạn hán nghiêm trọng. Hạn hán đã ảnh hưởng nặng nề tới bang miền Bắc Amazonas, bang có diện tích lớn nhất Brazil. Khu vực này hiện có hơn 4 triệu người sinh sống, trong số đó 50 vạn người bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi hạn hán. Đáng nói là bang Amazonas cũng chính là một trong những vùng đất ngập nước nhiệt đới và vùng rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới.

Đợt hạn hán nghiêm trọng tại khu vực rừng nhiệt đới Amazon ở Brazil không chỉ gây gián đoạn nguồn lương thực và nước ngọt, mà còn làm trầm trọng hơn tình trạng mực nước thấp ở các dòng sông, vốn là tuyến vận tải chính ở trong vùng rừng mưa Amazon. Hạn hán kéo dài buộc chính quyền bang Amazonas phải ban bố tình trạng khẩn cấp về môi trường và triển khai một lực lượng đặc nhiệm để hỗ trợ những người bị ảnh hưởng.

Hạn hán đã làm gián đoạn nguồn cung nhu yếu phẩm và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế của cộng đồng sống ven sông. Việc thiếu nước không chỉ làm chết cá, gây ô nhiễm môi trường mà còn làm trầm trọng hơn các vụ cháy rừng. Dự báo các hậu quả sâu rộng và kéo dài của đợt hạn này có thể kéo dài tới vài năm.

Costa Rica - mùa hè nóng nhất trong 50 năm

Tương tự như Brazil, nắng nóng kéo dài cũng khiến các dòng sông ở Costa Rica cạn nước, gây ra hạn hán trên diện rộng. Chính quyền Costa Rica cho biết, đợt nắng nóng và hạn hán này dữ dội nhất được ghi nhận trong vòng 50 năm, khiến cho việc cung cấp điện cho sinh hoạt và sản xuất gặp rất nhiều khó khăn. Lần cuối cùng Costa Rica thực hiện chế độ phân phối điện là vào năm 2007.

“Tình trạng thiếu mưa nghiêm trọng đã khiến các nhà máy thủy điện buộc phải giảm công suất, dẫn đến tình trạng thiếu điện. Trong khi khoảng 70% nguồn cung điện từ các nhà máy thủy điện” - đại diện cơ quan Điện lực nhà nước Costa Rica (ICE) cho biết.

Roberto Quiros - Giám đốc điện lực của ICE mô tả, mực nước tại các hồ chứa chính đã xuống mức thấp nghiêm trọng, trong khi lại xảy ra sự chậm trễ trong việc giao điện theo hợp đồng từ các nhà máy điện tư nhân.

Đáng chú ý, ban lãnh đạo ICE lưu ý rằng việc thiếu mưa đi kèm với gió thổi bất thường khó lường cũng đã ảnh hưởng đến nguồn cung điện từ các trang trại điện gió.

Quốc gia Trung Mỹ này vốn nổi tiếng với những bãi biển và cảnh quan xanh tươi. Nhiệt độ nóng nhất từng được ghi nhận là vào mùa hè năm 1981, với nền nhiệt dao động trên dưới 32 độ C. Nhưng kể từ tháng 5 năm nay, nhiệt độ nhiều vùng ở Costa Rica đã lên 34 độ C. Tới ngày 15/6, tại Thủ đô San Jose, nhiệt độ đã lên hơn 35 độ C.

Kendall, sinh viên năm 3 đang theo học tại San Jose cho biết, nhà trường đã cho nghỉ hè sớm. Anh trở về quê Alajuela những tưởng sẽ mát mẻ hơn. “Ai ngờ quê tôi cũng rất nóng cho dù có nhiều cây cối và ít xe cộ hơn. Nước con sông gần nhà cạn sâu, không thể bơi lội được. Chúng tôi lội xuống bắt cá phải vục tay xuống bùn vì chúng chui xuống tránh nóng” - Kendall nói.

Nắng nóng bao trùm nhiều quốc gia châu Mỹ mùa hè này một lần nữa cho thấy sự khắc nghiệt của biến đổi khí hậu, khiến các dòng sông cạn nước, diện tích đất trở thành hoang mạc lan rộng khi lượng mưa ít và hạn hán kéo dài.

“Điều đó càng cho thấy chúng ta phải cùng nhau tìm cách “làm mát trái đất”, nếu như không muốn phải cắm hàng triệu mũi khoan vào lòng đất để tìm nước do những dòng sông cạn khô” - tờ Guardian dẫn lời nhà môi trường học Danny, người Costa Rica.

Trong một thông báo tuần đầu tháng 6, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cho biết nhiệt độ tại Bắc - Trung Mỹ, châu Á, Bắc Phi và Địa Trung Hải sẽ vượt ngưỡng 40 độ C và duy trì trong những ngày cuối tháng 6, đầu tháng 7. Đáng lo ngại khi WMO cho rằng nhiệt độ tối thiểu vào ban đêm cũng sẽ đạt mức cao kỷ lục mới, tiềm ẩn nguy cơ gia tăng ca lên cơn đau tim và tử vong. Phần lớn lo ngại dồn vào ban ngày khi nhiệt độ lên đến mức tối đa, nhưng thực tế ban đêm mới là khoảng thời gian tiềm ẩn nguy cơ lớn đối với sức khỏe, đặc biệt là với nhóm những người dễ bị tổn thương. John Nairn - chuyên gia cấp cao của WMO cảnh báo, thế giới cần sẵn sàng đối mặt với đợt sóng nhiệt dữ dội hơn nữa. Tuy hàng loạt nước đã ghi nhận nhiệt độ cao kỷ lục nhưng khả năng cao các kỷ lục này sẽ bị phá vỡ trong thời gian tới.

Khói bốc lên từ đám cháy rừng tại British Columbia (Canada). Nguồn: Reuters.

Khói bốc lên từ đám cháy rừng tại British Columbia (Canada). Nguồn: Reuters.

Theo Cơ quan Giám sát biến đổi khí hậu Copernicus, mỗi tháng trong 12 tháng qua đều thiết lập các kỷ lục nhiệt độ nóng nhất, tháng sau xô đổ kỷ lục của tháng trước. Mặc dù đã được cảnh báo trước về một mùa hè 2024 gay gắt và đổ lửa nhưng những gì mà thế giới đang trải qua một lần nữa đã rung lên hồi chuông cảnh báo cho toàn cầu. Tới tháng 6/2024, nhiệt độ trung bình toàn cầu trong 12 tháng đã cao hơn 1,63 độ C so với mức nhiệt trung bình bắt đầu được ghi chép vào năm 1940.

Ông Carlo Buontempo - Giám đốc của Copernicus, người đã cảnh báo về những điều tồi tệ hơn sắp xảy ra trên toàn cầu cho biết đợt nắng nóng kéo dài 12 tháng này là "cú sốc nhưng không có gì đáng ngạc nhiên" bởi hầu hết là do biến đổi khí hậu gây ra. Phát biểu về biến đổi khí hậu tại một hội nghị ở New York (Mỹ), Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã cho rằng các công ty nhiên liệu hóa thạch đang gây ra "sự hỗn loạn khí hậu" và lần đầu tiên kêu gọi tất cả các quốc gia cấm quảng cáo các sản phẩm nhiên liệu hóa thạch. Ông Guterres cũng nhấn mạnh các nhà lãnh đạo thế giới cần nhanh chóng kiểm soát cuộc khủng hoảng khí hậu đang gia tăng hoặc sẽ đối mặt với tình trạng nắng nóng gay gắt ngày một nguy hiểm hơn.

Thanh Đức

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/chau-my-mot-mua-he-do-lua-10283946.html