Dân số già rất cần được bảo hiểm bảo vệ

Cùng với đơn giản hóa thủ tục bồi thường thì việc phát triển các sản phẩm bảo hiểm đơn giản, có mức phí phải chăng cần được coi là một chiến lược quan trọng cho thị trường thị trường bảo hiểm mới nổi như Việt Nam.

Việc tham gia bảo hiểm sẽ giúp người cao tuổi giảm áp lực chi phí khám chữa bệnh

Việc tham gia bảo hiểm sẽ giúp người cao tuổi giảm áp lực chi phí khám chữa bệnh

Chia sẻ về các phương thức mở rộng thị trường tới những khách hàng mới, tại Hội nghị Định phí tổ chức mới đây tại TP.HCM, các chuyên gia trong ngành định phí quốc tế cho rằng, các doanh nghiệp bảo hiểm cần thiết kế các chính sách để khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm khi vẫn còn khỏe mạnh để họ có khả năng giảm chi phí; triển khai các chính sách bảo hiểm có mục tiêu và phù hợp, giúp phân tầng tốt hơn phân khúc khách hàng có rủi ro cao và cho phép tăng cường khả năng tiếp cận phạm vi bảo hiểm cho một nhóm rộng hơn. Đặc biệt, việc thiết kế các sản phẩm bảo hiểm dành riêng cho người cao tuổi, tập trung vào tính hợp lý và đơn giản để đảm bảo đáp ứng được nhu cầu riêng biệt của nhóm khách hàng này cũng là một chiến lược cạnh tranh vô cùng khác biệt.

Cũng tại hội nghị trên, đại diện Tập đoàn Tái bảo hiểm RGA lưu ý, Việt Nam đang dần chuyển sang một xã hội già cỗi và dự kiến sẽ là một trong mười quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất trên toàn cầu. Đến năm 2038 (sau 14 năm nữa), Việt Nam dự kiến sẽ chính thức chuyển sang nhóm dân số cao tuổi (nhóm người trên 60 tuổi) chiếm hơn 20% dân số.

Còn nhớ, tại Hội nghị định phí trước đó, bà Elena Quek, Giám đốc Phát triển kinh doanh thị trường Đông Nam Á, Công ty Tái bảo hiểm Quốc tế RGA từng đưa ra gợi ý cho các doanh nghiệp bảo hiểm tại Việt Nam rằng, trên hành trình cùng Chính phủ Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu 15% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ vào năm 2025, các doanh nghiệp bảo hiểm nói chung và bộ phận Định phí bảo hiểm (Actuary) nói riêng cần đặc biệt chú ý tới nhóm dân số già (trên 65 tuổi).

Theo bà Elena Quek, Việt Nam đang trải qua giai đoạn già hóa dân số nhanh, dự đoán tới năm 2050 sẽ có thêm 17 triệu người già, đây là nhóm dân số cần được bảo vệ.

Theo khảo sát của hãng tái bảo hiểm này tại một số thị trường, trong đó có châu Á, bảo hiểm y tế tư nhân được coi là kế hoạch bảo vệ tài chính thiết yếu nhất cho giai đoạn sau khi nghỉ hưu. Các kế hoạch bệnh hiểm nghèo và niên kim cũng được coi là quan trọng. Tuy nhiên, khoảng một nửa số người cao tuổi được khảo sát chưa bao giờ tự mình đăng ký bảo hiểm y tế tư nhân hoặc bảo hiểm bệnh hiểm nghèo. Hơn 95% người cao tuổi bày tỏ sự quan tâm đến việc mua bảo hiểm y tế tư nhân và bảo hiểm bệnh hiểm nghèo nếu có các lựa chọn giá cả phải chăng trên tất cả các thị trường được khảo sát.

Thực tế, bảo hiểm nhân thọ không phải là sản phẩm có thể mua khi cần mà phải mua khi chưa cần, để đến lúc cần mới có thể sử dụng. Tức là, cần tham gia bảo hiểm từ sớm, khi sức khỏe tốt và tuổi chưa cao để thỏa mãn điều kiện tham gia bảo hiểm và có được mức phí rẻ. Người già (những người từ 60 tuổi trở lên) vẫn có thể tham gia bảo hiểm nhân thọ, bởi điều kiện tham gia của hầu hết các sản phẩm bảo hiểm hiện nay mở rộng lên đến 60 tuổi và có những sản phẩm mở rộng đến 80 tuổi, tuy nhiên, điều kiện tham gia bảo hiểm nhân thọ không chỉ là tài chính, độ tuổi, mà còn là sức khỏe. Do đó, không dễ dàng cho người già khi tham gia bảo hiểm.

Theo ước tính, ở các thị trường mới nổi, bảo hiểm và các khoản tiết kiệm mới chỉ đáp ứng chưa tới 10% nhu cầu bảo vệ của người dân. Tại Việt Nam, khoản thiếu hụt bảo vệ này cũng ở mức đáng chú ý.

Báo cáo của Tổ chức Swiss Re cho biết, khoản thiếu hụt bảo vệ nhân thọ tại Việt Nam được ước tính lên tới 1.800 tỷ USD; đồng thời, khoản thiếu hụt bảo vệ sức khỏe ở mức khoảng 36 tỷ USD năm 2017. Khoản thiếu hụt bảo vệ hưu trí cũng được ước tính ở mức từ hàng trăm đến hàng nghìn tỷ USD. Điều này cho thấy sự cần thiết của việc thiết kế các giải pháp bảo vệ phù hợp nhằm thu hẹp các khoản thiếu hụt trên, nhằm ổn định cuộc sống và đảm bảo tương lai cho người Việt.

Ngọc Lan

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/dan-so-gia-rat-can-duoc-bao-hiem-bao-ve-post360026.html