'Chìa khóa' giúp doanh nghiệp bước vào kỷ nguyên xanh
Theo ông Đỗ Tiến Sỹ - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, khoa học, công nghệ xanh được xem là 'chìa khóa' giúp doanh nghiệp mở rộng cánh cửa bước vào 'kỷ nguyên xanh'.
Quan điểm trên được Tổng Giám đốc VOV nêu tại diễn đàn Tiêu dùng bền vững 2025 với chủ đề "Tiêu dùng bền vững hướng đến kỷ nguyên xanh" diễn ra chiều nay (2/7) tại Hà Nội.
Theo đó, ông Đỗ Tiến Sỹ nhận định, hành vi của người tiêu dùng được xác định là một trong những động lực mạnh mẽ nhất thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang sản xuất bền vững, từ đó kiến tạo nên một "kỷ nguyên xanh".

Ông Đỗ Tiến Sỹ - Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam phát biểu tại diễn đàn.
Nhận thức được tầm quan trọng của chuỗi giá trị sản xuất và tiêu dùng bền vững, trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã ưu tiên tập trung xây dựng và ban hành một khung khổ pháp lý cùng chính sách toàn diện nhằm khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất bền vững.
Điều này đã góp phần đa dạng hóa nguồn cung sản phẩm xanh trên thị trường, tạo tiền đề cho việc thực hành tiêu dùng bền vững của người dân.
Tuy nhiên, ở khía cạnh ngược lại, mặc dù chúng ta đã chứng kiến những thay đổi tích cực trong nhận thức và hành động của người tiêu dùng nhưng mức độ, quy mô và phạm vi thực hành tiêu dùng bền vững tại Việt Nam vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức và hạn chế đáng kể. Việc thu hẹp khoảng cách giữa nhận thức và hành vi, cũng như mở rộng thị trường cho các sản phẩm bền vững, vẫn là một nhiệm vụ cấp thiết.
Diễn đàn "Tiêu dùng bền vững hướng đến kỷ nguyên xanh" đã đi sâu thảo luận về hai chủ đề mang tính chiến lược và thiết yếu trong bối cảnh phát triển hiện nay.
Thứ nhất là "Công nghệ xanh - Chìa khóa cho sản xuất và tiêu dùng bền vững". Khoa học, công nghệ xanh được xem là "chìa khóa" giúp doanh nghiệp mở rộng cánh cửa bước vào "kỷ nguyên xanh". Công nghệ không chỉ là "chiếc gậy phép" hỗ trợ doanh nghiệp tối ưu hóa hiệu quả sử dụng tài nguyên, giảm thiểu tác động môi trường, mà còn tăng cường minh bạch thông tin, khả năng truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tiết kiệm chi phí vận hành, nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh.
"Tuy nhiên, bài toán đặt ra hiện nay đối với doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, là làm thế nào để tiếp cận và ứng dụng hiệu quả công nghệ xanh. Điều này đòi hỏi các giải pháp hỗ trợ nhằm đảm bảo công nghệ được triển khai phù hợp với năng lực và quy mô của doanh nghiệp, đồng thời bắt kịp với xu hướng sản xuất và kinh doanh hiện đại", ông Sỹ nói.

Các đại biểu tham dự diễn đàn.
Chủ đề thứ hai là "Minh bạch thông tin - Nền tảng bảo vệ người tiêu dùng". Trong một thị trường ngày càng đa dạng với vô số lựa chọn, việc trang bị đầy đủ thông tin là yếu tố then chốt giúp người tiêu dùng đưa ra các quyết định mua sắm có trách nhiệm và bền vững.
Chủ đề này được lựa chọn nhằm khẳng định quyền được thông tin của người tiêu dùng và từ đó xác định rõ trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc cung cấp thông tin trung thực, góp phần xây dựng lòng tin và kiến tạo một thị trường công bằng, lành mạnh. Sự minh bạch về thông tin sản phẩm không chỉ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà còn là công cụ hữu hiệu để phân biệt sản phẩm bền vững, từ đó định hướng và khuyến khích tiêu dùng có trách nhiệm.
"Chúng tôi tin tưởng rằng, sự đa dạng về thành phần tham dự và những kinh nghiệm chuyên môn sâu sắc của các diễn giả, cùng với nội dung giao lưu với quý vị khán giả, sẽ giúp diễn đàn có cái nhìn toàn diện hơn, từ đó đề xuất những giải pháp thiết thực và hiệu quả nhất cho quá trình chuyển đổi bền vững", Tổng Giám đốc VOV phát biểu.

Các khách mời chia sẻ quan điểm tại phiên thảo luận trong khuôn khổ diễn đàn.
Phát biểu bế mạc, TS Tạ Đình Thi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội - nhận xét: Triển lãm "Thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững" được tổ chức từ ngày 27 đến ngày 29/6 tại Hà Nội đã được tổ chức thành công tốt đẹp với những con số rất ấn tượng: 50 gian hàng với 30 doanh nghiệp tham gia, trưng bày các sản phẩm tiêu biểu như: đồ thủ công từ tre, sản phẩm làm sạch gốc thực vật, bao bì tự hủy, thời trang từ sợi tơ chuối, và mô hình năng lượng mặt trời; Thu hút hơn 10.000 lượt khách trực tiếp và 30.000 lượt xem trực tuyến.
"Diễn đàn "Tiêu dùng bền vững hướng đến kỷ nguyên xanh" đã khép lại nhưng đây mới là khởi đầu cho hành trình hiện thực hóa "kỷ nguyên xanh". Tôi đề nghị Ban Tổ chức sớm tổng hợp báo cáo gửi các cấp có thẩm quyền để biến thảo luận thành chính sách, hành động cụ thể. Với sự chung tay của toàn xã hội, chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng một Việt Nam phát triển bền vững, cân bằng giữa kinh tế và môi trường", ông Thi nhấn mạnh.
Diễn đàn Tiêu dùng bền vững 2025 với chủ đề "Tiêu dùng bền vững hướng đến kỷ nguyên xanh" do Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công (Bộ Công Thương) phối hợp với Báo Điện tử Tiếng nói Việt Nam (Đài Tiếng nói Việt Nam) tổ chức, nằm trong chuỗi sự kiện “Thúc đẩy sản xuất – Tiêu dùng bền vững năm 2025” thuộc Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp và nguồn tài nguyên thiên nhiên đang dần cạn kiệt, việc "xanh hóa" sản xuất và tiêu dùng không còn là một lựa chọn mà đã trở thành xu hướng tất yếu. Các chiến dịch trồng hàng trăm nghìn cây xanh, chuyển đổi năng lượng tái tạo, giảm thiểu rác thải nhựa...là minh chứng rõ nét cho nỗ lực của doanh nghiệp trên hành trình phát triển bền vững.
Tuy nhiên, sản xuất xanh đang đặt ra nhiều thách thức đáng kể cho các doanh nghiệp. Chi phí đầu tư ban đầu khổng lồ, cùng với quy trình sản xuất khắt khe và yêu cầu cao về nguyên liệu, khiến nhiều đơn vị còn e ngại. Do đó, không ít doanh nghiệp chỉ dám thử nghiệm sản phẩm xanh ở quy mô nhỏ, dù đây là xu hướng tất yếu, đặc biệt khi hướng tới thị trường xuất khẩu. Vấn đề cốt lõi nhất hiện nay là ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ xanh với chi phí phù hợp vào sản xuất để tạo ra các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã tham gia sâu rộng và cam kết mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế về các chương trình hành động bảo vệ môi trường, đặc biệt là giải quyết bài toán vừa hướng tới một nền kinh tế carbon thấp đồng thời đạt tốc độ phát triển vượt bậc.
Điều này góp phần thúc đẩy cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) về việc đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050. Để hiện thực hóa các cam kết này, cần có sự chung tay hành động của mỗi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, cùng với lộ trình thực hiện từ Chính phủ và cả hệ thống chính trị.
Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/chia-khoa-giup-doanh-nghiep-buoc-vao-ky-nguyen-xanh-ar952330.html