Chạy đua vũ trang với Nga, Mỹ thử nghiệm tên lửa siêu thanh lần thứ 3 bất thành

Theo nguồn tin từ The War Zone, Mỹ vừa tiến hành thử nghiệm không thành công tên lửa siêu thanh AGM-183A. Đây là lần thử nghiệm thứ ba trong chương trình ARRW (Vũ khí phản ứng nhanh trên không).

Mỹ thất bại trong vụ thử nghiệm tên lửa siêu thanh hôm 16/12 do quá trình tách tên lửa khỏi máy bay B-52 không thể thực hiện. (Nguồn: AIRBOYD)

Mỹ thất bại trong vụ thử nghiệm tên lửa siêu thanh hôm 16/12 do quá trình tách tên lửa khỏi máy bay B-52 không thể thực hiện. (Nguồn: AIRBOYD)

Ngày 16/12, Mỹ sử dụng máy bay ném bom chiến lược B-52 để thử nghiệm tên lửa đẩy. Theo tính toán, khi được phóng ra khỏi B-52, tốc độ của tên lửa đẩy sẽ nhanh hơn 5 lần so với tốc độ âm thanh.

Tuy nhiên, không hiểu tại sao, quá trình tách tên lửa khỏi máy bay B-52 đã không thể thực hiện.

Được biết, quân đội Mỹ rất nóng lòng nối lại những hoạt động thử nghiệm này, sau nhiều lần thử nghiệm bất thành trước đó.

Giám đốc chương trình vũ khí chiến lược của Hải quân Mỹ Johnny Wolfe cho biết, Mỹ đã lên kế hoạch trang bị vũ khí siêu thanh cho tàu khu trục và tàu ngầm. Theo đó, khoảng 4 năm nữa, Mỹ sẽ trang bị tên lửa siêu thanh cho tàu khu trục USS Zumwalt. Đối với tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Virginia của Hải quân Mỹ cũng sẽ được tiếp nhận tên lửa siêu thanh trong vòng 7 năm tới.

Các cuộc thử nghiệm vũ khí siêu thanh của Mỹ thường cho thấy kết quả không ổn định. Việc bố trí bệ phóng trên chiến hạm, đặc biệt là trên tàu ngầm gặp phải rất nhiều vấn đề về công nghệ. Để giải quyết những vấn đề này đòi hỏi những khoản chi khổng lồ.

Hiện nay trong biên chế của Hải quân Mỹ có 2 tàu khu trục USS Zumwalt có thể mang 80 tên lửa hành trình Tomahwak, và 19 tàu ngầm nguyên tử lớp Virginia thế hệ 4 có thể mang theo 12 tên lửa Tomahwak.

Tàu khu trục USS Zumwalt được tích hợp công nghệ tàng hình hiện đại nhất thế giới, thân tàu được thiết kế bằng vật liệu composite, nhờ vậy mà USS Zumwalt có thể dễ dàng qua mắt các hệ thống radar của đối phương.

Ngoài ra, tàu khu trục USS Zumwalt còn được trang bị 20 bệ phóng đa năng, có đủ chỗ cho 80 tên lửa. Nhiệm vụ chính của tàu Zumwalt là tấn công các mục tiêu ven bờ để hỗ trợ cho các nhóm tàu và lực lượng lục quân.

Tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia là loại tàu nhỏ, giá thành rẻ, nếu được trang bị tên lửa siêu thanh, sức mạnh quân sự của Mỹ sẽ được tăng cường đáng kể. Mang theo tên lửa siêu thanh, kết hợp với khả năng tàng hình, tàu ngầm Virginia có thể lặng lẽ tiếp cận mục tiêu, mà không bị phát hiện, đặc biệt là các mục tiêu ven bờ.

Trong năm nay, Mỹ sẽ tiến hành thử nghiệm tên lửa siêu thanh cho hải quân, trước tiên là thử tên lửa trang bị cho tàu mặt nước. Đối với tàu ngầm, Mỹ đang triển khai chế tạo tổ hợp thử nghiệm dưới nước, sau đó việc phóng thử mới được tiến hành.

Đáng chú ý là tháng 10 vừa qua, Nga đã tiến hành thử nghiệm tên lửa siêu thanh Zircon trang bị cho hải quân từ tàu ngầm. Trước đó, Nga nhiều lần thử nghiệm tên lửa Zircon từ tuần dương hạm “Đô đốc Gorshkov”.

Từ mặt biển Barents, tên lửa đã đánh trúng mục tiêu giả định. Quỹ đạo bay của tên lửa tương ứng với các thông số thiết kế. Các cuộc thử nghiệm được đánh giá là thành công.

Hồi cuối tháng 6, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố: “Tên lửa siêu thanh Zircon dành cho hải quân Nga sẽ sớm được đưa vào trực chiến”.

Rõ ràng, hải quân Mỹ đang muốn rút ngắn chương trình tái trang bị cho tàu ngầm để đuổi kịp Nga bởi vũ khí siêu thanh là lĩnh vực công nghệ tiên tiến, là yếu tố quan trọng để hiện đại hóa quân đội.

Dự kiến trong năm tài chính 2022, Mỹ sẽ tiến hành thử nghiệm tên lửa siêu thanh trên quy mô lớn. Trong số những lần phóng thử vừa qua, kết quả được ghi nhận là có cả thành công lẫn thất bại.

(theo AiF)

Văn Đỉnh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/chay-dua-vu-trang-voi-nga-my-thu-nghiem-ten-lua-sieu-thanh-lan-thu-3-bat-thanh-168758.html