Chạy đua ngăn chặn hiệu ứng domino sau sự sụp đổ của SVB

Sau khi một ngân hàng lớn sụp đổ gần đây, các tổ chức tài chính và cơ quan quản lý đang phải vật lộn nhằm ngăn chặn 'hiệu ứng domino' gây ra cuộc khủng hoảng ngân hàng toàn cầu.

Credit Suisse - ngân hàng lớn thứ hai Thụy Sĩ - cuối cùng đã không thể chống chọi trước cuộc khủng hoảng ngân hàng toàn cầu. Theo Reuters, UBS Group sẽ trả 3,23 tỷ USD cho đối thủ lâu năm Credit Suisse, và chịu khoản lỗ lên tới 5,4 tỷ USD trong thỏa thuận được hỗ trợ bởi khoản bảo lãnh lớn của chính phủ Thụy Sĩ và dự kiến kết thúc vào cuối năm 2023.

Vài giờ sau, nhóm ngân hàng trung ương trên thế giới thúc đẩy sự dịch chuyển của đồng USD thông qua hệ thống tài chính toàn cầu, nhằm duy trì các khoản vay cho hộ gia đình và doanh nghiệp, đồng thời hỗ trợ các nền kinh tế lớn thế giới.

Theo CNN, trong tuần này, các nhà đầu tư và khách hàng, trong tâm thế lo lắng, mong muốn được giải đáp những câu hỏi: Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo? Các ngân hàng khác sắp sụp đổ, hay sẽ được giải cứu? Liệu các cơ quan quản lý có buộc phải can thiệp với thêm các kế hoạch giải cứu?

Tin vừa xấu vừa tốt

Tại Mỹ, cuộc khủng hoảng ngân hàng bắt đầu cách đây 2 tuần, với sự sụp đổ đột ngột của ngân hàng Silicon Valley và ngân hàng Signature chỉ trong 3 ngày. Vấn đề này đã gây ảnh hưởng lớn tới hệ thống ngân hàng toàn cầu.

Các ngân hàng khu vực có hồ sơ tương tự SVB, gồm First Republic Bank (FRC), PacWest (PACW) và Western Alliance (WAL), đứng trên “bờ vực” trong tuần qua. Nhiều khách hàng lo lắng rút hàng chục tỷ USD tiền mặt từ các ngân hàng nhỏ và gửi chúng vào những tổ chức được vốn hóa tốt hơn.

Nhằm thanh toán cho các khách hàng, các ngân hàng khu vực đã tranh giành khả năng tiếp cận tiền mặt. Một tuần trước, First Republic nhận khoản vay 70 tỷ USD từ JPMorgan Chase và khoản vay 30 tỷ USD khác từ nhóm 11 ngân hàng. Điều này dường như vẫn chưa đủ, với bằng chứng cổ phiếu của First Republic giảm thêm 33% vào hôm 17/3.

Moody’s đã hạ xếp hạng tín dụng của First Republic xuống mức “không đáng đầu tư” (junk status) vào tối 17/3. Moody's cho biết động thái này phản ánh tình hình tài chính của ngân hàng đang xấu đi và “những thách thức đáng kể” mà ngân hàng phải đối mặt, do phụ thuộc vào nguồn vốn ngắn hạn và chi phí vận hành cao hơn khi khách hàng rút tiền mặt.

 Nhóm 11 ngân hàng đã rót 30 tỷ USD giải cứu First Republic Bank. Ảnh: Reuters.

Nhóm 11 ngân hàng đã rót 30 tỷ USD giải cứu First Republic Bank. Ảnh: Reuters.

Trong khi đó, nhiều ngân hàng chưa rõ danh tính khác tìm kiếm các khoản vay khẩn cấp từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong tuần qua. Họ đã vay khoản tiền kỷ lục 153 tỷ USD từ cửa sổ chiết khấu của Fed vào tuần trước, lựa chọn cuối cùng để có thể nhanh chóng tiếp cận với tiền mặt.

Theo Bloomberg, cửa sổ chiết khẩu (discount window) là cơ sở cho vay trực tiếp do chính Fed cung cấp nhằm hỗ trợ sự ổn định và giải quyết nhu cầu thanh khoản cho hệ thống ngân hàng Mỹ.

Cơ chế này cho phép ngân hàng hàng trung ương cho các ngân hàng khác vay tiền trong tối đa 90 ngày. Họ sẽ được nhận tiền mặt, nhưng cần cung cấp tài sản thế chấp để ngân hàng trung ương nắm giữ trong trường hợp không thể hoàn trả khoản vay.

Tin tốt là những khoản vay này không phản ánh điểm tiêu cực nào trong hệ thống ngân hàng toàn cầu. Không có ngân hàng nào vay theo điều khoản tín dụng thứ cấp (secondary credit terms) từ cửa sổ chiết khấu của Fed. Theo đó, đây là khoản vay khẩn cấp hỗ trợ những ngân hàng gặp khó khăn nghiêm trọng, nên sẽ đi kèm những hạn chế và sự giám sát chặt chẽ hơn từ Fed.

Jill Cetina - nhà phân tích của Moody - lưu ý Fed cung cấp khoản vay tín dụng cơ bản (primary credit), và điều này cho thấy “giới chức Mỹ coi các ngân hàng cần hỗ trợ khẩn cấp là 'khỏe mạnh' và không có nguy cơ sụp đổ trong thời gian tới”.

Tuy nhiên, tin xấu là tất cả khoản vay này phản ánh mức độ căng thẳng trong hệ thống tài chính vào lúc này. Điều này đồng nghĩa các ngân hàng có thể từ chối cho vay tiền, giám sát chặt chẽ hơn uy tín tín dụng của người đi vay.

Hệ quả là có ít khoản thế chấp hơn, tiền không còn chảy nhiều vào các doanh nghiệp, dẫn tới đình trệ nền kinh tế toàn cầu và viễn cảnh suy thoái trong tương lai.

Đó là lý do các ngân hàng trung ương phải can thiệp vào hôm 20/3. Việc họ phối hợp hành động - điều thế giới chưa từng chứng kiến kể từ cuộc khủng hoảng nợ châu Âu một thập niên trước - là dấu hiệu đầu tiên cho thấy cuộc khủng hoảng ngân hàng có thể tác động lâu dài và gây tổn hại nền kinh tế toàn cầu.

Cần củng cố niềm tin

Giải pháp cho vấn đề này chính là khách hàng cần ngừng rút tiền gửi. Tuy nhiên, hệ thống ngân hàng và cơ quan quản lý cũng cần xoa dịu nỗi lo lắng này trước khi việc khách hàng rút tiền gửi xảy ra trên toàn hệ thống.

Đây cũng là lý do ngày càng nhiều người kêu gọi chính phủ Mỹ đảm bảo tất cả khoản tiền gửi của khách hàng, bất kể họ có bảo hiểm hay không. Công ty Bảo hiểm Ký thác Liên bang Mỹ (FDIC) đảm bảo tiền gửi tại các ngân hàng đủ điều kiện lên tới 250.000 USD/tài khoản. Các nước châu Âu cũng vận hành chương trình tương tự.

Nếu các cơ quan quản lý bảo hiểm tất cả khoản tiền gửi, tương tự những gì xảy ra với khách hàng SVB và Signature, điều này có thể khiến nhiều khách hàng tin tưởng tiền của họ an toàn khi gửi trong các ngân hàng khu vực.

 Credit Suisse là ngân hàng lớn thứ hai tại Thụy Sĩ và đã 167 năm tuổi. Ảnh: Reuters.

Credit Suisse là ngân hàng lớn thứ hai tại Thụy Sĩ và đã 167 năm tuổi. Ảnh: Reuters.

Hôm 17/3, Moody's cho biết "khả năng cao" các cơ quan quản lý liên bang có thể đưa ra ngoại lệ rủi ro mang tính hệ thống để bảo vệ tất cả người gửi tiền không được bảo hiểm tại First Republic. Tuy nhiên, nếu họ tiếp tục đưa ra ngoại lệ với thêm một ngân hàng nữa, điều này đồng nghĩa cơ quan quản lý “giải cứu” mọi ngân hàng đang trong thế bấp bênh.

Một quan chức Mỹ tiết lộ lượng tiền gửi tại các ngân hàng vừa và nhỏ của nước này đã ổn định trong những ngày gần đây.

Các vấn đề của Credit Suisse - vốn hình thành trong nhiều năm - không liên quan tới hiện tượng tiền gửi bị rút ồ ạt tại các ngân hàng Mỹ gần đây. Tuy nhiên, sau khi UBS giải cứu Credit Suisse, “làn sóng” rút tiền gửi từ các ngân hàng khu vực của Mỹ đã hạ nhiệt, trong khi các ngân hàng trung ương nỗ lực cung cấp nhiều tiền hơn.

Nhờ đó, có hy vọng rằng cuộc khủng hoảng ngân hàng hiện tại sẽ qua đi và thế giới tránh được suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng này vẫn chưa kết thúc.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chay-dua-ngan-chan-hieu-ung-domino-sau-su-sup-do-cua-svb-post1414232.html