Chèo Bắc Ninh được đưa vào danh mục 'Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia'
Bộ VHTT&DL vừa quyết định đưa nghệ thuật chèo tỉnh Bắc Ninh vào danh mục 'Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia' thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian.
Bên cạnh làn điệu dân ca quan họ gắn liền với vùng quê Kinh Bắc, Bắc Ninh còn là mảnh đất lưu giữ nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống dân gian đặc sắc như: ca trù, tuồng, chèo. Tháng 8-2024, hội Lim, nghệ thuật chèo và múa rối nước Đồng Ngư được tỉnh Bắc Ninh xây dựng hồ sơ khoa học để đề nghị đưa vào danh mục "Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia". Việc điều tra, nghiên cứu, lập hồ sơ khoa học này nhằm tập hợp, thống kê toàn bộ những tài liệu, hình ảnh, hiện vật có liên quan đến đánh giá thực trạng di sản xưa và nay để thấy được giá trị, sức sống, khả năng duy trì, bảo tồn, nguy cơ mai một của di sản và sự tác động, ảnh hưởng của nó tới đời sống cộng đồng đương đại.
Ra đời từ thế kỉ 10, chèo là một loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian độc đáo và giữ vị trí quan trọng trong đời sống sinh hoạt văn hóa tinh thần của người Việt. Theo dòng chảy thời gian, loại hình kịch hát truyền thống được ưa chuộng ở các làng quê vùng châu thổ sông Hồng dần lan tỏa sang vùng trung du miền núi Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

Nghệ thuật chèo tỉnh Bắc Ninh là một phần của dòng chảy nghệ thuật chèo truyền thống Việt Nam
Nghệ thuật chèo tỉnh Bắc Ninh từ lâu đã là một phần của dòng chảy nghệ thuật chèo truyền thống Việt Nam, có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, gắn liền với đời sống văn hóa của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Các vở chèo cổ và trích đoạn còn lưu giữ đến ngày nay phản ánh sinh động đời sống xã hội, phong tục tập quán và khát vọng của người dân Kinh Bắc qua các thời kỳ lịch sử. Chèo thường được biểu diễn trong các dịp lễ hội, đình đám, là một phần không thể thiếu trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng và bộ môn nghệ thuật này ở Bắc Ninh được đánh giá là có đầy đủ các bước chuyển hóa từ sơ khai đến khi phát triển hình thành lối diễn xướng “chèo sân đình”.
Theo đó, nghệ thuật chèo ở Bắc Ninh được phân chia theo các dạng thức như: chèo trong lễ hội rước nước; chèo trong nghi lễ thờ cúng tổ tiên; chèo trong nhà Phật; các phường chèo, đội chèo bán chuyên nghiệp... Đặc biệt, ở vùng Lim (Tiên Du) còn có nghi lễ hát chèo trong thờ cúng tổ tiên gọi là “chèo chải hê” hay “chèo nhị thập tứ hiếu” mà ngày nay vẫn quen gọi là “quan họ hiếu”.
Các tác giả, đạo diễn, diễn viên có nhiều đóng góp quan trọng cho chèo hiện đại của tỉnh Bắc Ninh như: Đào Thiệm, Huy Cờ, Lê Hồng Hạt, Thượng Luyến, Diễm Loan, Thúy Tình, Minh Chính... Những làng chèo ở Bắc Ninh đã trở thành cái nôi của nhiều nghệ sĩ tên tuổi nổi tiếng trong nền nghệ thuật sân khấu Việt Nam như: Đức Bảng, Đức Thủy, Xuân Hinh, Quốc Trượng, Tự Long...
Việc đưa nghệ thuật chèo tỉnh Bắc Ninh vào danh mục "Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia" là bước tiến quan trọng trong chiến lược bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc. Đây cũng là dịp để các địa phương, đơn vị và cộng đồng nghệ nhân trong tỉnh tiếp tục củng cố các hình thức gìn giữ, truyền dạy và quảng bá nghệ thuật chèo đến thế hệ trẻ, đồng thời tạo nền tảng cho phát triển du lịch văn hóa, đưa di sản văn hóa truyền thống lan tỏa sâu rộng trong đời sống đương đại.