Chi trả kịp thời chính sách dịch vụ môi trường rừng

Chính sách chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đã và đang trở thành điểm tựa vững chắc trong công tác bảo vệ và phát triển rừng bền vững. Công tác chi trả chính sách DVMTR được triển khai chính xác, khách quan và đúng thời hạn, góp phần nâng cao ý thức của người dân trong việc giữ gìn 'lá phổi xanh' của địa phương.

Để việc chi trả DVMTR đảm bảo khách quan, minh bạch, Ngân hàng CSXH đã đẩy mạnh hướng dẫn, hỗ trợ các chủ rừng mở tài khoản ngân hàng.

Để việc chi trả DVMTR đảm bảo khách quan, minh bạch, Ngân hàng CSXH đã đẩy mạnh hướng dẫn, hỗ trợ các chủ rừng mở tài khoản ngân hàng.

Với sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng, đặc biệt là Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh, 6 tháng đầu năm 2025, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã thực hiện chi trả tiền DVMTR năm 2024 cho 4.353 chủ rừng với tổng số tiền lên đến 163,814 tỷ đồng. Trong đó, 4.304 chủ rừng là hộ gia đình và cộng đồng thôn bản; 37 chủ rừng là UBND cấp xã, 7 chủ rừng là nhóm hộ... Diện tích rừng được chi trả (sau khi quy đổi hệ số K) lên đến 265.494ha, đó là minh chứng cho sự nỗ lực không ngừng của chính quyền và cơ quan chức năng trong việc bảo vệ tài nguyên rừng.

Ông Trần Xuân Tâm, Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh cho biết: “Ngay từ đầu năm, chúng tôi đã phối hợp với các đơn vị chức năng tiến hành rà soát diện tích rừng có đủ điều kiện được chi trả, đảm bảo tính chính xác và công bằng. Việc chi trả được thực hiện qua tài khoản ngân hàng, không chỉ minh bạch hơn mà còn tạo thuận lợi cho người dân, đặc biệt là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa”.

Để quá trình chi trả tiền DVMTR đảm bảo khách quan, minh bạch, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan đẩy mạnh triển khai việc chi trả qua tài khoản ngân hàng. Phát huy hiệu quả việc chi trả chế độ chính sách cho chủ rừng gắn với tiến trình hiện đại hóa quản lý tài chính công, cán bộ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) trực tiếp xuống các thôn bản, xã vùng cao để hỗ trợ người dân mở tài khoản. Nhờ vậy, đến nay, 1.467/2.123 chủ rừng trên địa bàn tỉnh đã có tài khoản ngân hàng, đạt hơn 69% kế hoạch. Trong đó, 886 chủ rừng sử dụng tài khoản tại các ngân hàng thương mại như: Agribank, VietinBank, BIDV...; 577 chủ rừng mở tài khoản tại Ngân hàng CSXH.

Anh Kháng A Sàng, xã Mường Nhé chia sẻ: “Gia đình tôi được giao bảo vệ 12ha rừng. Trước đây, khi nhận tiền mặt, tôi phải đi từ sớm, chờ đợi rất lâu mới đến lượt. Nay có tài khoản ngân hàng rồi, tiền sẽ được chuyển trực tiếp vào tài khoản, khi nào cần tôi mới rút. Năm nay, gia đình tôi nhận được hơn 4 triệu đồng, số tiền này rất có ý nghĩa với chúng tôi, giúp trang trải sinh hoạt và đầu tư thêm vào sản xuất”.

Các chủ rừng nhận tiền DVMTR từ Ngân hàng CSXH.

Các chủ rừng nhận tiền DVMTR từ Ngân hàng CSXH.

Thực tế cho thấy, từ khi triển khai chính sách DVMTR, nhận thức của người dân về bảo vệ rừng đã thay đổi tích cực: Rừng trở thành nguồn sinh kế, mang lại lợi ích kinh tế thiết thực. Theo thống kê của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh, toàn tỉnh hiện có hơn 103.229 hộ gia đình được hưởng lợi từ chính sách chi trả DVMTR. Trung bình mỗi hộ nhận hơn 2 triệu đồng/năm, cá biệt có hộ nhận đến hơn 120 triệu đồng - một con số không nhỏ đối với người dân vùng cao.

Căn cứ kế hoạch thu chi được phê duyệt, quý IV năm 2025, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh tiếp tục triển khai tạm ứng tiền DVMTR năm 2025 cho các chủ rừng trên địa bàn. Việc thanh toán đúng thời gian, đúng đối tượng không chỉ bảo đảm quyền lợi cho người dân mà còn giúp họ chủ động trong các hoạt động chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng. Điều này kỳ vọng góp phần nâng cao tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh.

Anh Lò Văn Thơm, người dân bản Hua Ca, xã Tuần Giáo cho biết: “Từ khi được nhận tiền DVMTR, bà con ý thức hơn trong việc giữ rừng. Đây không chỉ là chính sách thiết thực mà còn là nguồn động viên lớn lao đối với chúng tôi. Mỗi lần nhận được tiền, không chỉ là niềm vui vật chất mà còn là sự ghi nhận cho nỗ lực giữ rừng của mình”. Theo đánh giá của ngành chức năng, kể từ khi người dân được hưởng lợi từ DVMTR, các hành vi xâm hại rừng như chặt phá, lấn chiếm đất rừng, khai thác gỗ trái phép đã giảm mạnh. Rừng được bảo vệ tốt hơn, môi trường sinh thái phục hồi, hệ sinh thái duy trì ổn định, góp phần phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu hiệu quả hơn.

Người dân phường Điện Biên Phủ làm thủ tục ký nhận tiền DVMTR.

Người dân phường Điện Biên Phủ làm thủ tục ký nhận tiền DVMTR.

Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Trần Xuân Tâm cho biết thêm: Thành công của Điện Biên trong việc triển khai chi trả DVMTR không chỉ thể hiện qua những con số, mà còn ở sự đồng thuận, hưởng ứng của cộng đồng dân cư. Chính sự minh bạch, kịp thời và đúng đối tượng đã giúp người dân tin tưởng và sẵn sàng tham gia sâu rộng vào công tác bảo vệ rừng. Với tinh thần đó, chính sách DVMTR tiếp tục là đòn bẩy quan trọng để tỉnh Điện Biên hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường, giữ gìn tài nguyên thiên nhiên cho thế hệ mai sau.

Quang Hưng

Nguồn Điện Biên Phủ: https://baodienbienphu.vn/bai-thuong/moi-truong-rung/chi-tra-kip-thoi-chinh-sach-dich-vu-moi-truong-rung