Chỉ 10% doanh nghiệp sẵn sàng thực hiện kiểm kê khí nhà kính
Theo Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, trong 1.912 doanh nghiệp bắt buộc phải hoàn thiện báo cáo kiểm kê khí nhà kính vào tháng 3/2025, chỉ có 10% doanh nghiệp sẵn sàng thực hiện.
Chiều 5/6, Hội thảo: Chuyển đổi xanh và phát triển bền vững – Giảm phát thải khí nhà kính hướng đến mục tiêu Net-Zero vào năm 2050 do Tạp chí Kinh tế Môi trường phối hợp với Tạp chí Việt Đức, NatureWorld, Hội Bảo vệ thiên miên môi trường Thủ đô tổ chức, tập trung vào 3 chủ đề chính: Chuyển đổi xanh – năng lượng xanh – tín dụng xanh.
Nhấn mạnh hội thảo được tổ chức đúng Ngày Môi trường thế giới, PGS.TS Trương Mạnh Tiến, Ủy viên Đoàn Chủ tịch VUSTA - Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế môi trường - cho biết Việt Nam cùng với nhiều quốc gia trên thế giới đã lựa chọn chuyển đổi mạnh mẽ từ nền kinh tế “nâu” sang nền kinh tế “xanh”. Trọng tâm là chuyển đổi tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng, phát thải carbon thấp, đảm bảo tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.
Tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Chính phủ Việt Nam đã nêu rõ tham vọng sẽ đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Cam kết này sẽ được thực hiện thông qua xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của chính mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ.
Từ xu hướng chung đó, ông Trương Mạnh Tiến cho biết mục tiêu của hội thảo là tìm ra góc nhìn tổng quan về quá trình chuyển đổi xanh tại Việt Nam nói chung, cộng đồng doanh nghiệp nói riêng, hướng đến phát triển bền vững.
Doanh nghiệp Việt phải hoàn thiện báo cáo kiểm kê khí nhà kính trước tháng 3/2025
Là đơn vị quản lý Nhà nước đồng hành cùng Tạp chí Kinh tế môi trường tại hội thảo, cùng tìm ra giải pháp tốt nhất cho các doanh nghiệp trong chuyển đổi xanh, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, chủ đề Ngày Môi trường năm nay là cải tạo đất, chống hoang mạc hóa, chống ô nhiễm môi trường.
Tất cả nội dung này đều thuộc chủ đề chung “Trái đất trong kỷ nguyên phục hồi hệ sinh thái”, nhằm chống lại các cuộc khủng hoảng môi trường, khí hậu, hướng tới mục tiêu 2050 – thế giới không có phát thải.
Theo ông Thọ, việc thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn là mục tiêu hướng tới của toàn cầu và trở thành “luật chơi” mới của nền kinh tế thế giới. Ở châu Âu, từ tháng 6/2024, quy định các doanh nghiệp niêm yết trên sàn đều phải có báo cáo phát triển bền vững sẽ bắt đầu hiệu lực.
Trong thời gian tới, hàng hóa nông sản xuất khẩu cũng cần thuân thủ Quy định không gây mất rừng (EUDR) của Ủy ban Châu Âu (EC) từ 1/1/2025. Đây là biến chuyển xu hướng tiêu dùng xanh tất yếu của thị trường toàn cầu. Tháng 4/2024, Việt Nam tham gia Hiệp ước Nhựa toàn cầu và dự kiến ký vào tháng 9/2024 tại Canada. Còn các doanh nghiệp không thực hiện báo cáo phát triển bền vững sẽ không thể tiếp tục giao thương và thu hút đầu tư với các doanh nghiệp đa quốc gia.
“Việt Nam đã có quy định hơn 1.912 doanh nghiệp phải có báo cáo phát thải và hoàn thiện trước tháng 3/2025, tuy nhiên, mới chỉ có 10% doanh nghiệp sẵn sàng thực hiện báo cáo này”, ông Thọ thông tin.
Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường cũng cho biết, báo cáo phát thải đã trở thành yêu cầu bắt buộc đối với các công ty niêm yết và đối tác giao dịch thương mại đầu tư. Yêu cầu kiểm kê khí nhà kính trước mắt ở phạm vi 1, 2 liên quan trực tiếp đến sản phẩm của doanh nghiệp, việc sử dụng nước, điện.
Phạm vi 3 liên quan đến các nội dung tới tổ chức hội thảo, hội nghị, di chuyển cán bộ công nhân viên của doanh nghiệp. Phạm vi 4 là kiểm kê khí nhà kính trên toàn bộ chuỗi cung ứng để bán tín chỉ carbon. Đây là cơ hội để nhiều doanh nghiệp có thể khai thác, tiêu biểu như VinFast, Tesla…
Chia sẻ thêm về các yêu cầu kiểm kê khí nhà kính, TS. Bùi Thanh Hương, Đại học Quốc gia Hà Nội, chỉ ra 4 lĩnh vực doanh nghiệp bắt buộc phải kiểm kê khí nhà kính ở Việt Nam, gồm: Năng lượng; xây dựng; nông lâm nghiệp, sử dụng đất; giao thông vận tải; các quá trình công nghiệp (sản xuất hóa chất, luyện kim, công nghiệp điện tử…); chất thải (quá trình chôn lấp, xử lý rác thải…).
Thông tin về các bước thực hiện báo cáo kiểm kê phát thải khí nhà kính, bà Hương nêu ra 6 bước: Thiết lập phạm vi, ranh giới của tổ chức và phạm vi báo cáo; thiết lập năm cơ sở; thực hiện kiểm kê khí nhà kính; quản lý chất lượng kiểm kê; xây dựng báo cáo; thẩm định báo cáo kiểm kê khí nhà kính.
Biến đổi khí hậu đã tác động đến mọi mặt như kinh tế, chính trị, ngoại giao, an ninh toàn cầu và trở thành thách thức lớn nhất đối với toàn nhân loại. Để ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu, các nước trên thế giới đang nỗ lực thực hiện chuyển đổi xanh một cách toàn diện.
Tại hội thảo, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, đơn vị tín dụng đã cùng thảo luận về các ý kiến, mô hình, tìm ra giải pháp tốt nhất cho các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi xanh.