Chỉ thị 39-CT/TW - Nâng cao chất lượng cuộc sống người dân
Nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển trong bối cảnh mới, ngày 30/10/2024, Ban Bí thư Trung ương Ðảng ban hành Chỉ thị số 39-CT/TW về nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách trong giai đoạn mới. Chỉ thị số 39-CT/TW (Chỉ thị 39) tiếp nối thành công của Chỉ thị 40-CT/TW trước đó được triển khai đã góp phần quan trọng vào công cuộc giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Ðây là một trong những giải pháp quan trọng của Ðảng và Nhà nước để đảm bảo an sinh xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Ðòn bẩy phát triển
Ðánh giá về kết quả thực hiện tín dụng chính sách (TDCS), ông Ðỗ Ca Sil, Phó giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Năm Căn, cho biết, thời gian qua, nguồn vốn TDCS đã được giải ngân rộng rãi và đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân, đặc biệt là hộ nghèo và cận nghèo. Bà con đã sử dụng nguồn vốn này để phát triển các mô hình sản xuất, tạo việc làm, nâng cao đời sống.
Tính đến cuối năm 2024, tổng dư nợ TDCS tại huyện Năm Căn đạt hơn 420 tỷ đồng, tập trung vào các chương trình hỗ trợ tạo việc làm, cấp nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn và hỗ trợ hộ mới thoát nghèo. Các chương trình tín dụng này không chỉ góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong huyện mà còn mang lại hiệu quả rõ rệt trong việc cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân, nhất là ở các khu vực khó khăn.
![Việc giao dịch và giải ngân tại xã tạo điều kiện cho người dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_621_51466853/95b0b512845c6d02344d.jpg)
Việc giao dịch và giải ngân tại xã tạo điều kiện cho người dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách.
Ông Phùng Trường Nguyên, Phó chủ tịch UBND thị trấn Năm Căn, chia sẻ: "Chúng tôi luôn tích cực phối hợp với NHCSXH để hỗ trợ người dân vay vốn phát triển kinh tế, đồng thời tổ chức đào tạo nghề để người dân có thể tự tạo công ăn việc làm. Nhờ sự nỗ lực này, thị trấn đã giảm được 37 hộ nghèo, hiện còn lại 64 hộ, tỷ lệ hộ nghèo thấp hơn mức trung bình của tỉnh".
Hộ bà Phạm Thị Manh là hộ cận nghèo tại ấp Cái Nai, thị trấn Năm Căn. Bà Manh cho biết: "Trước đây cuộc sống của tôi gặp rất nhiều khó khăn. Từ khi nhận được khoản vay 50 triệu đồng từ NHCSXH huyện, tôi đã đầu tư vào chăn nuôi vịt, nhờ đó thu nhập ổn định và cải thiện cuộc sống. Nếu không có nguồn vốn này, tôi không thể phát triển kinh tế như hiện nay".
![Bà Phạm Thị Manh vươn lên từ mô hình nuôi vịt. Ảnh: Trầm Nghĩ](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_621_51466853/6d974835797b9025c96a.jpg)
Bà Phạm Thị Manh vươn lên từ mô hình nuôi vịt. Ảnh: Trầm Nghĩ
Hoàn cảnh tương tự, hộ anh Trần Thanh Sử, Khóm 4, thị trấn Năm Căn, trước đây là hộ nghèo, đã vươn lên ổn định cuộc sống nhờ nguồn vốn vay 30 triệu đồng từ TDCS. "Với đồng vốn này, gia đình mua gà, vịt về bán. Bây giờ, cuộc sống của gia đình tôi ổn định hơn và đã thoát nghèo", anh Sử chia sẻ.
TDCS không chỉ giúp giảm nghèo mà còn tạo tiền đề vững chắc cho sự phát triển bền vững tại huyện Năm Căn. Tuy nhiên, theo ông Phùng Trường Nguyên, mặc dù đã có những thành công nhất định, nhưng nguồn vốn hỗ trợ giải quyết việc làm vẫn còn hạn chế. Chính quyền địa phương sẽ tiếp tục nỗ lực phối hợp cùng NHCSXH để mở rộng các chương trình tín dụng cho những đối tượng cần giúp đỡ.
Ông Ðỗ Ca Sil cho biết, thời gian tới, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện sẽ tiếp tục tăng cường các nguồn vốn, đặc biệt là vốn giải quyết việc làm, để tạo cơ hội cho những hộ còn khó khăn, thiếu việc làm vươn lên phát triển.
Hiệu quả TDCS trong giai đoạn mới
Ông Nguyễn Thanh Ðồng, Phó giám đốc NHCSXH tỉnh, nhận định, các quan điểm trong Chỉ thị 39 có tính sáng tạo và nhân văn sâu sắc. Chỉ thị 39 không chỉ là công cụ hỗ trợ phát triển kinh tế, mà còn gắn liền với mục tiêu xây dựng một xã hội công bằng và tiến bộ. TDCS giúp người dân tự chủ trong phát triển sản xuất và cải thiện đời sống, từ đó tạo ra sự công bằng và giảm nghèo hiệu quả.
Chỉ thị 39 khẳng định rõ vai trò và trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc triển khai và nâng cao hiệu quả TDCS, đồng thời gắn liền với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ðặc biệt, Chỉ thị 39 cũng nhấn mạnh việc mở rộng phạm vi, quy mô, đối tượng và nâng mức cho vay sao cho phù hợp với các tình huống thực tế, nhất là trong việc hỗ trợ các đối tượng chịu ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, học sinh, sinh viên nghèo và những trường hợp khẩn cấp khác.
Sau hơn 3 tháng được triển khai, Chỉ thị 39 tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của TDCS trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, nhất là ở những vùng khó khăn. Các chương trình TDCS không chỉ giúp người dân thoát nghèo mà còn góp phần xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Ông Nguyễn Thanh Ðồng cho biết, thời gian tới, NHCSXH tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai Chỉ thị 39, nhằm đưa các chính sách tín dụng vào đời sống thực tế. Chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, lãnh đạo và chỉ đạo việc nghiên cứu, quán triệt nội dung của Chỉ thị 39 đến toàn thể đảng viên, cán bộ và Nhân dân, nhằm nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của TDCS xã hội và trách nhiệm của các tổ chức chính trị - xã hội trong việc triển khai và thực hiện các chương trình tín dụng./.