Chi tiền triệu học cưỡi ngựa, dùng cung cổ

Trang cho biết thi thoảng ngựa lỳ lợm, lơ đãng vì cỏ, khi kéo cương, chúng gồng lên, chống lại học viên. Lúc đó, người học sẽ cảm nhận rõ sức mạnh của loài động vật này.

Trước buổi học, Thu Trang (Hà Nội) mất khoảng 20 phút làm quen và cho ngựa ăn. Cô cẩn thận cài mũ bảo hiểm, giữ chắc dây cương rồi leo lên lưng ngựa. Khi thực hiện các động tác khởi động, cô dang hai tay, xoay hông giữ cân bằng và tập nhún nhảy trên lưng chúng.

Đây là buổi thứ 3 Trang học lớp cưỡi ngựa bắn cung. Hiện, cô có thể điều khiển con ngựa theo vòng số 8, thậm chí có thể phi nước kiệu theo đường vòng tròn nhỏ. Dù mới theo học, cô có thể thực hiện các động tác một cách thuần thục.

Học cách tương tác với ngựa

Để làm quen với loài vật này, nữ học viên phải học cách giữ cơ thể cân bằng trên cao, chủ yếu sử dụng cơ hông, đùi và cảm nhận nhịp của chúng.

Trang cho biết cưỡi ngựa là môn thể thao đòi hỏi sự tương tác giữa người và con vật. So với bộ môn tốc độ khác, cưỡi ngựa đòi hỏi sự tinh tế và lắng nghe cảm xúc tốt. Khi có sự thấu hiểu, tin tưởng nhau, người chơi có thể điều khiển ngựa chỉ bằng mệnh lệnh, dây cương.

“Chúng là một cơ thể sống có nhu cầu và cảm xúc riêng, mình phải học cách tương tác, giữ cân bằng trên cao, cảm nhận được nhịp của ngựa. Nếu không điều phối được cảm xúc, chúng sẽ tức giận, thậm chí quật ngã mình bất cứ lúc nào”, Trang chia sẻ.

Trang cho biết thi thoảng, chúng lỳ lợm, lơ đãng bởi sức hút của cỏ. Những lúc đó, nếu người cưỡi kéo dây cương, ngựa sẽ gồng lên chống lại. Khi ấy, người học sẽ cảm nhận rõ sức mạnh của chúng.

 Trang cho biết so với bộ môn tốc độ khác, cưỡi ngựa đòi hỏi sự tinh tế, lắng nghe cảm xúc tốt. Ảnh: Lan Anh.

Trang cho biết so với bộ môn tốc độ khác, cưỡi ngựa đòi hỏi sự tinh tế, lắng nghe cảm xúc tốt. Ảnh: Lan Anh.

Chị Đào Hà (Hà Nội) cũng đưa con trai đến học lớp cưỡi ngựa. Đứng ngoài theo dõi con "biểu diễn" trên lưng ngựa, chị bật cười khi con vật này không theo ý con trai mình.

“Nhiều khi ngựa 'bắt nạt', dúi con vào hàng rào, mình chỉ cười, bởi động vật cũng có những linh tính và cảm xúc của chúng. Con đã được học cách xử lý nên không ảnh hưởng gì nhiều", chị Hà nói.

Chị Hà cho biết Đức Minh - con trai chị - đã tham gia 8/12 buổi học. Ban đầu, Minh gặp nhiều khó khăn khi làm quen với con vật này. Hiện, cơ thể con linh hoạt hơn, cậu cũng học được cách giữ thăng bằng khi thả dây cương.

"Trước khi cưỡi, con được luyện những bài tập ngã hoặc những động tác nhảy trên lưng ngựa. Điều này giúp con ứng phó với các tình huống xấu xảy ra như ngựa không nghe lời hay đang chạy thì tạt ngang ăn cỏ", chị Hà nói.

Anh Phạm Văn Phúc (34 tuổi), chủ nhiệm một câu lạc bộ cưỡi ngựa, bắn cung ở Hà Nội, cho biết ngựa là loài vật thông minh và hợp tác với con người. Tuy nhiên, để làm quen với chúng, người học cần thực hiện các động tác, như vuốt ve, vỗ vào cổ, chào hỏi, nói những lời thân thiện.

Ngoài ra, việc hiểu và cảm nhận tính cách của ngựa sẽ giúp học viên điều khiển, kiểm soát chúng dễ dàng hơn.

 Cơ thể của Minh linh hoạt hơn, cậu cũng học được cách giữ thăng bằng khi thả dây cương. Ảnh: Lan Anh.

Cơ thể của Minh linh hoạt hơn, cậu cũng học được cách giữ thăng bằng khi thả dây cương. Ảnh: Lan Anh.

Phái nữ điều khiển ngựa dễ dàng hơn

Theo anh Phúc, đây là bộ môn chú trọng phát triển tư thế con người, theo hướng chiến đấu trên lưng ngựa. Nó cũng đòi hỏi học viên phải thực hiện nhiều thao tác cùng lúc, như lắp cung tên, cơ hông vận động theo ngựa, đồng thời hô lệnh với một tốc cao.

“Phong cách cưỡi ngựa sẽ chú trọng dáng từ tốn, khoan thai, từ cách cầm cương, điều khiển hiệu lệnh cực chuẩn và đồng nhất”, anh Phúc nói.

Trong quá trình huấn luyện, anh nhận thấy nữ giới và trẻ em có sự uyển chuyển, dễ dàng điều khiển cơ thể theo chuyển động của ngựa, khả năng xử lý tình huống cũng điềm tĩnh, quyết đoán hơn.

"Cưỡi ngựa đòi hỏi cơ thể có sự dẻo dai, linh hoạt. Vì vậy, phái nữ và trẻ em có xu hướng điều khiển ngựa dễ dàng hơn. Với đàn ông, họ sẽ tận dụng sức mạnh cơ thể, điều này khiến cơ bị gồng, không uyển chuyển", anh Phúc nói.

Anh Phạm Văn Phúc là chủ nhiệm câu lạc bộ cưỡi ngựa, bắn cung. Ảnh: Lan Anh.

Anh Phạm Văn Phúc là chủ nhiệm câu lạc bộ cưỡi ngựa, bắn cung. Ảnh: Lan Anh.

Hiểu người chơi, anh Phúc và các cộng sự liên tục huấn luyện các con ngựa nhập ngoại để chúng quen bài tập và nghe theo điều lệnh, khoảng 1-2 tiếng mỗi ngày. Anh cho biết nếu để lâu, ngựa không nghe lời, lỳ lợm, gây nhiều tình huống nguy hiểm cho người học.

Cũng theo theo anh Phúc, khi tuyển chọn ngựa, anh ưu tiên những con chạy đều, có tính cách can trường, không dễ kích động, hoảng sợ. Chúng cũng được huấn luyện sự bĩnh tĩnh trước những vật thể như roi, tiếng la hét, hay những vận động của người trên cơ thể chúng.

Chi tiền triệu để trải nghiệm cảm giác giống trong phim

Câu lạc bộ kỵ xạ Việt Nam của anh Phúc hiện có khoảng 15 học viên với nhiều độ tuổi, trong đó, nữ giới và trẻ em chiếm đa số. Khác với nhiều câu lạc bộ dạy cưỡi ngựa theo phong cách phương Tây, bên cạnh cưỡi ngựa, học viên tại đây được kết hợp mặc cổ phục người Việt và học cách dùng cung cổ.

Anh Phúc cho biết chi phí mỗi khóa học dao động 6-7 triệu đồng, tùy cấp độ cơ bản đến nâng cao. Trong thời gian 60 phút, học viên sẽ học cưỡi ngựa và bắn cung trên mặt đất.

"Đến buổi thứ 10, khi thành thạo các kỹ thuật, học viên sẽ được kết hợp vừa cưỡi ngựa, vừa bắn cung. Lúc này, các thao tác điều khiển ngựa và cung phải thật sự chuẩn xác", anh Phúc nói.

Cũng theo anh Phúc, nhiều người trẻ tìm đến thử nghiệm bởi đây là bộ môn mới lạ, rèn luyện sức khỏe và được tương tác với loài vật. Khi tham gia, họ cần có nền tảng sức khỏe tốt. Vì vậy, đối với học viên có thể trạng yếu, họ cần luyện tập 1-2 buổi thể lực để xây dựng khối cơ đủ.

Thu Trang học các kỹ năng cung thuật trước khi nhắm bắn trên lưng ngựa. Ảnh: Lan Anh.

Thu Trang học các kỹ năng cung thuật trước khi nhắm bắn trên lưng ngựa. Ảnh: Lan Anh.

Muốn thử cảm giác mặc cổ phục và chiến đấu trên lưng ngựa như những nhân vật trong phim là lý do Thu Trang tìm đến, trải nghiệm bộ môn này. Khi tham gia khóa học, cô còn được học kỹ năng cung thuật, lắp tên và ngắm bắn trên lưng ngựa.

"Khi ấy, các nhân vật đều thể hiện sự khoáng đạt, tự do, hơn hết là vượt qua nỗi sợ bên trong. Bộ môn này có sự mạo hiểm nhất định nhưng đổi lại, mình có được cảm giác chinh phục, thỏa mãn", Trang nói.

Trong khi đó, trước kỳ nghỉ hè, gia đình chị Hà lên kế hoạch tìm hiểu các môn thể thao cho con. Vô tình lướt mạng xã hội, chị thấy bộ môn kỵ xạ khá độc đáo và mới lạ.

Sau buổi học trải nghiệm đầu tiên, chị thấy con thích cảm giác được chinh phục một điều đó gì, thậm chí, lúc ăn ngủ, con cũng nhắc đến ngựa. Khi ấy, chị quyết định đăng ký cho con tham gia.

Cứ 3 buổi/tuần, vợ chồng chị sắp xếp thời gian đưa con đến lớp. Đứng ngoài xem con “biểu diễn" trên lưng ngựa, chị háo hức xen lẫn tự hào.

Đăng ký lớp học này, chị Hà mong muốn con được rèn luyện sức khỏe, trải nghiệm các hoạt động bên ngoài và gần gũi thiên nhiên.

"Đây là môn đặc biệt, ngoài sức khỏe, nhanh nhẹn và sự khéo léo, nó đòi hỏi học viên phải có khả năng kiềm chế bản thân tốt. Sau khóa học, mình hy vọng con không còn nhút nhát mà tự tin, dũng cảm bước ra ngoài thế giới rộng lớn hơn", chị Hà nói.

Lan Anh

Nguồn Znews: https://lifestyle.zingnews.vn/chi-tien-trieu-hoc-cuoi-ngua-dung-cung-co-post1442096.html