'Chế lời bài thơ Nam quốc sơn hà là một hành động phỉ báng'
Bài 'Nam quốc sơn hà' (Sông núi nước Nam) bị chế lời phản cảm, được một bộ phận giới trẻ dùng để hô hào trên bàn nhậu gây nhiều phẫn nộ trên mạng xã hội.
Xúc phạm lịch sử dân tộc
Mới đây, mạng xã hội lan truyền một đoạn clip ghi lại cảnh một nhóm người trẻ hô hào thêm thắt, sửa đổi một số câu từ, biến “Nam quốc sơn hà” trở thành một bài thơ chế dùng khi đi nhậu.
Theo một số nhà sử học, bài thơ "Nam quốc sơn hà" có tác dụng khích lệ tinh thần quân sĩ, giúp Lê Hoàn chống quân Tống năm 981 và Lý Thường Kiệt chống quân Tống 1077. Đây còn được coi như bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của Việt Nam, khẳng định chủ quyền của nhà nước Đại Việt trên các vùng đất của mình.
Chính vì vậy, việc đem bài thơ ra chế lời, thành khẩu hiệu hô to trong bữa tiệc, bàn nhậu, thậm chí còn đẩy lên mạng xã hội như một trend mới khiến nhiều người bức xúc, thậm chí lên án gay gắt.
“Lướt tiktok thấy rất nhiều bạn trẻ lấy lời bản tuyên ngôn độc lập này khuấy động không khí, thấy thực sự rất khó chịu, dường như trong xã hội hiện đại này vì một chút niềm vui người ta lại vô tình quên đi mất những giá trị tốt đẹp của dân tộc…” - Tài khoản Facebook Vi Ánh bình luận.
Phần lớn cư dân mạng cho rằng việc chế thơ văn học, xuyên tạc lịch sử, là một sự xúc phạm: “Không thiếu gì văn vần để làm vui. Nhưng bài thơ, bài hịch đã là di sản quốc gia, lời thơ bất hủ thì không lên chế bậy!”; “Biết bao nhiêu thứ không chế cứ phải đem mấy cái thiêng liêng ra chế nhỉ? Biết giờ nhạc chế phổ biến rồi, biết chế vậy chủ yếu để vui vẻ rồi, nhưng mà thật sự mấy cái liên quan tới văn hóa tinh thần dân tộc thì tối thiểu nó cần được tôn trọng!”…
Sai một cách cố tình
Nhận định về vấn đề này, chuyên gia truyền thông xã hội Nguyễn Ngọc Long cho rằng, việc các bạn trẻ đem thơ ca dân tộc ra chế tráo là điều không nên. Bởi điều này giống một sự “phỉ bảng” vào lịch sử dân tộc: “Trước đó, vụ nhạc chế bài thơ Lượm đã bị lên án dữ dội. Tôi cho rằng, câu chuyện lần này cũng tương tự câu chuyện Lượm trước đó, nhưng bất ổn hơn, tình tiết tăng nặng hơn, khi đụng chạm đến những thứ thuộc về quốc hồn, quốc túy của dân tộc.
Nếu như câu chuyện của Lượm có thể coi là vô tình làm sai thì đến câu chuyện này, là một sự cố tình. Nhiều người đang tự biến những điều không bình thường trở nên bình thường. Đây là một điều cực kì nguy hại, thậm chí có thể nói là băng hoại về cả mặt đạo đức và văn hóa” - Chuyên gia truyền thông nhấn mạnh.
Trước làn sóng phẫn nộ việc bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của Việt Nam bị chế thành bài ca đi nhậu, vẫn có những ý kiến bênh vực cho rằng, bài thơ này đã được chế từ lâu, bây giờ chỉ đang được đào lại. Và bài chế chỉ là sự giải tỏa, mang lại niềm vui trên bàn nhậu, nên không cần quá khắt khe.
Tuy nhiên theo chuyên gia Nguyễn Ngọc Long, bất kể điều gì xảy ra đều có mặt tích cực và tiêu cực. Người dùng không thể đem cái xấu ra gán cho cái tích cực. Điều tích cực duy nhất trong câu chuyện này, là phản ứng của dư luận trước hành động sai: “Không thể nói việc chế một bài thơ được coi là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của Việt Nam chỉ để mua vui. Đó là một sự ngụy biện và tôi không chấp nhận điều đó”.
Cũng theo chuyên gia truyền thông xã hội Nguyễn Ngọc Long, những video chế thơ ca dân tộc khi được đăng tải trên mạng xã hội, sau đó xuất hiện trên xu hướng và được giới trẻ tiếp nhận sẽ rất nguy hại: “Cơ chế của mạng xã hội hiện nay theo hình thức hậu kiểm, tức là phải đợi đến khi có vấn đề, chúng ta mới đi kiểm tra và bóc gỡ. Thế nhưng sự bóc gỡ khi ấy khó có tác dụng khi những vấn đề độc hại đã được lan truyền. Chính vì vậy, cần phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa tiền kiểm và hậu kiểm. Về mặt luật pháp, tôi nghĩ cần mạnh tay hơn nữa để ngăn chặn các video có nội dung xấu xuất hiện trên mạng xã hội”./.