Chia sẻ khó khăn với người lao động

Đầu năm đến nay, tình hình sản xuất - kinh doanh của nhiều doanh nghiệp (DN) tiếp tục đối diện khó khăn. Người lao động (NLĐ) theo đó bị ảnh hưởng việc làm, thu nhập. Nhu cầu đảm bảo về việc làm, các chế độ phúc lợi và điều kiện được đào tạo nâng cao tay nghề để có sức cạnh tranh tốt hơn trong thị trường việc làm… là nguyện vọng của phần lớn NLĐ phản ánh đến các cơ quan, ban, ngành.

Trên địa bàn TP. Long Xuyên, tình hình lao động, việc làm của các DN được báo cáo vẫn chưa có tín hiệu lạc quan. Các DN, như: Công ty TNHH May xuất nhập khẩu Đức thành, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Cửu Long… tiếp tục giảm giờ, giảm ngày công, giảm lao động với trên 1.000 công nhân lao động bị ảnh hưởng. Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang Nguyễn Văn Dũng cho biết, tính đến tháng 5/2023, thu nhập bình quân của NLĐ tại DN chỉ khoảng 2,5 - 3 triệu đồng/người/tháng.

So trước đây, những tháng sản xuất bình thường, NLĐ có thể đạt được 6,5 - 8 triệu đồng/người/tháng. Do nhu cầu thị trường xuất khẩu giảm, đơn hàng không có, công nhân của công ty chỉ có thể làm việc 6 - 8 ngày, nhiều nhất là 16 -17 ngày/tháng. DN chủ trương không cắt giảm lao động, số lượng công nhân giảm là do tự nghỉ để tìm việc làm khác. Hy vọng đến những tháng cuối năm tình hình sẽ khởi sắc khi các thị trường lớn mở cửa trở lại.

Tại Khu công nghiệp Bình Hòa và Khu công nghiệp Bình Long, tình hình khó khăn của các DN đang trong hoàn cảnh tương tự. Theo Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh, dự báo từ nay đến cuối năm DN tiếp tục gặp khó khăn, thiếu đơn hàng dẫn đến cắt giảm và tạm hoãn hợp đồng lao động.

Theo báo cáo từ các DN, dự kiến Công ty TNHH An Giang Samho cắt giảm trên 4.000 lao động, sắp tới tiếp tục tạm hoãn hợp đồng lao động khoảng 800 người. Công ty TNHH Công nghệ may mặc Spectre An Giang Việt Nam đang có hơn 1.000 lao động, dự kiến sẽ cắt giảm từ 200 - 300 lao động. Với các DN trong ngành chế biến thủy sản, chủ yếu tập trung ở Khu công nghiệp Bình Long, việc sản xuất và duy trì việc làm của công nhân thời gian qua chỉ cầm chừng. Một số DN cho biết công nhân của họ làm việc không quá 7 ngày/tháng.

Lãnh đạo tỉnh hỗ trợ quà cho công nhân lao động gặp khó khăn ở các doanh nghiệp

Tình hình chung kinh tế - xã hội hiện nay được nhận định có tăng trưởng nhưng vẫn còn khó khăn. Do ảnh hưởng chiến tranh làm cho kinh tế thế giới có chiều hướng đi xuống, thị trường các nước lớn bị bó hẹp, chi tiêu giảm...

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh có 8.739 lao động bị ảnh hưởng việc làm. Ngoài ra, có trên 5.000 lao động làm việc ở các địa phương khác trở về quê. Ngoài vấn đề thiếu việc làm, các địa phương còn lo ngại tình hình an ninh trật tự.

Chị Thu Hà (công nhân ngành thủy sản) bày tỏ: “Việc làm của công nhân rất bấp bênh khiến chúng tôi không an tâm, lo sợ bị cắt giảm lao động, mất việc làm do DN thiếu đơn hàng. Hiện nay, công nhân chủ yếu làm thuê cho các DN gia công nên chúng tôi rất mong muốn được đào tạo nghề, tiếp cận với công nghệ hiện đại để có cơ hội làm việc ở DN có thu nhập tốt hơn.

Vấn đề đáng lo nữa là trong khi các DN đang gặp nhiều khó khăn, thu nhập của công nhân bị ảnh hưởng… nhưng giá cả nông sản, vật tư nông nghiệp, giá nhiên liệu ngày càng tăng. Chúng tôi rất cần nhà nước có giải pháp để bình ổn giá, giúp NLĐ giảm bớt khó khăn, yên tâm lao động sản xuất”.

Theo Phó Trưởng ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh An Giang Nguyễn Hồng Quang, tỉnh đang tập trung đầu tư đối với các khu công nghiệp. Do dịch COVID-19, một số dự án triển khai không đúng tiến độ và hiện nay đang được xúc tiến tiếp tục. Trong năm nay, dự kiến có thêm DN đầu tư mới tại Khu công nghiệp Bình Hòa và Khu công nghiệp Xuân Tô. Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh và các sở, ngành đang quy hoạch và trình UBND tỉnh mở rộng Khu công nghiệp Bình Hòa 2 trên Tỉnh lộ 941, quy mô khoảng 200ha.

“Tỉnh đang thực hiện thủ tục để hình thành Khu công nghiệp Định Thành trên trục cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. An Giang còn được Chính phủ thống nhất chủ trương đầu tư Khu công nghiệp Vàm Cống, tương lai gần hoạt động sẽ giải quyết việc làm đáng kể cho lao động TP. Long Xuyên và các huyện lân cận. Từ nay đến năm 2030, tỉnh quy hoạch đất công nghiệp khoảng 825ha. Đây là bức tranh tương đối sáng sủa để giải quyết việc làm cho NLĐ trên địa bàn tỉnh”- ông Nguyễn Hồng Quang thông tin.

Với tình hình trước mắt, để giải quyết một phần cung - cầu lao động trên địa bàn tỉnh, đảm bảo ổn định tình hình quan hệ lao động tại các DN, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động tỉnh kết nối các địa phương, DN đẩy mạnh giới thiệu việc làm cho NLĐ. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu các giải pháp hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất. Đặc biệt, quan tâm xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa tại các DN có khả năng nảy sinh tình hình phức tạp.

Để góp phần ổn định tình hình việc làm, đời sống NLĐ trên địa bàn tỉnh, các cấp công đoàn được chỉ đạo tập trung công tác chăm lo, bảo vệ quyền lợi ích của NLĐ, nắm sát tình hình tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, NLĐ và những vấn đề không tích cực để ổn định tình hình. Chính quyền các địa phương đồng thời kết nối với ngành chức năng, các DN trên địa bàn có nhu cầu tuyển dụng lao động để tạo công ăn, việc làm cho NLĐ.

HOÀI ANH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/chia-se-kho-khan-voi-nguoi-lao-dong-a365142.html