Chỉ thị 20 và cuộc 'giải cứu' bầu không khí Hà Nội

Quý III/2025, Hà Nội sẽ chuẩn hóa vùng phát thải thấp theo Luật Thủ đô và Chỉ thị 20, kiểm soát nghiêm ngặt khí thải từ giao thông, công nghiệp và sinh hoạt, hướng tới giảm ô nhiễm không khí và cải thiện chất lượng sống đô thị.

Chiều 15/7, Tọa đàm "Quyết liệt bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân Thủ đô" đã được tổ chức trong bối cảnh mới đây, ngày 12/7/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg chỉ đạo các bộ ngành, địa phương về một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường. Với thành phố Hà Nội, Chỉ thị 20 nêu một loạt giải pháp về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực giao thông đô thị, trong lĩnh vực xử lý nước thải, chất rắn.

Tình trạng ô nhiễm có chiều hướng gia tăng

Phát biểu tại tọa đàm, ông Hoàng Văn Thức - Cục trưởng Cục Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) nhấn mạnh tính cấp bách và toàn diện trong chỉ đạo của Thủ tướng tại Chỉ thị 20 về tăng cường quản lý chất lượng môi trường.

Ông Hoàng Văn Thức - Cục trưởng Cục Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường).

Ông Hoàng Văn Thức - Cục trưởng Cục Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường).

Dẫn dữ liệu từ mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia, ông Thức cho biết: "Giai đoạn trước năm 2019, chất lượng không khí tại một số đô thị lớn như Hà Nội đã bắt đầu có dấu hiệu suy giảm. Trong hai năm đại dịch COVID-19, do hoạt động sản xuất, giao thông bị hạn chế, chất lượng không khí cải thiện rõ rệt". Tuy nhiên, xu hướng này không duy trì được lâu.

"Sang năm 2023, đặc biệt là 2024, khi nền kinh tế phục hồi mạnh, đường cong ô nhiễm không khí tại nhiều thành phố, trong đó có Hà Nội, bắt đầu đi lên trở lại", ông nói. Theo Cục trưởng Cục Môi trường, đợt ô nhiễm kéo dài từ tháng 10/2024 đến tháng 4/2025 tại Hà Nội và một số đô thị lớn là lời cảnh báo rõ ràng: "Nếu không kiểm soát tốt phát thải, chất lượng không khí sẽ tiếp tục suy giảm".

Dưới góc nhìn chuyên gia y tế, ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế) nhận định, ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm không khí, đang tác động nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng, nhất là tại các đô thị lớn như Hà Nội.

Trong các tác nhân gây hại, bụi mịn PM2.5 được coi là nguy hiểm hàng đầu. "Loại bụi này tác động trực tiếp đến hệ hô hấp, làm trầm trọng hơn các bệnh lý như hen suyễn, viêm phế quản mãn tính, đặc biệt đối với trẻ nhỏ, người cao tuổi và phụ nữ mang thai", ông Sơn nói.

Không chỉ dừng ở đó, ô nhiễm còn ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều hệ cơ quan khác. Theo ông Sơn, các hóa chất và bụi siêu mịn có thể thâm nhập vào hệ tuần hoàn, gây xơ vữa động mạch, làm tăng nguy cơ cao huyết áp, nhồi máu cơ tim, đột quỵ.

Xây dựng lộ trình kiểm chuẩn khí thải với xe máy

Theo ông Dương Đức Tuấn - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, việc triển khai Luật Thủ đô 2024, trong đó có Điều 28 về vùng phát thải thấp, thành phố đã ban hành một Nghị quyết vào cuối năm 2024, trong đó quy định rõ phạm vi, quy trình và cơ chế thiết lập vùng phát thải thấp.

Ông Dương Đức Tuấn - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội.

Ông Dương Đức Tuấn - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội.

Thời điểm đó, việc triển khai tập trung chủ yếu tại một số quận trung tâm đã từng thí điểm như Ba Đình, Hoàn Kiếm. Theo tinh thần Chỉ thị 20 và Luật Thủ đô, thành phố sẽ tiếp tục hoàn thiện và kiện toàn nội dung này.

Theo lộ trình, trong quý III/2025, TP. Hà Nội sẽ hoàn tất việc chuẩn hóa hệ thống vùng phát thải thấp. "Chúng tôi xác định phải kiểm soát theo các vành đai, gồm Vành đai 1, Vành đai 2 và Vành đai 3", ông Tuấn nói.

Lấy ví dụ về Vành đai 1, ông Tuấn cho biết, trước đây khu vực này bao gồm 5 quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa và Tây Hồ. Sau khi sắp xếp lại đơn vị hành chính, khu vực này hiện bao gồm 9 phường, toàn bộ đều nằm trong vùng kiểm soát phát thải. Vành đai 1 có quy mô khoảng 31 km², chu vi khoảng 25km, dân số khoảng 600.000 người, đây chắc chắn sẽ là vùng phát thải thấp có kiểm soát nghiêm ngặt.

Sau đó, thành phố sẽ tiếp tục mở rộng ra Vành đai 2 và Vành đai 3, đồng bộ với các nhiệm vụ trong Chỉ thị 20. Việc xác định vùng phát thải thấp sẽ đi kèm với hệ thống quy định toàn diện về tác nhân gây ô nhiễm, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc kiểm soát phương tiện giao thông cá nhân, nguồn phát thải chính tại đô thị.

Không chỉ dừng ở giao thông, các nguồn phát thải khác cũng sẽ được kiểm soát chặt chẽ, bao gồm cả hoạt động sản xuất công nghiệp và hành vi đốt rơm rạ. "Trước đây, Hà Nội từng tồn tại tình trạng sử dụng than tổ ong. Hiện nay, thành phố đã xử lý hoàn toàn, đạt 100%", ông Tuấn nhấn mạnh. Các vấn đề ô nhiễm từ rác thải sinh hoạt, chất thải rắn nguy hại hay ô nhiễm các dòng sông, ao hồ cũng nằm trong nhóm nguyên nhân cần được xử lý triệt để.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, theo số liệu, phương tiện giao thông chiếm khoảng 54-75% tổng lượng phát thải gây ô nhiễm không khí, thành phố lấy mức trung bình là khoảng 60%. Do đó, nhiệm vụ đặt ra là phải xây dựng các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật cụ thể để kiểm soát các phương tiện cũ, giới hạn phát thải theo từng ngưỡng. Đây sẽ là nền tảng quan trọng trong quá trình thiết lập và vận hành hiệu quả vùng phát thải thấp tại Hà Nội.

Theo Cổng thông tin quan trắc môi trường (Bộ NN&MT), chỉ số AQI của Hà Nội tính đến 16:00 ngày 15/7 ở mức 130.

Theo Cổng thông tin quan trắc môi trường (Bộ NN&MT), chỉ số AQI của Hà Nội tính đến 16:00 ngày 15/7 ở mức 130.

Theo ông Hoàng Văn Thức - Cục trưởng Cục Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), Chỉ thị 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ giao nhiều nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt tập trung vào kiểm soát ô nhiễm tại các đô thị lớn như Hà Nội. Riêng với Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Chỉ thị giao 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, sẽ được triển khai ngay trong tuần tới.

Trước hết, Bộ được giao phối hợp các bộ, ngành, địa phương rà soát, đánh giá lại toàn bộ các văn bản chỉ đạo trước đây liên quan đến môi trường như Quyết định 1973/QĐ-TTg, Chỉ thị 02, 03, 41… nhằm xác định tiến độ, trách nhiệm và nguyên nhân nếu chậm triển khai. Báo cáo rà soát sẽ hoàn thành trong quý III/2025.

Tiếp đó, Bộ sẽ hoàn thiện các cơ chế chính sách, hệ thống quy chuẩn môi trường quốc gia. Cụ thể, quy chuẩn khí thải đối với mô tô, xe máy sẽ được ban hành sớm, hướng tới việc Hà Nội bắt đầu kiểm chuẩn xe máy từ 1/7/2027. Việc này đòi hỏi đầu tư cơ sở vật chất, chính sách hỗ trợ và nguồn lực từ ngân sách Trung ương đến địa phương.

Song song, Bộ đang xây dựng hệ thống quan trắc và cảnh báo chất lượng không khí tương tự bản tin thời tiết, nhằm cung cấp thông tin hằng ngày cho người dân.

Bộ cũng hoàn thiện Kế hoạch hành động quốc gia về không khí sạch giai đoạn 2025–2030. Mục tiêu đến năm 2030, Hà Nội giảm 20% nồng độ bụi mịn PM2.5 so với năm 2024 – tức từ mức trung bình 47 µg/m³ xuống dưới 38 µg/m³. "Đây là thách thức lớn, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và người dân," ông Thức nhấn mạnh.

Nguyễn Phương Anh

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/chi-thi-20-va-cuoc-giai-cuu-bau-khong-khi-ha-noi-204250715165429619.htm