Chỉ thị số 40-CT/TW: 'Cánh tay' nối dài của Đảng trong công cuộc giảm nghèo bền vững (Bài 3)
Nhiều kết quả quan trọng đạt được trong 10 năm triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tín dụng chính sách xã hội đang và sẽ trở thành điểm tựa để các cấp ủy, chính quyền trên địa bàn tỉnh Hòa Bình tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhằm đưa hoạt động tín dụng chính sách phát triển bền vững.
Bài 3: Để tín dụng chính sách tiếp tục phát huy hiệu quả trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Những con số biết nói sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW
Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, tỉnh Hòa Bình đã chứng minh rằng tín dụng chính sách thực sự là “Kim chỉ nam” trong cuộc chiến xóa đói giảm nghèo, mở rộng cơ hội phát triển bền vững cho người dân. Dưới sự dẫn dắt của NHCSXH, nguồn vốn tín dụng ưu đãi không chỉ là cầu nối của chính sách mà còn là “đòn bẩy” quan trọng, thắt chặt mối liên kết giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân, cùng chung tay đẩy lùi đói nghèo, tạo việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống và xây dựng nông thôn mới.
Hiện tại, tỉnh Hòa Bình đang triển khai 20 chương trình tín dụng chính sách. Trong 10 năm qua đã giải ngân trên 14.153 tỷ đồng với hơn 684,2 ngàn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn; thu nợ trên 9.193,5 tỷ đồng. Đến giữa năm 2024, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 5.096,7 tỷ đồng, tăng gần 2,8 lần so với trước khi có Chỉ thị số 40-CT/TW. Với hơn 102.251 hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang còn dư nợ, chiếm tới 46,2% tổng số hộ dân trên toàn tỉnh, minh chứng cho sự quyết tâm của Hòa Bình trong việc đưa vốn đến đúng nơi, đúng đối tượng, giúp bà con từng bước thoát nghèo bền vững.
Cùng với tăng trưởng về vốn, chất lượng tín dụng cũng là ưu tiên hàng đầu. Các cấp ủy Đảng và chính quyền đã phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, triển khai các khóa đào tạo, tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ, nhằm đảm bảo nguồn vốn đến tay người dân luôn được sử dụng đúng mục đích và hiệu quả. Nhờ vậy, tỷ lệ nợ quá hạn giảm xuống chỉ còn 0,06%, giúp người dân ý thức hơn về trách nhiệm và khẳng định niềm tin vào tín dụng chính sách.
Chỉ thị số 40-CT/TW đã thực sự tạo động lực để các cấp chính quyền tập trung mọi nguồn lực từ ngân sách Trung ương đến địa phương, bổ sung kịp thời nguồn vốn cho vay qua NHCSXH. Tính đến giữa năm 2024, tổng nguồn vốn hoạt động tại Chi nhánh NHCSXH tỉnh đạt gần 5.108,4 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn từ Trung ương và nguồn vốn huy động tại địa phương đều tăng đáng kể, thể hiện sự đồng lòng của các cấp, các ngành trong việc đưa tín dụng chính sách đến gần hơn với bà con vùng cao.
Các tổ chức chính trị - xã hội như: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, và Đoàn Thanh niên đã đóng góp mạnh mẽ khi tham gia quản lý 99,5% tổng dư nợ của NHCSXH. Cùng với hệ thống Tổ tiết kiệm và vay vốn với hơn 344 tổ trên toàn tỉnh, giúp bà con tiếp cận nguồn vốn một cách dễ dàng và công khai, từ đó góp phần minh bạch, nâng cao hiệu quả và chất lượng hoạt động tín dụng chính sách.
Trong 10 năm qua, vốn tín dụng chính sách đã giúp hơn 125,4 ngàn hộ vướt qua ngưỡng nghèo, tạo việc làm cho trên 65,9 ngàn lao động, giúp 1.624 người đi làm việc ở nước ngoài và cho hơn 31,9 ngàn học sinh, sinh viên vay vốn học tập. Nguồn vốn cũng đầu tư trên 227 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh nông thôn, xây dựng 21,5 ngàn căn nhà cho người nghèo, hỗ trợ 572 căn nhà ở xã hội và giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất sau Covid-19. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo tại Hòa Bình đã giảm đáng kể: giai đoạn 2011-2015 giảm từ 31,51% xuống còn 12,26%, và từ 2016 đến nay tiếp tục giảm từ 24,38% xuống còn 9,2%.
Kết quả trên không chỉ khẳng định thành công của Chỉ thị số 40-CT/TW mà còn mở ra những bài học giá trị về lãnh đạo và cách làm sáng tạo trong triển khai chính sách. Thành công này nhấn mạnh vai trò quan trọng của Đảng trong việc đưa tín dụng chính sách thành công cụ thiết yếu để thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững, và xây dựng nông thôn mới. Qua đó, góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, bảo đảm an sinh xã hội, và thúc đẩy công bằng với mục tiêu “Không để ai bị bỏ lại phía sau” trên địa bàn tỉnh.
Tiếp tục nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách trong thời kỳ mới
Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hòa Bình - ông Bùi Đức Hinh, Chỉ thị số 40-CT/TW đã thực sự đi vào cuộc sống, tác động mạnh mẽ đến hoạt động của nguồn vốn tín dụng chính sách, giúp tăng quy mô và chất lượng tín dụng. Hiệu quả của tín dụng chính sách đem lại đến thời điểm này không chỉ là giá trị kinh tế, mà những vấn đề xã hội cũng được giải quyết, giá trị cuộc sống của người nghèo, người yếu thế đang từng bước được cải thiện, nâng cao. Nhờ đó, lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ngày càng được củng cố vững chắc.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thật sự thấm nhuần nội dung Chỉ thị và Kết luận số 06-KL/TW, dẫn đến việc lồng ghép hoạt động tín dụng chính sách vào chương trình công tác còn thiếu quyết liệt và chưa được giám sát chặt chẽ. Trong quá trình phối hợp các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, công tác chuyển giao công nghệ và đào tạo nghề chưa đạt hiệu quả tối ưu, khiến người dân khó tiếp cận đầy đủ nguồn vốn ưu đãi.
Nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH tuy đã được bổ sung hàng năm nhưng mới chỉ chiếm 4% tổng nguồn vốn tín dụng chính sách, cho thấy nguồn lực địa phương dành cho tín dụng chính sách vẫn còn hạn chế. Công tác kiểm tra, giám sát của một số thành viên Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH còn chưa kịp thời, cùng với đó, công nghệ thông tin trong quản lý tín dụng vẫn còn hạn chế, dẫn đến việc quản lý và hỗ trợ người vay chưa đạt hiệu quả cao nhất.
Để tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, đồng thời khắc phục những hạn chế, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hòa Bình đề nghị, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cần tiếp tục đẩy mạnh việc chỉ đạo, giám sát để đảm bảo các chương trình tín dụng chính sách xã hội được triển khai hiệu quả. Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Đồng thời, xem xét kéo dài thời gian hỗ trợ tín dụng cho các hộ mới thoát nghèo lên tối đa 5 năm kể từ khi họ ra khỏi danh sách hộ nghèo, cận nghèo; Nâng thời hạn cho vay tối đa lên 10 năm để phù hợp với chu kỳ sản xuất của các loại cây trồng, vật nuôi dài ngày như cây ăn quả, cây công nghiệp, giúp người dân ổn định sinh kế lâu dài.
Đối với các xã vùng khó khăn đã đạt chuẩn nông thôn mới, ông cũng đề nghị tiếp tục cho phép các hộ dân được vay vốn theo chương trình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn theo Quyết định 17/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Cũng như mở rộng đối tượng vay vốn, bao gồm các hộ có mức sống trung bình, để thúc đẩy sản xuất và tăng thu nhập cho người dân. Ngoài ra, ông đề xuất tăng mức vay tối đa từ 100 lên 150 triệu đồng/người từ chương trình hỗ trợ việc làm và bổ sung chi thù lao 0,1% lương tối thiểu cho trưởng thôn quản lý vốn tín dụng, nhằm khuyến khích họ tích cực hỗ trợ công tác tín dụng tại cơ sở.
Nhớ lại lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của Nhân dân..”. Chính vì lẽ đó, Chỉ thị số 40-CT/TW ra đời cũng ví như sự cụ thể hóa lời căn dặn của Bác. Để rồi, phát huy những kết quả đã đạt được, đúc rút ra những bài học kinh nghiệm qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, tỉnh Hòa Bình sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nội dung chỉ thị, nhằm đưa tín dụng chính sách thực sự trở thành một “trụ cột” quan trọng trong phát triển bền vững, cải thiện đời sống và tạo dựng tương lai tươi sáng cho mọi người dân.