Chi cục Hải quan khu vực 2 vẫn quản lý hải quan sân bay Tân Sơn Nhất
Chi cục Hải quan khu vực 2 vẫn quản lý Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và Hải quan chuyển phát nhanh cho đến khi có phương án tổ chức hoạt động của Chi cục Hải quan khu vực 15 mới.
Mới đây, Cục Hải quan (Bộ Tài chính) đã ban hành công văn số 11835 triển khai quyết định quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị thuộc Cục Hải quan.
Theo danh sách ban hành kèm theo công văn này, chỉ còn 19 Chi cục Hải quan khu vực quản lý các hải quan cửa khẩu, ngoài cửa khẩu. Riêng Chi cục Hải quan khu vực 15 không quản lý hải quan cửa khẩu, ngoài cửa khẩu.
Trong đó, Chi cục Hải quan khu vực 2 (Cục Hải quan TP.HCM cũ) quản lý 21 đơn vị hải quan cửa khẩu, ngoài cửa khẩu.
Cụ thể, có Hải quan cửa khẩu cảng: Vũng Tàu, Cát Lở, Cái Mép, Phú Mỹ; Hải quan Côn Đảo được tiếp nhận từ Chi cục Hải quan khu vực 15 trước đây.
Và Hải quan cửa khẩu cảng tổng hợp Bình Dương; Hải quan cửa khẩu Khu công nghiệp: Việt Nam - Singapore, Mỹ Phước, Sóng Thần, Việt Hương; Hải quan Sóng Thần; Hải quan Thủ Dầu Một được tiếp nhận từ Chi cục Hải quan khu vực 16 trước đây.
Riêng Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và Hải quan chuyển phát nhanh vẫn thuộc quản lý của Chi cục Hải quan khu vực 2. Theo công văn này, Chi cục Hải quan khu vực 2 quản lý hai đơn vị này cho đến khi có phương án tổ chức hoạt động của Chi cục Hải quan khu vực 15 mới.

Chi cục Hải quan khu vực 2 vẫn quản lý Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và Hải quan chuyển phát nhanh. Ảnh: M.T
Cũng theo công văn, Cục Hải quan yêu cầu Chi cục trưởng các Chi cục hải quan khu vực chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện tiếp nhận nhiệm vụ, quyền hạn, nghĩa vụ, trụ sở và địa bàn quản lý của hải quan cửa khẩu, ngoài cửa khẩu theo quy định. Đảm bảo không để ngắt quãng công việc, không để bỏ trống địa bàn, lĩnh vực, không để ảnh hưởng đến việc giải quyết thủ tục hải quan.
Các Chi cục Hải quan khu vực rà soát, đánh giá khối lượng công việc theo địa bàn quản lý mới để phân bổ biên chế phù hợp, hiệu quả; cân đối, bố trí biên chế giữa các phòng, đơn vị tham mưu và các Hải quan cửa khẩu, ngoài cửa khẩu. Đảm bảo việc thực hiện quy trình thủ tục hải quan theo đúng quy định, không để xảy ra sai sót, vi phạm.
Ngoài ra, để tránh xáo trộn khi sắp xếp tổ chức bộ máy, Cục Hải quan giữ nguyên địa bàn quản lý của các hải quan cửa khẩu, ngoài cửa khẩu như hiện nay.
Thời gian tới, Cục Hải quan sẽ có hướng dẫn cụ thể để các đơn vị báo cáo, trình Cục Hải quan xem xét, quy định địa bàn quản lý của các hải quan cửa khẩu, ngoài cửa khẩu.
Trước đó, ngày 11-6, Bộ Tài chính ban hành Quyết định 2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 382 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Hải quan.
Theo quyết định 2019, có 20 đơn vị hải quan hoạt động sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh. Tại quyết định này, Bộ Tài chính cũng có lưu ý Chi cục Hải quan khu vực 2 (Cục Hải quan TP.HCM cũ) không quản lý sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Long Thành và Hải quan chuyển phát nhanh tại TP.HCM, các đơn vị này sẽ thuộc địa bàn quản lý của Chi cục Hải quan khu vực 15.
21 đơn vị hải quan cửa khẩu, ngoài cửa khẩu thuộc Chi cục Hải quan khu vực 2
1. Hải quan Khu công nghệ cao
2. Hải quan Khu chế xuất Linh Trung
3. Hải quan Khu chế xuất Tân Thuận
4. Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1
5. Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 2
6. Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 3
7. Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 4
8. Hải quan cửa khẩu cảng Vũng Tàu
9. Hải quan cửa khẩu cảng Cát Lở
10. Hải quan cửa khẩu cảng Phú Mỹ
11. Hải quan cửa khẩu cảng Cái Mép
12. Hải quan Côn Đảo
13. Hải quan cửa khẩu cảng tổng hợp Bình Dương
14. Hải quan Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore
15. Hải quan Khu công nghiệp Mỹ Phước
16. Hải quan Khu công nghiệp Sóng Thần
17. Hải quan Sóng Thần
18. Hải quan Thủ Dầu Một
19. Hải quan Khu công nghiệp Việt Hương
20. Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất
21. Hải quan chuyển phát nhanh