Chi phí tái chế ở Việt Nam chiếm 40% lợi nhuận, doanh nghiệp than trời

Doanh nghiệp đang rất lo lắng trước định mức chi phí tái chế (Fs) phải đóng theo đề xuất của Bộ Tài nguyên và Môi trường quá cao, thậm chí chiếm tới 40% lợi nhuận. Theo các doanh nghiệp, định mức tái chế và phí quản lý hành chính vẫn cao, chưa phù hợp với tình hình thực tế doanh nghiệp Việt Nam, nhất là trong bối cảnh khó khăn hiện tại, cần tiếp tục tính toán lại.

 Chi phí tái chế ở Việt Nam chiếm 40% lợi nhuận. (Ảnh: Vũ Khuê)

Chi phí tái chế ở Việt Nam chiếm 40% lợi nhuận. (Ảnh: Vũ Khuê)

Phí tái chế chiếm 40% lợi nhuận doanh nghiệp

Tại Hội thảo góp ý về định mức chi phí tái chế và chính sách về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu ở Việt Nam do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp tổ chức gần đây, đại diện các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp đều cho rằng, định mức chi phí tái chế trong Dự thảo Đề xuất định mức chi phí tái chế Fs và chi phí quản lý hành chính hỗ trợ tái chế và xử lý chất thải (Dự thảo) còn khá cao và bất hợp lý.

Theo đó, định mức chi phí tái chế mà doanh nghiệp phải đóng để tái chế bao bì: Chi phí tái chế nhựa là 10.000 đồng/kg và Fs là 0,3 thì doanh nghiệp phải đóng 0,3 x 10.000 = 3.000 đồng cho mỗi kg bao bì nhựa sử dụng.

Như vậy, giá sản phẩm sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân, với mức Fs đề xuất cho chai nhựa cứng PET, giá thành mỗi chai nước 500ml bị tăng lên 61 đồng, tương đương mức tăng giá 1,62%. Đó là còn chưa kể đến bao bì các tông, thùng đựng, phương tiện vận chuyển… đều phải đóng góp phí tái chế, khiến mức tăng giá có thể phải tăng gấp đôi mức nêu trên.

Bà Nguyễn Hồng Mỹ - Tổng thư ký Hiệp hội Nhựa Việt Nam cũng nhìn nhận: Ngành tái chế nhựa Việt Nam mới bước vào giai đoạn đầu, đang gặp nhiều khó khăn, ngành bao bì nhựa là ngành gia công với công nghệ đơn giản, dễ làm nên biên lợi nhuận rất thấp, chỉ xoay quanh khoảng 5%, hay khoảng 10 tỷ đồng/năm cho doanh nghiệp có quy mô trung bình 200 tỷ doanh số mỗi năm. Với mức phí Fs như đề xuất tại Dự thảo thì chỉ riêng tiền đóng góp tái chế đã chiếm gần 40% lợi nhuận của doanh nghiệp. Lãi đã ít, đóng góp lại lớn, ngành nhựa Việt nam đứng trước nguy cơ chưa kịp lớn đã teo tóp.

Tương tự, ông James Ollen - Giám đốc điều hành của Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam TP HCM (AmCham Việt Nam) lo ngại định mức chi phí tái chế cao sẽ dẫn đến việc giá cả hàng hóa tăng cao. Điều này không chỉ gây khó khăn cho sản xuất kinh doanh mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người dân.

Ông James Ollen kiến nghị các bao bì, sản phẩm có giá trị tái chế cao chỉ nên để hệ số 0,1 để hỗ trợ việc thu gom, tái chế ở vùng sâu, vùng xa, nhưng không nên cao hơn mức này.

Bà Chu Thị Vân Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội bia rượu nước giải khát Việt Nam (VBA) kiến nghị: Tất cả các doanh nghiệp đều ủng hộ việc tái chế bao bì, tận dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, tuy nhiên tới 80% doanh nghiệp cho biết còn gặp nhiều khó khăn trong thực hiện. Do đó, nên áp dụng hệ số điều chỉnh 0 hoặc 0,1 cho các bao bì, sản phẩm có giá trị vật liệu thu hồi cao hơn chi phí tái chế như kim loại, giấy các tông, nhựa cứng theo đúng nguyên tắc kinh tế tuần hoàn.

Với các vật liệu khác, đề nghị áp dụng hệ số 0,2 cho chai lọ thủy tinh áp dụng hệ số 0,2 hoặc 0,3 cho giấy hỗn hợp, hệ số 0,3 cho bao bì đơn vật liệu mềm, 0,5 cho bao bì đa vật liệu mềm để Fs không bị quá cao.

Đối với các vật liệu có giá trị thu hồi thấp như bao bì ni-lon, bao bì giấy hỗn hợp rất cần đóng góp để hỗ trợ cho nhà tái chế nhưng giá trị Fs cần hợp lý. Các hiệp hội đề xuất Fs: Bao bì giấy hỗn hợp 2.575đ/kg; bao bì đa vật liệu mềm 4.378đ/kg; bao bì đơn vật liệu mềm, ngoại trừ túi ni-lon 1.802đ/kg, căn cứ Fs PRO Việt Nam.

Cùng đó, bỏ chi phí quản lý hành chính 2% khỏi đề xuất Fs. Để triển khai hiệu quả chính sách trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, cộng đồng doanh nghiệp đề xuất: Cho phép các doanh nghiệp thực hiện kết hợp cả hình thức tự tái chế và nộp tiền hỗ trợ tái chế đối với một loại bao bì/sản phẩm trong cùng năm.

Thay đổi cách nộp từ tạm ứng trước vào đầu năm 2024 sang quyết toán theo số lượng thực tế khi kết thúc năm 2024 để vẫn thực hiện đầy đủ trách nhiệm với môi trường mà giảm được khó khăn cho doanh nghiệp.

Đối với phần bao bì đã sử dụng vật liệu tái chế tại Việt Nam được tính hệ số điều chỉnh Fs bằng 0 để khuyến khích doanh nghiệp sử dụng vật liệu tái chế trong bao bì; xây dựng cơ chế ưu tiên/khuyến khích đối với các loại nguyên vật liệu thân thiện với môi trường làm bao bì; trong hai năm đầu (2024 và 2025) hướng dẫn thi hành, chưa xử phạt, có cơ chế tạo thị trường cho vật liệu tái chế.

Chi phí tái chế ở Việt Nam cao hơn châu Âu

Theo bà Chu Thị Vân Anh - Phó Chủ tịch VBA, dù dự thảo ngày 26/7 đã có điều chỉnh giảm một số định mức chi phí tái chế nhưng định mức tái chế (Fs) của Việt Nam vẫn cao hơn trung bình 14 nước Tây Âu là các nước rất phát triển. Ví như Fs dự thảo của nhôm cao gấp 1,26 lần, của thủy tinh cao hơn 2,12 lần.

Đồng quan điểm, ông James Ollen - Giám đốc Điều hành của AmCham Việt Nam thông tin: Fs trong Dự thảo còn cao hơn nhiều mức trung bình Fs của 13 nước Tây Âu. Định mức chi phí tái chế cao sẽ dẫn đến việc giá cả hàng hóa tăng cao, gây khó khăn cho sản xuất - kinh doanh và ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người dân, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay.

Trong khi đó, ông Phan Tuấn Hùng - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Chi phí tái chế được tính dựa vào khảo sát thực tế tại các doanh nghiệp tái chế.

Về vấn đề định mức tái chế đang cao hơn so với trung bình các nước, ông Nguyễn Minh Khoa, cán bộ Văn phòng EPR quốc gia cho biết: Việc so sánh định mức tái chế (Fs) với các nước trên thế giới chỉ mang tính tham khảo bởi cơ cấu, cách thức tính phí, mục tiêu về tài chính, môi trường rất khác nhau...

Ngô Sơn

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/chi-phi-tai-che-o-viet-nam-chiem-40-loi-nhuan-doanh-nghiep-than-troi-346210.html