Chỉ trình Quốc hội xem xét những nội dung cấp bách để tháo gỡ vướng mắc

Chiều 10/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc tổng kết Kỳ họp thứ 9 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XV.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Tiếp tục chương trình làm việc tại Phiên họp thứ 47, chiều 10/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc tổng kết Kỳ họp thứ 9 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XV.

* Quyết định nhiều nội dung khai mở cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy
Báo cáo tổng kết Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng cho biết, Kỳ họp có ý nghĩa lịch sử quan trọng nhằm thể chế hóa kịp thời các chủ trương lớn của Đảng trong sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị, xây dựng mô hình chính quyền địa phương hai cấp và tiếp tục tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về pháp luật, tạo đột phá về thể chế để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên của hiện đại hóa, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững.
Sau 35 ngày làm việc nghiêm túc, dân chủ và quyết tâm cao, Kỳ họp thứ 9 đã thành công tốt đẹp, hoàn thành khối lượng lớn công việc trên cả ba lĩnh vực lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Tại Kỳ họp, Quốc hội đã quyết định nhiều nội dung để tạo nền tảng pháp lý, mở đường cho giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ, khai mở cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy, quản trị quốc gia hiện đại với phương pháp kỹ trị hiệu quả nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của đất nước trong thời kỳ mới với nhiều dấu mốc có ý nghĩa lịch sử.
Quốc hội đã xem xét thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; thông qua 34 luật và 13 nghị quyết quy phạm pháp luật, cho ý kiến đối với 6 dự án luật khác; xem xét, quyết định sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, quyết định ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031, thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia. Quốc hội xem xét, quyết định công tác tổ chức, nhân sự thuộc thẩm quyền, các nội dung về kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách nhà nước, chủ trương đầu tư các dự án quan trọng…

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Quốc hội đã thảo luận kỹ lưỡng và thống nhất cao thông qua Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 34 nghị quyết về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của 34 tỉnh, thành phố; theo đó, sau sắp xếp, cả nước có 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh gồm 6 thành phố trực thuộc trung ương và 28 tỉnh (giảm 29 tỉnh, tương đương 46,03%) và 3.321 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 2.621 xã, 687 phường và 13 đặc khu (giảm 6.714 đơn vị, tương đương 66,91%)
* Kỳ họp thứ 10 diễn ra khoảng 1,5 tháng
Về Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XV, ông Lê Quang Tùng cho biết, dự kiến Kỳ họp diễn ra trong khoảng 1,5 tháng với 30 ngày làm việc. Do số lượng nội dung lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng tại kỳ họp rất lớn, nhiều nội dung khó, phức tạp nên Tổng Thư ký Quốc hội đề xuất tổ chức Kỳ họp thứ 10 theo 2 đợt.
Đợt 1, kéo dài khoảng 20 ngày, chủ yếu bố trí thảo luận các nội dung trình Quốc hội biểu quyết thông qua tại kỳ họp và thảo luận ở tổ một số dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến; chất vấn và trả lời chất vấn.
Đợt 2 kéo dài khoảng 10 ngày, chủ yếu bố trí Quốc hội biểu quyết thông qua các luật, nghị quyết và thảo luận về một số dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến.
Thời gian nghỉ giữa 2 đợt họp khoảng từ 7 - 9 ngày.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Số lượng nội dung dự kiến đến thời điểm này gồm: 21 nội dung thuộc công tác lập pháp, 9 nhóm nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác; 12 nhóm nội dung các cơ quan gửi báo cáo để đại biểu Quốc hội nghiên cứu.
Các nội dung trên chưa bao gồm các dự án cấp có thẩm quyền đề nghị nghiên cứu, sửa đổi và các dự án Chính phủ đang đề nghị bổ sung vào Chương trình lập pháp năm 2025.
Tại Kỳ họp này, Quốc hội dự kiến xem xét, thông qua 19 dự án luật; cho ý kiến 2 dự án luật. Ngoài ra, hiện Chính phủ đã có văn bản đề nghị trình Quốc hội 21 dự án luật khác. Trường hợp dự án luật, nghị quyết được bổ sung vào Chương trình lập pháp năm 2025, Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội sẽ điều chỉnh dự kiến nội dung kỳ họp theo quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Do Kỳ họp thứ 10 cũng là kỳ họp cuối nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội báo cáo, xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội 2 phương án về việc xây dựng các báo cáo.
Phương án 1, các cơ quan chỉ xây dựng Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2021 - 2026 để trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp, trong đó, có nội dung về công tác năm 2025 và các công tác khác theo yêu cầu tại các luật, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Phương án 2, các cơ quan chuẩn bị 2 loại báo cáo trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 10, bao gồm: báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2021 - 2026; báo cáo công tác năm 2025 (trong đó lồng ghép báo cáo một số nội dung theo yêu cầu tại các luật, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội).

Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Kết luận nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Văn phòng Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội tiếp thu ý kiến của các cơ quan, ý kiến tại phiên họp để chỉnh lý, hoàn chỉnh báo cáo tổng kết Kỳ họp thứ 9, gửi đại biểu Quốc hội và các cơ quan hữu quan theo quy định.
Cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 10, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ rà soát kỹ lưỡng, chỉ trình Quốc hội xem xét, thông qua những nội dung cấp bách để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong điều hành kinh tế - xã hội. Những dự án luật dự kiến cho ý kiến lần đầu và thông qua theo quy trình 2 kỳ họp, nên để lại cho nhiệm kỳ sau vì Quốc hội khóa XV không còn thời gian để tổ chức thêm kỳ họp.
Liên quan xây dựng báo cáo, theo Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí các cơ quan chuẩn bị báo cáo nhiệm kỳ, chuẩn bị riêng báo cáo công tác năm 2025. Ông đề nghị Văn phòng Quốc hội tiếp thu ý kiến, sau phiên họp này gửi các cơ quan liên quan tiếp tục hoàn thiện báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp sau về dự kiến nội dung kỳ họp.
“Sẽ có cuộc họp thật sớm giữa Đảng ủy Quốc hội và Đảng ủy Chính phủ để quán triệt, chuẩn bị từ sớm, từ xa”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Cũng trong phiên họp chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết số 29/2022/UBTVQH15.

Chu Thanh Vân/vnanet.vn

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/chi-trinh-quoc-hoi-xem-xet-nhung-noi-dung-cap-bach-de-thao-go-vuong-mac/379925.html