Chị em đua nhau khoe mâm cúng Tết Đoan ngọ đẹp và công phu
Hình ảnh những mâm cúng Tết Đoan ngọ được trang trí đẹp mắt liên tục gây sốt trên các diễn đàn, nhận được 'cơn mưa' lời khen từ cộng đồng mạng.
Mâm cúng Tết Đoan ngọ 5/5 Âm lịch được chuẩn bị chu đáo thể hiện tấm lòng biết ơn chân thành đối với tổ tiên, thần linh, cầu mong sức khỏe và may mắn cho cả gia đình. Theo truyền thống, mâm cúng Tết Đoan ngọ có rượu nếp, nếp cẩm, bánh gio (hay bánh tro), mận hậu, vải, cốm, hoa sen, hoa cau, và trầu cau.
Tùy vào từng vùng miền, địa phương và sự sáng tạo của gia chủ mà thành phần trên mâm lễ có sự khác biệt. Chính sự đa dạng về văn hóa, phong tục tập quán và cả màu sắc hiện đại hóa của người thực hiện tạo nên nét đặc sắc cho mỗi mâm cúng Tết Đoan ngọ. Có gia đình ưa chuộng sự đơn giản, nhiều nhà khác lại cầu kỳ, tinh tế trong từng món ăn và cách bài trí.
Trên nhiều diễn đàn nội trợ, nhiều phụ nữ khéo tay, đảm đang đã khoe mâm cúng Tết Đoan ngọ từ mấy ngày cuối tháng 4 Âm lịch, được hội chị em xem là "văn mẫu" để tham khảo, chuẩn bị cho lễ cúng của gia đình mình. Dưới đây là một số mâm lễ có số lượt tương tác lớn trên mạng xã hội:

Mâm cúng Tết Đoan ngọ đẹp như tranh của một bà mẹ đảm Hà thành với rượu nếp, nếp cẩm, bánh gio, mận hậu, vải thiều, xôi cốm, xôi ngũ sắc... Hoa tươi cũng đa dạng, gồm hoa sen, hoa cau, hoa dẻ. (Ảnh: Vũ Thu Hương)

Một mâm lễ dâng lên ban thờ gia tiên dịp Tết Đoan Ngọ tuy đơn giản nhưng trang trọng, không thể thiếu các trái cây nóng như vải, mận và cơm rượu nếp - món ăn mà dân gian tin là giúp diệt sâu bọ. (Ảnh: Vũ Thu Hương)

Mâm lễ 5/5 Âm lịch ngập tràn hương vị mùa hạ, với những thức quà thơm thảo và tinh tế của người Hà Nội như xôi cốm, bánh xu xê. (Ảnh: Vũ Thu Hương)

Ngày Tết Đoan ngọ đến đúng vào mùa sen, nhiều chị em mua sen trắng, sen hồng dâng lễ, vừa đẹp, thơm vừa có ý nghĩa. (Ảnh: Đỗ Thu Ngọc)

Mâm cúng được sắp xếp tỉ mỉ, đầy màu sắc và cũng thịnh soạn với trái cây, rượu nếp, bánh trái, trầu cau... (Ảnh: Đỗ Thu Ngọc)

Mâm cỗ cúng Tết Đoan ngọ này đậm chất truyền thống, không chỉ có xôi cốm, bánh khảo, hoa nhài... mà còn có những miếng trầu têm cánh phượng tuyệt đẹp. (Ảnh: Vân Hà Hoàng)

Những chiếc lá sen được dùng thay mâm là nét tinh tế của mâm lễ mang trưng của miền Bắc này. Lễ vật gồm rượu nếp, bánh xu xê, bánh gio, xôi cốm, trầu cau và ấm trà được bày biện đẹp mắt, tỏa hương thơm của hoa sen, hoa cau. (Ảnh: Nguyễn Hồng Thúy)

Sự đầy đặn của mâm cỗ này thể hiện tấm lòng thơm thảo, hiếu kính của chủ nhân. (Ảnh: Phạm Thu Huyền)

Màu xanh mát mắt là ấn tượng rõ nhất của mâm cỗ này. Đó là màu của lá sen, gương sen, lá trầu, của hoa cau, oản xôi cốm, bánh xu xê... Người ngắm ảnh cũng cảm nhận được hương thơm thanh khiết nhẹ nhàng từ sen. (Ảnh: Phạm Thu Huyền)

Chủ nhân mâm cỗ Tết Đoan ngọ này chuẩn bị hai loại hoa sen là sen super và sen táo trắng, rượu nếp cũng có hai loại là nếp cái hoa vàng và nếp cẩm. Ngoài các món ăn truyền thống như bánh gio mật mía, mận hậu, vải, đào... còn có cả trầu têm cánh phượng, tất cả đặt trên "mâm" lá sen. (Ảnh: Ngọc Phượng)

Mâm lễ gồm có rượu nếp, đào, thị, xôi cốm, bánh cốm, bánh khảo và các loại hoa thơm, hoa sen. (Ảnh: Hoàng Thảo)

Hương hoa nhài, hoa sen thơm ngát hòa cùng mùi rượu nếp, mùi mật mía bánh gio khiến mâm lễ cúng Tết Đoan ngọ này được nhiều cư dân mạng khen ngợi. (Ảnh: Loan Trần)

Mâm lễ cho ngày 5/5 Âm lịch này tuy đơn giản nhưng trang trọng với quả roi, đào, vải, mận, thêm bánh tro, bánh xu xê, cơm rượu... được đặt trong giỏ đan và chiếc mẹt nhỏ dân dã. (Ảnh: Mai San)

Mâm lễ đủ đầy, đẹp mắt mà không tốn quá nhiều thời gian chuẩn bị. (Ảnh: Phương Trần)

Màu sắc của lễ vật và sự ngay ngắn, chỉn chu của bộ đĩa xinh xắn giúp chủ nhân mâm cúng Tết Đoan ngọ bù đắp cho sự đơn giản. (Ảnh: Thùy Linh)

Mâm cúng Tết Đoan ngọ đặc trưng ở Huế với món thịt vịt, chè kê. (Ảnh: Nhi Trương)

Nếu như nhiều người cho rằng sầu riêng là loại trái cây không nên dùng để thắp hương, gia đình này vẫn không ngại coi đây là món ăn diệt sâu bọ trong mâm cúng Tết Đoan ngọ. (Ảnh: Đào Lan Phương)