Chế biến sâu, nâng giá trị cho hàng Việt xuất khẩu

Thay vì xuất khẩu dưới dạng tươi, hoặc chế biến thô, nhiều sản phẩm hàng hóa Việt hiện đã được xuất khẩu với hàm lượng chế biến sâu hơn, mang lại giá trị lớn.

Lợi thế lớn từ chế biến sâu

Theo Bộ Công Thương, hiện nay Việt Nam là nhà cung ứng đứng thứ hai thế giới về cà phê, thứ nhất về hạt điều, thứ nhất về hạt tiêu, và thứ ba về gạo. Các hiệp định thương mại đã tạo ra lợi thế cạnh tranh rất lớn cho các mặt hàng nông lâm thủy sản chiến lược và có thế mạnh nhờ cam kết cắt giảm thuế quan. Đồng thời tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng cao vào khu vực nông nghiệp, tham gia sâu, bền vững vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Hiện Việt Nam đã và đang tiếp tục triển khai các chính sách hiện hành đang hỗ trợ cho ngành nông nghiệp chuyển từ xuất khẩu thô sang gia tăng tỷ lệ xuất khẩu tinh, tạo điều kiện doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp, thu hút đầu tư phát triển ngành công nghiệp chế biến thực phẩm. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa ngành hàng và chuyển từ phát triển chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển chuỗi giá trị ngành hàng, bắt nhịp xu hướng tiêu dùng của thị trường toàn cầu.

Chế biến sâu giúp gia tăng giá trị cho rau quả xuất khẩu (Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ)

Chế biến sâu giúp gia tăng giá trị cho rau quả xuất khẩu (Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ)

Đơn cử, nhờ đầu tư chế biến sâu, đa dạng sản phẩm, chinh phục được các thị trường khó tính nên sản phẩm rau quả của Việt Nam có giá bán cao gấp 3-4 lần so với sản phẩm thông thường. Đây là một trong những giải pháp bền vững cho ngành hàng tỷ đô này.

Ông Trịnh Ngọc Minh - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông sản Phúc Tiến cho biết, hiện công ty đã tăng cường đầu tư hệ thống cấp đông, tăng cường chế biến, đa dạng sản phẩm, nên đơn vị luôn ký được các đơn hàng xuất khẩu đi châu Âu và châu Á. Chế biến sâu giúp doanh nghiệp tạo những sản phẩm đi đến các thị trường xa, rộng rãi, lưu trữ được, nên sản lượng được nhiều.

Song song với đó, chế biến sâu sẽ giúp các nhà máy có thể chủ động nguồn hàng nhờ bảo quản lâu hơn. Từ đó, xóa dần áp lực bán nhanh và phải phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường xuất khẩu. Đặc biệt, nó còn tiêu thụ hiệu quả nguyên liệu cho bà con nhà vườn khi vào mùa thu hoạch.

Công ty Cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang thông tin thêm, biến sâu giúp bà con giải quyết được sản lượng lớn tại thời điểm mùa vụ. Nếu như trong trường hợp chúng ta tiêu thụ tươi, có thể sẽ không tiêu thụ hết, dễ xảy ra tình trạng bị mất giá.

Đối với mặt hàng thủy sản, theo đánh giá của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (Vasep), tại các Triển lãm thủy sản quốc tế tại Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) được tổ chức năm nay, các sản phẩm chế biến giá trị gia tăng được khách hàng đặc biệt quan tâm. Các sản phẩm chế biến hết sức phong phú, phối trộn với nhiều nguyên liệu được khách hàng thích thú và đánh giá cao sau khi nếm thử.

Hàng chế biến sâu phù hợp với xu hướng hiện nay là người tiêu dùng bận rộn, có ít thời gian cho nấu nướng. Các sản phẩm này cũng mang lại cho doanh nghiệp biên lợi nhuận tốt hơn.

Việt Nam có lợi thế về trình độ chế biến, tay nghề của người lao động cao. Quy trình sản xuất hàng giá trị gia tăng áp dụng công nghệ cao và khép kín sẽ đảm bảo được việc giữ nguyên hương vị tươi ngon của hải sản, đồng thời tăng năng suất với các sản phẩm đạt chất lượng cao.

Không chỉ trong ngành nông nghiệp mà các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến cũng chú trọng nâng cao hàm lượng chế biến của các sản phẩm xuất khẩu. Đơn cử, tại Tổng Công ty May 10, sau khi thử nghiệm hướng chọn các đơn hàng phức tạp, số lượng nhỏ, năm nay, May 10 tiếp tục duy trì các đơn yêu cầu kỹ thuật khó và linh hoạt thời gian nhận đơn. Việc chọn lựa các đơn hàng khó giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc tìm kiếm các đơn hàng, bạn hàng tại các thị trường thế giới.

Hoặc tại Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), sắp tới, Tập đoàn dự kiến sẽ xuất khẩu những đơn hàng đầu tiên đối với sản phẩm vải và trang phục chống cháy sang Indonesia, Ấn Độ, Trung Đông, Mỹ.

Theo ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch HĐQT Vinatex, đó là sản phẩm có thể có tốc độ tăng trưởng rất nhanh, nhưng sẽ phụ thuộc nhiều vào chính sách của mỗi quốc gia, sản phẩm đặc thù không hoàn toàn như sản phẩm mà chúng ta đã làm trong những năm qua. Đây là mặt hàng có yêu cầu kỹ thuật cao, mang tính pháp lý, bản quyền, không phải mặt hàng thời trang thông thường, thông qua hợp tác giữa Vinatex với Tập đoàn Coast (Vương Quốc Anh) với mục tiêu doanh thu 2-2,5 triệu USD và trong 5 năm đầu tiên định hướng mỗi năm có thể tăng trưởng gấp đôi.

Tăng cường chế biến sâu hàng hóa xuất khẩu

Dù đã có nhiều nỗ lực song hiện nay, tỷ lệ chế biến sâu hàng hóa xuất khẩu chưa cao. Đơn cử, theo Hiệp Hội Rau quả Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 150 cơ sở, doanh nghiệp có nhà máy chế biến hiện đại, đầu tư mới. Công suất thiết kế là 1 triệu tấn nguyên liệu/năm. Con số này mới chỉ chiếm hơn 10% trong số nguyên liệu Việt Nam sản xuất hàng năm. Vì vậy, ngành rau quả cần nỗ lực hơn nữa để tăng cường chế biến sâu, đa dạng sản phẩm và cạnh tranh xuất khẩu bền vững.

Hoặc đối với ngành chè, theo Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương, ước tính, xuất khẩu chè trong tháng 7/2024 đạt 16.000 tấn, trị giá 29 triệu USD, tăng 52,8% về lượng và tăng 56,2% về trị giá so với tháng 7/2023. Giá bình quân chè xuất khẩu trong tháng 7/2024 ước đạt 1.796,3 USD/ tấn, giảm 6,7% so với tháng 6/2024, nhưng tăng 2,2% so với tháng 7/2023.

Mặc dù giá chè xuất khẩu của Vệt Nam đang có dấu hiệu tăng, nhưng mức giá này mới chỉ bằng chưa tới 70% so với giá chè xuất khẩu bình quân trên thế giới. Giá chè xuất khẩu bình quân toàn cầu trong năm 2023 đạt 2.600 USD/tấn.

Cục Chất lượng chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, giá trị cây chè Việt Nam không cao là do chủng loại chè xuất khẩu của Việt Nam hiện nay chủ yếu ở dạng thô, hàm lượng chế biến thấp, trong khi nhu cầu tiêu dùng chè trên thế giới đã thay đổi rất nhanh, chuyển từ các sản phẩm chè thông thường, sang các sản phẩm chè chế biến sâu, chè đặc sản.

Hiện nay Việt Nam là nhà cung ứng đứng thứ hai thế giới về cà phê, thứ nhất về hạt điều, thứ nhất về hạt tiêu, và thứ ba về gạo. Các hiệp định thương mại đã tạo ra lợi thế cạnh tranh rất lớn cho các mặt hàng nông lâm thủy sản chiến lược và có thế mạnh nhờ cam kết cắt giảm thuế quan.

Do vậy, về phía cơ quan chức năng cần chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp kết hợp đảm bảo các yếu tố sinh thái, môi trường, con người và phát triển bền vững. Trong khi đó doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa ngành hàng và chuyển từ phát triển chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển chuỗi giá trị ngành hàng để kịp thời bắt nhịp với xu thế phát triển của thị trường thế giới.

Quyết định số 493/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 chỉ rõ, giai đoạn 2026 - 2030, phát triển các mặt hàng mới có giá trị gia tăng cao, hàng nông sản, thủy sản chế biến sâu; hàng công nghiệp chế tạo công nghệ trung bình và công nghệ cao, ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Đây là động lực quan trọng giúp doanh nghiệp tiếp tục nỗ lực đẩy mạnh chế biến sâu, gia tăng giá trị xuất khẩu.

Bảo Ngọc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/che-bien-sau-nang-gia-tri-cho-hang-viet-xuat-khau-343034.html