Người Việt xưa quan niệm trò chơi truyền thống dân gian không đơn thuần là để giải trí mà còn là công cụ giáo dục, nuôi dưỡng tâm hồn thế hệ trẻ. Những món đồ như đèn ông sao, tò he, đầu lân, mặt nạ giấy bồi... như một lời nhắn nhủ, gửi gắm của thế hệ ông cha với lớp trẻ về tinh thần ham học hỏi, cần cù, sáng tạo.
Dịp Tết Trung thu năm nay, nhiều hoạt động văn hóa truyền thống đã được tổ chức tại khu phố cổ Hà Nội. Cụ thể, trong ảnh là đoàn học sinh thuộc trường THCS Hoàn Kiếm (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) tham quan, trải nghiệm làm con giống bột “Lớp học Tò he” tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội.
Các em học sinh tỏ ra thích thú khi được nghệ nhân trực tiếp hướng dẫn các công đoạn để tạo ra một con giống bột truyền thống.
Các em nhỏ tự tay nặn ra những con giống bột trước thềm Tết Trung thu truyền thống của người Việt.
Với nhiều hoạt động trải nghiệm đa dạng, Ban tổ chức mong muốn góp phần đẩy mạnh hoạt động giáo dục di sản của Thủ đô, nâng cao ý thức bảo tồn, quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống, phát triển hệ sinh thái giáo dục sáng tạo trong cộng đồng, hướng tới hình thành thế hệ công dân hiểu biết về văn hóa di sản và có sức sáng tạo trên nền tảng đó.
Dù mới tham gia làm con giống bột lần đầu nhưng một số em tỏ ra vô cùng khéo léo với những sản phẩm được các nghệ nhân đánh giá cao. Bên cạnh đó, các em học sinh cũng được thể hiện kiến thức và sự hiểu biết về Tết Trung thu qua việc tham gia trò chơi đố vui có thưởng.
Học sinh tên Thư (trường THCS Hoàn Kiếm) cho biết, bản thân cảm thấy háo hức khi được tham gia lớp học tò he. Mặc dù không được khéo léo như các bạn, nhưng Thư cũng tự tay tạo ra một sản phẩm bông hoa hình mặt heo vô cùng ngộ nghĩnh.
Nhiều con giống bột với nhiều hình thù đặc sắc được tạo ra bởi đội bàn tay khéo léo của các em nhỏ.
Du khách quốc tế thích thú khi trải nghiệm những món đồ chơi Trung thu truyền thống của người Việt.
Ngoài ra còn nhiều hoạt động trải nghiệm, giới thiệu và hướng dẫn cách làm đồ chơi truyền thống do chính các nghệ nhân, thợ thủ công tới từ các làng nghề lân cận Hà Nội trực tiếp thực hiện, như: Làm con giống bột với “Lớp học Tò he” cùng nghệ nhân Đặng Văn Hậu đến từ làng Xuân La, huyện Phú Xuyên; làm “Lồng đèn đón trăng” cùng nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến, đến từ xã Vân Canh, huyện Hoài Đức; các không gian trải nghiệm: Làm mặt nạ bồi, làm và trang trí diều giấy, trò chơi Trí Uẩn…
Đình Trung