Chạy nước rút trước 'giờ G' thuế đối ứng: Doanh nghiệp Việt từ ứng phó đến thích nghi
Khi đồng hồ đang đếm ngược tới mốc 9/7 - thời điểm chính sách hoãn thuế 90 ngày của Mỹ kết thúc, từ Chính phủ đến doanh nghiệp đều thể hiện rõ tinh thần chủ động, hợp tác và ứng biến linh hoạt. Và câu hỏi đặt ra lúc này không còn dừng lại ở mức thuế đối ứng bao nhiêu? mà là doanh nghiệp sẽ thích ứng ra sao?
Cuối tuần trước, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp quan trọng nhằm tiếp tục xem xét, giải quyết các quan tâm của phía Hoa Kỳ liên quan kinh tế, thương mại, đầu tư. Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh chỉ còn khoảng 10 ngày nữa sẽ kết thúc thời hạn 90 ngày tạm hoãn áp dụng thuế đối ứng mà Tổng thống Donald Trump công bố hôm 2/4 đối với 75 quốc gia, trong đó Việt Nam bị áp mức thuế tới 46%.
Chính phủ kiên định mục tiêu, tích cực đàm phán
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng khẳng định, trong bối cảnh thế giới và khu vực đang có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp và khó lường, Việt Nam vẫn kiên định mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức 8% trong năm nay, đồng thời giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn và nâng cao đời sống nhân dân.
Để đạt được mục tiêu này, Thủ tướng nhấn mạnh vai trò của việc tăng cường hợp tác với các đối tác quốc tế, trong đó có Hoa Kỳ - đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam.

Thời hạn 90 ngày tạm hoãn thuế đối ứng từ Mỹ sắp hết hiệu lực.
Theo người đứng đầu Chính phủ, trong thời gian qua, nhiều vấn đề phía Hoa Kỳ quan tâm đã được Việt Nam tích cực xử lý một cách hiệu quả. Bám sát chỉ đạo xuyên suốt của Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm với tinh thần chủ động, hợp tác, hiệu quả, Việt Nam thể hiện tinh thần sẵn sàng đối thoại để lắng nghe, xem xét, tiếp thu những đề xuất xác đáng từ các đối tác, bao gồm cả Hoa Kỳ. Việc xử lý các vấn đề được thực hiện trên cơ sở luật pháp quốc tế, phù hợp với các thỏa thuận song phương, nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích và chia sẻ rủi ro giữa các bên liên quan.
Thủ tướng nhấn mạnh, nếu có vướng mắc về thể chế và pháp lý, hai bên cần cùng nhau đối thoại để tìm ra phương án phù hợp, cân bằng yêu cầu đôi bên. Những đề xuất vượt thẩm quyền sẽ được tổng hợp để kiến nghị lên cấp có thẩm quyền xem xét. Đây là bước đi nhằm tháo gỡ điểm nghẽn thể chế - 1 trong 3 đột phá chiến lược và cũng là 1 trong “bộ tứ trụ cột” của Việt Nam.
Thời gian qua, đoàn đàm phán Việt Nam, với trưởng đoàn là Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã tích cực đàm phán với phía Hoa Kỳ, hướng tới ký kết Hiệp định song phương về thương mại đối ứng giữa 2 nước, đảm bảo phù hợp với kỳ vọng và điều kiện của mỗi bên.
Trước mốc 9/7, quyết tâm và những hành động cụ thể từ phía Chính phủ trở thành yếu tố then chốt để duy trì lòng tin từ cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Doanh nghiệp chủ động xây dựng kịch bản thuế quan
Trong cuộc đua với thời gian trước mốc 9/7, cộng đồng doanh nghiệp Việt không chọn cách bị động, đứng yên chờ đợi. Nhiều doanh nghiệp đã chuẩn bị các kịch bản ứng phó từ sớm, tận dụng tối đa “khoảng lặng 90 ngày” để điều chỉnh chiến lược sản xuất kinh doanh và thị trường xuất khẩu.
Đơn cử, theo tổng hợp từ Chứng khoán Vietcap, ban lãnh đạo ngân hàng Vietcombank cho biết, nhiều khách hàng doanh nghiệp đã lập kế hoạch kịch bản thuế quan riêng, thảo luận với các đối tác mua hàng tại Mỹ, và tích cực tìm biện pháp đa dạng hóa danh mục khách hàng để giúp giảm thiểu rủi ro. Một số khách hàng có khả năng đàm phán giá nhập khẩu từ Mỹ nhờ chênh lệch giá giữa giá bán và giá nhập khẩu.
Sự linh hoạt của các doanh nghiệp cũng được thể hiện rõ qua số liệu từ nhiều ngành hàng xuất khẩu trọng điểm. Đơn cử, sau khi sụt giảm mạnh trong tháng 4, xuất khẩu cá tra sang Hoa Kỳ đã tăng 35% trong tháng 5.
Theo số liệu mới công bố của Cục Hải quan, tính đến 15/6, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt gần 198 tỷ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm hàng máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 40,7%; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng tăng 15%; cà phê tăng 63%.
Các con số biết nói cho thấy khả năng thích ứng nhanh, chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất - giao thương của doanh nghiệp để tận dụng thời gian vàng.
Không chỉ ứng phó ngắn hạn, các doanh nghiệp cũng xây dựng các kịch bản dài hạn. Theo khảo sát Triển vọng doanh nghiệp 2025 của UOB, có tới 80% doanh nghiệp Việt đã triển khai các biện pháp ứng phó như ổn định chuỗi cung ứng, kiểm soát chi phí nguyên liệu, đa dạng hóa thị trường và nhà cung cấp.
Dù khảo sát này cũng ghi nhận những quan ngại đáng kể: 52% doanh nghiệp dự báo chi phí nguyên liệu và sản xuất sẽ tăng; 30% lo ngại lạm phát sẽ tăng cao tuy nhiên, có tới 60% doanh nghiệp vẫn giữ niềm tin vào triển vọng tăng trưởng năm tới, 46% dự kiến mở rộng ra thị trường nước ngoài.
Tăng cường nội địa hóa, giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ và thúc đẩy thương mại nội khối ASEAN là những xu hướng đang nổi. Gần 70% doanh nghiệp kỳ vọng thương mại ASEAN sẽ tăng tốc trong thời gian tới, trở thành “vùng đệm” trong bối cảnh bất ổn toàn cầu. Ngoài ra, theo khảo sát, 61% doanh nghiệp sẽ đầu tư nhiều hơn vào số hóa, và 56% vào phát triển bền vững.
Các doanh nghiệp cũng đang kỳ vọng nhận được các hỗ trợ như chính sách tài chính ưu đãi, trợ cấp hoặc ưu đãi thuế cho ngành bị ảnh hưởng nặng, hỗ trợ trong việc tái cấu trúc và dịch chuyển chuỗi cung ứng…
Theo nhiều chuyên gia, dù thách thức còn đó, nhưng nếu tiếp tục áp dụng đúng chiến lược với sự phối hợp đồng bộ giữa nỗ lực của Nhà nước và sự thích nghi từ doanh nghiệp, không chỉ sẽ vượt qua áp lực hiện tại mà còn tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững, mở ra những cơ hội tăng trưởng mới trong tương lai.
“Năm 2025 mở ra nhiều thách thức nhưng cũng đầy tiềm năng cho ngành sản xuất và dịch vụ Việt Nam. Dù bối cảnh toàn cầu còn bất ổn, sự kiên cường và linh hoạt của doanh nghiệp Việt vẫn là điểm sáng. Với chiến lược đúng đắn và tận dụng thế mạnh nội tại, chúng ta có thể biến khó khăn thành cơ hội, thúc đẩy tăng trưởng và đổi mới bền vững”, ông Mohammad Mudasser Giám đốc, Dịch vụ Tư vấn Thương vụ - Chuyển đổi PwC Việt Nam nhận định.
Ông Lim Dyi Chang, Giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp, UOB Việt Nam
Ghi nhận mức giảm đáng kể trong sự lạc quan của cộng đồng doanh nghiệp sau thông báo về chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, nếu so sánh với mức trung bình của ASEAN, thì niềm tin của doanh nghiệp tại Việt Nam vẫn ở mức cao hơn. Nhiều doanh nghiệp đang coi đây là cơ hội để điều chỉnh lại chuỗi cung ứng, nâng cao khả năng thích ứng trong môi trường kinh doanh mới.
PGS.TS Phạm Thế Anh, Trưởng Khoa kinh tế học, Đại học kinh tế Quốc dân
Các doanh nghiệp Việt Nam phải chủ động tỷ lệ nội địa hóa và xuất xứ hàng hóa. Trong việc đàm phán thuế quan hiện nay, vấn đề liên quan để tỷ lệ nội địa hóa của sản phẩm sẽ là một điều kiện để đàm phán. Các doanh nghiệp chủ động trong việc tránh đội lốt xuất xứ hàng hóa, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sẽ tránh được rủi ro thuế quan.
Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam
Chúng ta đang sống trong thời kỳ nhiều sản phẩm Việt Nam phải đối mặt với thuế quan ngặt nghèo. Đây là lúc chúng ta cần nhìn lại thị trường ASEAN, có thể coi đây là thị trường nội khối, sân nhà. Đồng thời là sân chơi chung để các nước ASEAN tăng cường thương mại các mặt hàng chúng ta có thế mạnh với các quốc gia gần gũi trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương như New Zealand và Australia.