Chi bạc triệu để gắp thú nhồi bông

Những máy gắp thú nhồi bông xuất hiện ở các trung tâm thương mại, phố đi bộ ngày càng thu hút đông đảo bạn trẻ, với một số người sẵn sàng chi cả triệu đồng để 'săn' những món đồ chơi này.

Từ trò chơi giải trí đến cơn "nghiện" khó kiểm soát?

Hồng Hạnh (24 tuổi, Hà Nội), một "tín đồ" của trò chơi gắp thú, chia sẻ: “Ban đầu mình chỉ định thử vài lần cho vui. Mỗi lần bỏ ra vài chục nghìn không thấy ảnh hưởng gì nhiều. Nhưng càng chơi lại càng hăng, hăng rồi lại càng muốn thắng, đặc biệt là khi các máy gắp thú cập nhật những mẫu thú bông hiếm hoặc có mẫu mã đẹp như Capybara, Labubu, Baby Three. Có hôm, mình đứng ở máy gắp hơn 2 tiếng, đến khi nhìn lại thì số tiền tiêu hết gần 2 triệu đồng,” Hạnh kể lại.

Không chỉ có những lần chi tiền “khủng” như vậy, Hạnh còn thường xuyên tranh thủ giờ nghỉ trưa để tìm đến các máy gắp gần công ty, với hy vọng thử vận may. Cô nàng nhớ lại: “Có hôm mình gắp mãi không được, bực mình nên cứ chơi liên tục. Tiền trong ví hết, mình còn chuyển khoản cho bạn để mượn thêm vài trăm nghìn. Khi gắp được con thú, mình vui thật, nhưng nghĩ lại số tiền đã bỏ ra thì không đáng chút nào", cô gái trẻ cười trừ.

Nhiều bạn trẻ đã chi hàng triệu đồng cho những máy gắp thú bông. (Ảnh: meii)

Nhiều bạn trẻ đã chi hàng triệu đồng cho những máy gắp thú bông. (Ảnh: meii)

"Từng tiêu hết nửa tháng lương vì máy gắp thú”

Thanh Mai (25 tuổi, TP.HCM) cũng là một “tay chơi” máy gắp thú nhồi bông có tiếng trong hội nhóm trên mạng xã hội. Mai bắt đầu đam mê này từ năm 2022, khi nhìn thấy những video gắp thú trên TikTok và YouTube. Ban đầu, cô gái trẻ chỉ coi đây là một trò chơi giải trí nhẹ nhàng, nhưng dần dần, việc gắp thú trở thành cơn "nghiện" khó bỏ.

“Thú nhồi bông ở máy gắp trông đáng yêu, cảm giác chiến thắng khi gắp được khiến mình không thể dừng lại. Có lần, mình vừa nhận lương được vài ngày đã tiêu hết sạch hơn 2 triệu đồng tiền gắp thú chỉ trong một buổi tối,” Mai kể lại.

Mai "săn lùng' từng địa điểm được quảng cáo là dễ thắng. (Ảnh: NVCC)

Mai "săn lùng' từng địa điểm được quảng cáo là dễ thắng. (Ảnh: NVCC)

Mai không ngại thừa nhận rằng cô nàng từng có khoảng thời gian "săn lùng" các cửa hàng có máy gắp thú được quảng cáo là dễ thắng. “Mình từng chạy xe hơn 10 km chỉ để đến một trung tâm thương mại có máy gắp mà người ta quảng cáo là "trúng 100%". Nhưng khi đến nơi, mình đã tiêu hơn 1 triệu mà chẳng gắp được gì”, cô nàng 25 tuổi nói với vẻ ngao ngán.

Cần tỉnh táo trước "cơn vui" nhất thời

Theo chuyên gia, Th.S Nguyễn Mạnh Tuấn, hiện đang làm việc tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương, hiện tượng "nghiện" máy gắp thú này xuất phát từ cơ chế “thưởng” của não bộ khi đạt được mục tiêu.

“Mỗi lần gắp được thú nhồi bông, não bộ sẽ tiết ra dopamine - một loại chất mang lại cảm giác hưng phấn. Điều này khiến người chơi dễ bị cuốn vào việc phải cố gắng gắp thêm để tiếp tục tận hưởng cảm giác chiến thắng, dẫn đến việc chi tiêu không kiểm soát,” ông giải thích.

“Máy gắp thú nhồi bông cũng được thiết kế để tạo ra cảm giác 'kỳ vọng cao'. Mỗi lần người chơi gắp hụt, họ nghĩ rằng chỉ cần thêm một lần nữa là sẽ thành công. Tâm lý này được gọi là ‘ảo giác kiểm soát’ – người chơi tin rằng mình có thể kiểm soát kết quả, dù thực tế xác suất thắng đã được lập trình sẵn để thấp hơn nhiều so với kỳ vọng,” ông cho biết thêm.

Máy gắp thú bông được thiết kế bắt mắt với đủ loại mẫu mã khác nhau. (Ảnh: sara jade)

Máy gắp thú bông được thiết kế bắt mắt với đủ loại mẫu mã khác nhau. (Ảnh: sara jade)

Thạc sĩ Nguyễn Mai Lan, chuyên viên marketing tại Công ty Cổ phần One Mount Group cho biết sự phổ biến của máy gắp thú nhồi bông có thể lý giải ở một số điểm chính:

“Các máy gắp thường được thiết kế bắt mắt. Những món đồ trong máy gắp cũng thường được lựa chọn kỹ lưỡng để hấp dẫn về mặt thị giác. Thú nhồi bông bên trong cũng thường có kích thước lớn, màu sắc sặc sỡ và thiết kế đáng yêu, tạo cảm giác ‘muốn sở hữu ngay lập tức’ cho người chơi,” chị phân tích.

Ngoài ra, chị cho biết, yếu tố quan trọng nhất là thiết kế cơ chế của máy gắp. “Cánh tay gắp thường được lập trình để nới lỏng hoặc không giữ chặt món đồ, khiến việc gắp trúng trở nên cực kỳ khó khăn. Tuy nhiên, đôi lúc máy sẽ cho người chơi ‘thắng’ ngẫu nhiên để duy trì động lực chơi tiếp. Đây là cách mà người chơi bị cuốn vào mà không hề hay biết,” chị nói.

Thạc sĩ cũng cho biết, các nhà kinh doanh thường tận dụng tâm lý “đã chơi thì phải thắng” để kéo dài thời gian và số tiền mà người chơi bỏ ra: “Họ biết cách làm cho món đồ khó gắp vừa đủ để người chơi không nản lòng, nhưng cũng không dễ dàng đến mức mất hứng thú".

Cả hai chuyên gia đều đồng ý rằng trò chơi gắp thú không xấu. Tuy nhiên, nếu lạm dụng, sẽ gây nguy cơ "nghiện". Chuyên gia Nguyễn Mạnh Tuấn khuyến nghị: “Nếu bạn muốn chơi để giải trí, hãy đặt ra giới hạn ngân sách rõ ràng và không bao giờ vượt quá số tiền đó. Quan trọng là phải biết dừng lại khi cảm thấy mình đang mất kiểm soát.”

Hiếu Nguyễn

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/chi-bac-trieu-de-gap-thu-nhoi-bong-post1697891.tpo