Chế tạo tàu ngầm hạt nhân là 'thách thức rất lớn' đối với Australia

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Richard Marles cho biết kế hoạch chế tạo một tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân tại Australia vào đầu thập niên 2040 là một 'thách thức rất lớn' đối với đất nước.

Theo Reuters, ngày 28-4, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Marles nêu rõ Chính phủ của Thủ tướng Anthony Albanese đã "cố gắng trung thực và minh bạch nhất có thể". Ông Marles khẳng định, Chính phủ Australia đang "thận trọng tính toán ngân sách để đề phòng những tình huống bất ngờ" liên quan tới kế hoạch nói trên.

Phát biểu của Phó thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Australia được đưa ra sau khi Văn phòng Ngân sách của Nghị viện nước này công bố một báo cáo cho thấy mức chi phí dự báo của thỏa thuận cung cấp tàu ngầm hạt nhân trong khuôn khổ Hiệp ước Đối tác an ninh tăng cường 3 bên Australia-Anh-Mỹ (AUKUS) lên đến 368 tỷ AUD (hơn 243 tỷ USD), trong đó đã bao gồm cả khoản chi phí dự phòng 123 tỷ AUD. Báo cáo xác định chi phí dự phòng là "chi phí trong tương lai hiện chưa được biết đến do chậm tiến độ, tình trạng đội giá và các yếu tố khác".

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Richard Marles cho biết, chế tạo tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân là "thách thức rất lớn" với Australia. Ảnh: The Sydney Morning Herald

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Richard Marles cho biết, chế tạo tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân là "thách thức rất lớn" với Australia. Ảnh: The Sydney Morning Herald

Hồi tháng 3 vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Anh Rishi Sunak và Thủ tướng Australia Albanese đã công bố thỏa thuận cung cấp tàu ngầm hạt nhân trong khuôn khổ AUKUS. Đầu tiên, Mỹ sẽ bán 3 tàu ngầm lớp Virginia cho Australia vào đầu thập niên 2030 và Canberra có thể mua thêm 2 chiếc nữa nếu cần thiết. AFP cho biết, các tàu ngầm của Australia sẽ sử dụng tên lửa thông thường, không được trang bị vũ khí hạt nhân. Tổng thống Joe Biden cũng nhấn mạnh, những tàu ngầm này sử dụng năng lượng hạt nhân chứ không trang bị vũ khí hạt nhân. Trong giai đoạn tiếp theo, Anh và Australia sẽ hợp tác chế tạo lớp tàu ngầm mới SSN-AUKUS và Australia sẽ nhận được chiếc đầu tiên của mình vào đầu thập niên 2040.

Reuters dẫn báo cáo của Văn phòng Ngân sách (Nghị viện Australia) cho biết phần lớn trong con số chi phí dự báo 368 tỷ AUD của thỏa thuận cung cấp tàu ngầm hạt nhân trong khuôn khổ AUKUS là phát sinh trong hai thập niên kể từ năm 2033. Bộ Quốc phòng Australia cũng không công bố báo giá của các tàu ngầm lớp Virginia của Mỹ mà Australia sẽ mua ở giai đoạn đầu của thỏa thuận. Trong một tuyên bố, Thượng nghị sĩ Đảng Xanh của Australia David Shoebridge cho rằng, quy mô chi phí dự phòng như báo cáo là "chưa từng có tiền lệ" và cho thấy "mức độ bất định lớn trong thỏa thuận tàu ngầm AUKUS".

Với thỏa thuận nói trên, Australia sẽ trở thành quốc gia thứ 7 sở hữu tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, sau Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc và Ấn Độ. Thỏa thuận được công bố trong bối cảnh Australia muốn thay thế hạm đội tàu ngầm lớp Collins chạy diesel bằng các tàu sử dụng năng lượng hạt nhân, có khả năng tàng hình và di chuyển xa hơn. Việc hợp tác với Mỹ và Anh trong khuôn khổ thỏa thuận sẽ giúp Australia thu hẹp khoảng cách khi các tàu ngầm lớp Collins ngừng hoạt động vào những năm 2030.

Trong bản đánh giá chiến lược quốc phòng mới được công bố hôm 24-4 vừa qua, Chính phủ của Thủ tướng Albanese cũng xác định mua sắm tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân trong khuôn khổ AUKUS là một trong 6 lĩnh vực cần ưu tiên thực hiện ngay trước mắt. Mặc dù vậy, cho đến nay, thỏa thuận đang đặt ra một số vấn đề thu hút sự quan tâm của dư luận Australia. Đầu tiên là về vấn đề kinh phí. Tiếp theo là vấn đề an toàn hạt nhân và xử lý rác thải hạt nhân. Thêm vào đó là khả năng thực hiện dự án đúng tiến độ.

HOÀNG VŨ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/vu-khi-trang-bi/che-tao-tau-ngam-hat-nhan-la-thach-thuc-rat-lon-doi-voi-australia-726583