Chế độ ăn đối với người bệnh thấp tim

Thực hiện chế độ ăn uống hợp lý kết hợp với việc tuân thủ điều trị y khoa, người bệnh thấp tim có thể cải thiện sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống và phòng ngừa biến chứng nguy hiểm.

1. Tầm quan trọng của chế độ ăn với người bệnh thấp tim

Nội dung

1. Tầm quan trọng của chế độ ăn với người bệnh thấp tim

2. Dinh dưỡng cho người bệnh thấp tim

3. Tham khảo những thực phẩm nên ăn và nên tránh khi bị thấp tim

Theo các chuyên gia Viện Tim mạch, thấp tim là một bệnh viêm cấp tính có tính chất toàn thân (có liên quan đến miễn dịch) xảy ra sau một hay nhiều đợt viêm họng do liên cầu bêta tan huyết nhóm A theo phân loại của Lancefield. Bệnh biểu hiện bằng một hội chứng bao gồm: Viêm đa khớp, viêm tim, chorea, hạt dưới da, ban đỏ vòng.

Bệnh được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, đúng phương pháp thì có thể khỏi hoàn toàn. Nếu phát hiện bệnh muộn, điều trị không đúng sẽ dẫn đến tình trạng suy tim nặng, thậm chí là tử vong. Biến chứng thường hay gặp là tổn thương van tim gây hẹp van, hở van hoặc hẹp hở van tim. Cũng có thể biến chứng viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim (nhưng ít gặp hơn).

BS. Lê Anh, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, mặc dù bệnh thấp tim rất nguy hiểm nhưng là bệnh có thể phòng ngừa bằng thực hiện lối sống và sinh hoạt như: giữ môi trường sống sạch sẽ, vệ sinh cơ thể và vùng mũi họng thường xuyên, sạch sẽ, giữ ấm cổ, ngực, mũi họng về mùa đông, ăn uống đủ chất dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng.

Người bệnh thấp tim nên ăn các loại thực phẩm giàu acid béo omega-3.

Người bệnh thấp tim nên ăn các loại thực phẩm giàu acid béo omega-3.

Thay đổi chế độ ăn uống là một phần quan trọng trong việc điều trị và quản lý bệnh thấp tim. Một số thay đổi chế độ ăn uống cụ thể có lợi cho người bệnh như giảm lượng natri và chất béo, ăn nhiều trái cây, rau quả, tránh thực phẩm chế biến sẵn. Cân nhắc ăn thực phẩm giàu acid béo omega-3, có thể giúp chống lại mọi bệnh viêm nhiễm, bao gồm cả bệnh ban đỏ. Acid béo omega-3 đã được chứng minh là làm giảm nguy cơ mắc bệnh van tim, cải thiện chức năng tim. Chúng được tìm thấy trong thực phẩm bổ sung dầu cá, hạt lanh, hạt chia. Thực phẩm giàu acid béo omega -3 như cá hồi, cá trích, sò điệp, hàu, tôm hùm, quả óc chó, đậu nành…

Lưu ý, tốt nhất nên hỏi ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng về những thay đổi chế độ ăn uống nào tốt nhất cho người bệnh thấp tim.

2. Dinh dưỡng cho người bệnh thấp tim

TS.BS Ngô Tuấn Anh, chuyên khoa tim mạch, BV TƯQĐ 108 cho biết, người bệnh thấp tim nên áp dụng chế độ ăn thế nào là tốt nhất còn tùy thuộc vào hậu quả của bệnh thấp tim đến mức nào.

Do đó, chế độ ăn cần được xây dựng dựa trên tình trạng sức khỏe, mức độ bệnh và nhu cầu dinh dưỡng của từng người.

Theo Viện Nghiên cứu và Đào tạo Khoa học sức khỏe TPHCM, chăm sóc người bệnh bị thấp tim thể viêm tim, bên cạnh tuân thủ điều trị của bác sĩ thì chế độ ăn uống, nghỉ ngơi có tầm quan trọng bên cạnh việc dùng thuốc điều trị, đặc biệt khi có suy tim nặng, cụ thể:

+ Ăn nhạt tùy mức độ suy tim: nhạt tuyệt đối (không có muối) hoặc nhạt tương đối (từ 2 đến 4 gam muối/ngày). Gia đình tự nấu ăn các món luộc hoặc rán không có muối hoặc ăn theo chế độ ăn nhạt của bệnh viện. Lưu ý người bệnh và gia đình một số thức ăn nhạt mà vẫn có muối: bánh mì, xôi, cháo, phở…. Giải thích sao cho người bệnh hiểu, tự giác chấp nhận chế độ ăn "không ngon miệng" này, tránh ăn vụng muối.

+ Đối với các thức ăn lành mạnh khác: không hạn chế, không kiêng, nên ăn nhiều rau, hoa quả, thức ăn giàu đạm. Khi người bệnh thấp tim đang được điều trị trợ tim và lợi tiểu, khuyến khích ăn hoa quả có nhiều kali: hồng xiêm, chuối tiêu, nho….

+ Không nên uống nhiều nước khi có phù, suy tim nặng.

Ngoài ra, người suy tim nặng cần nghỉ ngơi, ăn uống vệ sinh mỗi ngày tại giường, thay đổi tư thế nhẹ nhàng, ở tư thế nửa nằm nửa ngồi khi khó thở nhiều. Bác sĩ và điều dưỡng sẽ đánh giá chi tiết chế độ ăn, lượng nước uống và nước tiểu người bệnh hàng ngày.

Đối với các trường hợp không suy tim hoặc suy tim nhẹ cũng cần chế độ nghỉ ngơi để tránh các biến chứng dẫn tới suy tim hoặc suy tim nặng thêm. Chế độ nghỉ ngơi còn phải thực hiện trong nhiều tuần ở nhà để viêm tim hồi phục hoàn toàn, tránh di chứng van.

Người bệnh thấp tim nên áp dụng chế độ ăn cân bằng, đa dạng với những thực phẩm lành mạnh.

Người bệnh thấp tim nên áp dụng chế độ ăn cân bằng, đa dạng với những thực phẩm lành mạnh.

3. Tham khảo những thực phẩm nên ăn và nên tránh khi bị thấp tim

Các bác sĩ cho biết, người bệnh thấp tim nên áp dụng lối sống lành mạnh cho tim, bao gồm chế độ ăn uống cân bằng và hoạt động thể chất thường xuyên. Người bệnh thấp tim cần tránh xa khói thuốc lá, không uống rượu bia. Nên ăn nhiều loại thực phẩm từ đa dạng các nhóm thực phẩm khác nhau để cung cấp cho cơ thể đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết. Chú ý uống đủ nước hàng ngày theo hướng dẫn của bác sĩ.

Ngay cả những thay đổi nhỏ trong chế độ ăn uống và lối sống cũng có thể cải thiện sức khỏe của người bệnh thấp tim. Giảm thiểu các loại thực phẩm như thịt, sữa, thực phẩm chế biến sẵn có nhiều chất béo bão hòa. Nói chung, hãy ăn thực phẩm ít cholesterol, chất béo bão hòa và muối. Ưu tiên một số thực phẩm được biết đến với tác dụng bảo vệ tim - hải sản, trái cây, rau, quả hạch, ngũ cốc, các loại đậu, hành, tỏi, dầu ô liu, thực phẩm giàu vitamin C, E và beta carotene.

Nếu người bệnh thấp tim bị thừa cân, hãy áp dụng kế hoạch ăn kiêng giảm cân lành mạnh và tuân thủ nó. Béo phì gây căng thẳng cho hệ thống tim mạch.

Ăn thực phẩm giàu chất xơ

Hãy đảm bảo rằng chế độ ăn uống của người bệnh được cân bằng và chứa nhiều chất xơ. Chất xơ từ ngũ cốc, rau, trái cây là có lợi nhất. Ăn nhiều ngũ cốc, các loại đậu, trái cây, rau quả tươi, các loại hạt được sản xuất hữu cơ.

Tăng cường thực phẩm giàu chất chống oxy hóa

Các loại thực phẩm giàu chất chống oxy hóa (beta-carotene, vitamin C, vitamin E và selen) chống lại các gốc tự do. Ăn trái cây, cà chua, cà rốt, khoai lang, rau lá xanh đậm, mầm cỏ linh lăng và các sản phẩm ngũ cốc nguyên hạt, thêm nho, cà tím, bắp cải đỏ vào thực đơn. Các sắc tố gọi là anthocyanin trong nho có thể giúp giảm nguy cơ đau tim và đột quỵ. Anthocyanin được tìm thấy trong các loại trái cây, rau quả màu xanh và tím.

Ăn chất béo không bão hòa

Loại chất béo mà người bệnh thấp tim tiêu thụ cũng rất quan trọng. Chất béo không bão hòa đơn, được tìm thấy trong dầu ô liu và dầu hạt cải, làm giảm mức lipoprotein mật độ thấp (LDL, thường được gọi là cholesterol xấu) mà không ảnh hưởng đến mức lipoprotein mật độ cao (HDL, thường được gọi là cholesterol tốt). Các loại hạt thô (trừ đậu phộng), dầu ô liu và cá hồi, cá thu chứa các acid béo thiết yếu rất quan trọng cho sức khỏe tim mạch.

Tránh chất béo bão hòa

Ăn thực phẩm giàu chất béo bão hòa ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh thấp tim.

Ăn thực phẩm giàu chất béo bão hòa ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh thấp tim.

Chất béo bão hòa, loại chất béo có trong các sản phẩm động vật như thịt đỏ, chất béo (đặc biệt là mỡ động vật, dầu hydro hóa và dầu hydro một phần), thực phẩm từ sữa, các acid béo chuyển hóa có trong bơ thực vật... không tốt cho tim. Tránh tiêu thụ chất béo bão hòa, nhất là các món nướng. Chất gây ung thư hình thành trong quá trình hóa nâu góp phần gây viêm động mạch và làm suy yếu cơ tim.

Tránh thực phẩm chế biến và tinh chế, thực phẩm cay, các sản phẩm bột mì trắng như bánh mì trắng...

Hạn chế caffeine

Tránh các chất kích thích như cà phê, trà đen có chứa caffeine. Cà phê làm tăng hormone căng thẳng trong cơ thể. Ngoài ra, nên tránh thuốc lá, rượu, sô cô la, đường, nước ngọt...

Ăn nhạt

Quản lý các nguồn natri trong chế độ ăn uống. Muối có chứa natri, làm tăng khả năng giữ nước và khiến tim phải làm việc nhiều hơn.

Tránh thực phẩm giàu vitamin K nếu dùng thuốc chống đông máu

Người bệnh thấp tim nếu đang dùng thuốc chống đông máu (làm loãng máu) nên hạn chế ăn thực phẩm giàu vitamin K. Ăn thực phẩm có chứa vitamin K sẽ làm tăng xu hướng đông máu. Thực phẩm giàu vitamin K như bông cải xanh, súp lơ, lòng đỏ trứng, gan, rau bina, các loại rau có màu xanh đậm.

Để tăng cường tác dụng của thuốc chống đông máu, hãy ăn nhiều những thứ sau: mầm lúa mì, vitamin E, đậu nành.

Người bệnh thấp tim tuân thủ lịch khám sức khỏe định kỳ với bác sĩ để theo dõi sức khỏe và giúp kiểm soát tình trạng của mình. Luôn duy trì một chế độ ăn lành mạnh, khoa học theo tư vấn của bác sĩ. Nên tham khảo ý kiến chuyên gia nếu bạn thay đổi chế độ ăn hoặc muốn dùng các chất bổ sung như vitamin, khoáng chất.

Thùy Vân

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/che-do-an-doi-voi-nguoi-benh-thap-tim-169240612233142879.htm