Dừng sử dụng vốn ODA của Ngân hàng Tái thiết Đức cho dự án metro Bến Thành - Tham Lương
Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định về việc dừng sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài của Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) đối với dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 TP Hồ Chí Minh (Bến Thành - Tham Lương) như kiến nghị của UBND TP Hồ Chí Minh.

Triển khai thi công các hạng mục di dời hạ tầng kỹ thuật và triển khai thi công đào hở tại một số nhà ga. Ảnh: Mạnh Linh/Báo Tin tức và Dân tộc
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ quyết định dừng sử dụng toàn bộ vốn vay thuộc Thỏa thuận vay và viện trợ số 1 ngày 1/3/2011 và Thỏa thuận vay và viện trợ số 2 ngày 4/6/2011 của Ngân hàng Tái thiết Đức với tổng giá trị là 155 triệu EUR; dừng sử dụng hơn 66,2 triệu EUR vốn ODA không hoàn lại thuộc Thỏa thuận vay và viện trợ số 2 của Ngân hàng Tái thiết Đức.
Quyết định cũng giao UBND TP Hồ Chí Minh sử dụng phần vốn ODA không hoàn lại còn lại thuộc Thỏa thuận vay và viện trợ số 2 theo đúng quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan thanh tra, kiểm toán về thông tin, số liệu báo cáo và các đề xuất, kiến nghị liên quan.
UBND TP Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm bố trí ngân sách địa phương để thanh toán toàn bộ phí, cam kết phát sinh và các chi phí khác (nếu có) do việc dừng sử dụng vốn vay cho dự án theo thông báo của KfW cho đến khi hoàn thành thủ tục với ngân hàng này.
Thành phố cũng khẩn trương phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan thực hiện các thủ tục điều chỉnh Thỏa thuận vay và viện trợ số 2 với KfW cho dự án theo quy định; chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính thực hiện các thủ tục về việc bố trí đủ kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn và hàng năm (vốn nước ngoài và vốn đối ứng), bảo đảm hoàn thành giải ngân cho dự án.
Với chiều dài hơn 11 km, dự án metro số 2 có tổng mức đầu tư 47.890 tỷ đồng, phần lớn là vốn vay ODA từ 3 nhà tài trợ là Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng tái thiết Đức (KfW), Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB). Trong quá trình triển khai, dự án gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Dự án metro Bến Thành - Tham Lương có 8 gói thầu xây lắp chính, trong đó gói thầu CP1 (xây dựng tòa nhà văn phòng và các công trình phụ trợ tại depot Tham Lương) đã hoàn thành, đưa vào sử dụng. Các gói thầu còn lại đang được cập nhật, rà soát điều chỉnh.
Sau khi dừng sử dụng vốn ODA, dự án dự kiến chuyển sang đầu tư công từ ngân sách thành phố và bổ sung quy mô (bao gồm công trình kết nối đồng bộ tuyến metro số 1, số 2 tại ga Trung tâm Bến Thành).
Dự án cũng sẽ áp dụng cơ chế đặc thù, đặc biệt theo Nghị quyết số 188/2025/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.
Vừa qua, lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh đã giao Ban Quản lý Đường sắt đô thị Thành phố (chủ đầu tư) phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Tài chính triển khai các bước chuẩn bị liên quan đến cơ chế đặc thù, lựa chọn tư vấn và nhà thầu EPC cho dự án.
Sở Xây dựng được giao chủ trì tham mưu điều chỉnh dự án mà không cần điều chỉnh chủ trương đầu tư; đồng thời nghiên cứu sử dụng thiết kế kỹ thuật FEED thay cho thiết kế cơ sở nhằm rút ngắn thời gian chuẩn bị và thúc đẩy tiến độ các bước lập, thẩm định hồ sơ mời thầu, dự toán, xử lý hợp đồng tư vấn. Sở Tài chính được giao đề xuất phương án bố trí vốn ngân sách cho hai kỳ trung hạn 2026 - 2030 và 2031 - 2035.