Tỷ giá ổn định hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp xuất khẩu
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN Khu vực II tại Hội nghị đối thoại doanh nghiệp xuất khẩu với chính quyền TP. Hồ Chí Minh về lĩnh vực ngân hàng diễn ra mới đây.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN Khu vực II
Theo ông Lệnh, hoạt động xuất nhập khẩu không chỉ mang lại lợi ích to lớn về kinh tế mà còn là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế của đất nước. Hiện nay, chúng ta đã đi qua 6 tháng đầu năm 2025, về hoạt động ngân hàng đã và đang đạt được những kết quả tích cực, đặt trong bối cảnh địa chính trị và kinh tế thế giới có nhiều diễn biến khó lường, từ diễn biến thay đổi thuế quan của Chính phủ Mỹ, đặc biệt là xung đột chính trị ở khu vực Trung Đông…
Những vấn đề này tác động to lớn đến kinh tế thế giới, thị trường tài chính, cũng như các vấn đề về thuế ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Song, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, tình hình kinh tế trong nước nói chung và ngành Ngân hàng nói riêng vẫn đạt được những kết quả khả quan. Trước tiên, 6 tháng đầu năm kinh tế vẫn ổn định, tỷ giá, thị trường ngoại hối tương đối ổn, lãi suất thấp hỗ trợ cho hoạt động của doanh nghiệp nhiều.
“Đây là những vấn đề có ý nghĩa vô cùng quan trọng, bởi chỉ ổn định kinh tế vĩ mô thì mới có thể đảm bảo tăng trưởng. Đồng thời, chỉ ổn định kinh tế vĩ mô thì các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp xuất nhập khẩu nói riêng mới có thể phát triển”, ông Lệnh nhấn mạnh.
Đối với tăng trưởng tín dụng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh trong 6 tháng đầu năm đạt mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ các năm trước đây. Ước tổng dư nợ tín dụng đạt khoảng 4.165 nghìn tỷ, tăng 5,5% so với cuối năm và tăng 13,03% so với cùng kỳ.
Đây là tốc độ tăng trưởng khá nếu nhìn xuyên suốt định hướng của NHNN trong năm 2025, tín dụng tăng 16%. Và với mức tăng trưởng này, thành phố có thể duy trì được mục tiêu tăng trưởng để hỗ trợ cho nền kinh tế và các doanh nghiệp.
Riêng với lĩnh vực xuất khẩu, tổng dư nợ cho vay đối với lĩnh vực xuất khẩu trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, tính hết 5 tháng đầu năm đạt 146.500 tỷ, tăng khoảng 42% so với cuối năm 2024, tăng 52% so với cùng kỳ.
Đây là tốc độ tăng trưởng tương đối cao, do đặc điểm của các doanh nghiệp xuất khẩu thường vay ngắn hạn, nên vòng quay vốn nhanh, doanh số cho vay tương đối lớn. Dư nợ cập nhật ở từng thời điểm, nhưng nhìn chung hiệu quả sử dụng vốn của các doanh nghiệp xuất khẩu tương đối tốt.
Thực tế, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam không chỉ có hiệu quả hoạt động kinh doanh thuận lợi do có thị trường, có nguồn thu ngoại tệ, luân chuyển dòng vốn tốt… đây là những yếu tố thúc đẩy nhu cầu vay vốn, tăng trưởng tín dụng.
Dưới góc độ quản lý, việc lĩnh vực xuất khẩu có mức độ tăng trưởng tốt là do cơ chế chính sách tiền tệ, tín dụng, tỷ giá ngoại hối cơ bản được điều hành ổn định. Mặc dù, vấn đề diễn biến tỷ giá vẫn có sự lên xuống bởi ảnh hưởng trực tiếp về tình hình biến động kinh tế trên thế giới, song nhìn chung tỷ giá và thị trường ngoại hối vẫn rất thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Lãi suất tốt, dịch vụ ngân hàng tốt cùng môi trường đầu tư thuận lợi là những yếu tố thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu tăng trưởng, từ đó thúc đẩy dư nợ tín dụng của lĩnh vực này tăng theo.

Nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu quan tâm đến cơ chế, chính sách liên quan đến tỷ giá, ngoại hối, gói tín dụng ưu đãi của ngành Ngân hàng
Theo NHNN Khu vực II, với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, 6 tháng đầu năm Chính phủ và Ngân hàng Trung ương đưa ra nhiều gói tín dụng ưu đãi. Trong đó, có nhiều gói tín dụng tác động trực tiếp đến gói cung ứng, xuất khẩu, như gói tín dụng lâm, thủy sản hỗ trợ cho người nuôi trồng, chế biến, tạo điều kiện thuận lợi để lĩnh vực này tăng trưởng nhanh.
Với quy mô gói tín dụng 100.000 tỷ đưa ra, các NHTM cho vay với lãi suất bình quân thấp hơn từ 1 – 1,5%, cùng kỳ hạn của chính ngân hàng đó. Tại địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã giải ngân được trên 12.000 tỷ đồng và dư nợ hiện tại trên 4.000 tỷ đồng cho hơn 3.000 khách hàng, thúc đẩy kim ngạch xuất nhập khẩu, hàng hóa lâm thủy hải sản tăng trưởng mạnh. Và rõ ràng thời gian qua, khi lĩnh vực xuất nhập khẩu hoạt động hiệu quả đã có tác động tích cực đến nền kinh tế đất nước nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng.
“Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu luôn được các NHTM quan tâm, phục vụ tốt nhất và hoàn toàn có quyền lựa chọn mua hoặc vay ngoại tệ hay VND với lãi suất thấp hơn để đáp ứng, phù hợp nhu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp mình.
Đây là điểm thuận lợi hơn của doanh nghiệp xuất nhập khẩu bởi vay ngoại tệ là vay có điều kiện và không phải doanh nghiệp nào cũng được vay. Đồng thời, dịch vụ ngân hàng nói chung và tại TP. Hồ Chí Minh nói riêng vừa đa dạng, phong phú, vừa ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo an toàn, luôn đáp ứng tốt nhất cho các doanh nghiệp”, ông Lệnh khẳng định.
Liên quan đến vấn đề tỷ giá, ngoại hối, nguồn vốn, lãi suất tín dụng, gói vay ưu đãi… rất nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu đều cho rằng, ngành Ngân hàng đã và đang thực hiện tốt các cơ chế, chính sách, gói tín dụng ưu đãi, cũng như tạo môi trường đầu tư thuận lợi để các doanh nghiệp tiếp tục tăng trưởng, phát triển, dù bối cảnh thị trường còn không ít khó khăn cần phải nỗ lực để vượt qua.