Chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt: Khó khăn, vướng mắc

Việc chi trả trợ cấp an sinh xã hội (ASXH) không dùng tiền mặt bước đầu đã mang lại hiệu quả khi người thụ hưởng được nhận đúng thời gian, không phải đi lại nhiều lần và chờ đợi lâu.

Tuy nhiên, nhóm đối tượng thụ hưởng chính sách này chủ yếu là người yếu thế, người cao tuổi, sinh sống ở các xã vùng sâu, vùng xa nên việc triển khai vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Người dân đến giao dịch tại Bưu điện TP. Pleiku. Ảnh: S.C

Người dân đến giao dịch tại Bưu điện TP. Pleiku. Ảnh: S.C

Toàn tỉnh hiện có hơn 43.500 đối tượng bảo trợ xã hội và hơn 12.000 người có công được chi trả trợ cấp ASXH hàng tháng. Thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25-11-2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả ASXH không dùng tiền mặt, UBND tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị liên quan tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động quản lý nhà nước; tập trung tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân trong diện được hưởng chính sách ASXH đăng ký tài khoản để thực hiện chi trả không dùng tiền mặt.

Tại TP. Pleiku, Bưu điện thành phố đã tiến hành chi trả ASXH không dùng tiền mặt cho 627/2.212 đối tượng thụ hưởng chính sách người có công và 1.000/6.080 đối tượng thụ hưởng chính sách bảo trợ xã hội. Bà Phạm Thị Phương Hoa-Giám đốc Bưu điện TP. Pleiku-thông tin: “Trong những năm qua, công tác chi trả của Bưu điện được thực hiện đúng đối tượng, đầy đủ, kịp thời. Ngoài các ngày chi trả trợ cấp ASXH tại UBND các xã, phường theo lịch cố định, chúng tôi còn thực hiện chi trả tại quầy giao dịch, chi trả tại nhà cho một số đối tượng thụ hưởng, đảm bảo tỷ lệ chi trả theo quy định”.

Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế cho thấy, đa phần đối tượng bảo trợ xã hội, người có công là người già, người tàn tật, trẻ mồ côi, không rành về công nghệ thông tin nên việc tiếp cận, sử dụng gặp khó khăn. Là đối tượng được chi trả ASXH không dùng tiền mặt, bà Lý Thị Kim Liên (37/32 Lý Tự Trọng, TP. Pleiku) chia sẻ: “Tôi đã 74 tuổi, còn chồng tôi 94 tuổi. Hàng tháng, tôi đến UBND phường để nhận tiền lương hưu của chồng. Tôi nhận tiền mặt để thuận tiện trong chi tiêu hàng ngày. Riêng tiền chế độ thương binh được chi trả qua thẻ ATM, bắt đầu từ tháng 5 này. Tuy nhiên, tôi tuổi đã cao, lại không rành về công nghệ nên không biết cách sử dụng thẻ, phải nhờ con rút tiền giùm”.

Đến nay, Bưu điện huyện Krông Pa mới chi trả ASXH không dùng tiền mặt cho 12/3.789 đối tượng thụ hưởng chính sách người có công và 6/383 đối tượng thụ hưởng chính sách bảo trợ xã hội. Bà Nguyễn Thị Mỹ Chinh-Giám đốc Bưu điện huyện Krông Pa-chia sẻ: “Trên địa bàn huyện chỉ có 1 cây ATM đặt tại trung tâm thị trấn Phú Túc. Trong khi đó, các đối tượng nhận bảo trợ xã hội đa phần ở các xã xa trung tâm thị trấn và chủ yếu là người già, người tàn tật, tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm 80-90%. Vì vậy, khi chi trả không dùng tiền mặt, người dân phải đến trung tâm huyện rút tiền. Năm 2022, khi chúng tôi phối hợp với các đơn vị liên quan khảo sát, lấy ý kiến, hầu hết đối tượng thụ hưởng muốn nhận tiền mặt để thuận tiện chi tiêu trong đời sống”.

Bưu điện nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người dân gắn với tỷ lệ chi trả theo quy định. Ảnh: Sơn Ca

Bưu điện nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người dân gắn với tỷ lệ chi trả theo quy định. Ảnh: Sơn Ca

Ở một khía cạnh khác, bà Huỳnh Thị Hồng (04/7 Phạm Văn Đồng, TP. Pleiku) cho biết: “Hàng tháng, tôi đến UBND phường nhận tiền chế độ hưu trí, chế độ chính sách dành cho người có công. Đây cũng là dịp để mọi người gặp gỡ hỏi thăm tình hình sức khỏe và chia sẻ, động viên nhau trong cuộc sống”. Cũng theo bà Hồng, cần tuyên truyền, giải thích, vận động để người dân hiểu rõ việc chi trả ASXH không dùng tiền mặt. Ai có nhu cầu, có điều kiện phù hợp thì đăng ký nhận chi trả qua ATM, không nên áp đặt, chạy theo chỉ tiêu một cách máy móc. Trên thực tế, nhiều đối tượng thụ hưởng chính sách ASXH đã lớn tuổi, bệnh tật, già yếu không đi lại được, con cái ở xa nên rất cần nhận tiền mặt để thuận tiện chi tiêu trong cuộc sống.

Để khuyến khích việc chi trả trợ cấp ASXH không dùng tiền mặt, UBND tỉnh đã có Công văn số 874/UBND-KGVX ngày 14-4-2024 chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh có văn bản đề nghị các tổ chức tín dụng trên địa bàn xây dựng chính sách ưu đãi trong chi trả ASXH không dùng tiền mặt đối với các đối tượng hưởng chính sách; có chính sách miễn phí cho đối tượng người có công và đối tượng bảo trợ xã hội khi thực hiện dịch vụ của ngân hàng trong chi trả ASXH như: miễn phí mở thẻ, miễn phí chuyển tiền vào tài khoản, miễn phí rút tiền và các phí sử dụng dịch vụ khác của ngân hàng.

Hiện nay, Bưu điện tỉnh là đơn vị thực hiện chi trả ASXH đang phải gánh chịu mức phí từ 11 ngàn đồng đến 22 ngàn đồng/tài khoản khi chuyển tiền vào tài khoản các đối tượng hưởng chính sách. Bà Phạm Thị Thanh Hương-Phó Trưởng phòng Kinh doanh (Bưu điện tỉnh) cho biết: “Các đối tượng hưởng chính sách bảo trợ xã hội là những người yếu thế, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, số tiền nhận trợ cấp ít. Nếu để đối tượng chịu khoản phí này, trừ vào số tiền được thụ hưởng thì đi ngược lại với tinh thần nhân văn của chính sách. Do đó, Bưu điện tỉnh vẫn chịu mức phí chuyển tiền vào tài khoản các đối tượng thụ hưởng. Bưu điện tỉnh đã nhiều lần phản hồi, kiến nghị các sở, ngành liên quan, UBND tỉnh cũng đã có chỉ đạo nhưng hiện nay các ngân hàng thương mại vẫn áp dụng mức phí như trên”.

Thực hiện chính sách ưu đãi trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt

Gia Lai: Rà soát, cập nhật tài khoản trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt

Thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/chi-tra-an-sinh-xa-hoi-khong-dung-tien-mat-kho-khan-vuong-mac-post278772.html