Chiếc áo cam của Duyên và thành công từ 'một khu vườn, không bê tông
Sau lần thứ 2 thất bại với dự án khởi nghiệp của mình, Khánh Duyên bế em bé chưa đầy 1 tuổi của mình trở về quê. Nhưng mọi thứ đã thay đổi, Duyên từng nghĩ rằng mình sẽ lại ra đi, nhưng rồi những khát khao giữ lại mảnh vườn xanh cho làng đã níu cô ở lại.
Khánh Duyên là tên thường gọi của Bùi Thị Duyên, nữ thuyền trưởng của HTX Nông Dược Gotafarm, người sáng lập dự án nông nghiệp xanh ở Thụy Văn (Thái Thụy, Thái Bình), hướng tới mục tiêu “giữ vườn cho làng”, với khẩu hiệu “Got-a-Farm, Not cement” (một khu vườn, không bê tông).
Gập ghềnh đường về
Câu chuyện khởi nghiệp tràn đầy cảm hứng của Khánh Duyên bắt đầu cách đây vừa tròn 7 năm. Sau hơn một thập kỷ rong ruổi khắp các phố xá từ Bắc chí Nam theo đuổi học vấn và sự nghiệp, đến năm 2017 sau khi sinh con, cùng những khó khăn trong công việc, cô quyết định bỏ phố về làng.
Quyết định trở về nơi mình sinh ra, theo Duyên, vừa để nghỉ ngơi sau quãng thời gian dài đi xa, vừa để được một lần nữa sống giữa không gian xanh của làng quê. Nhưng đường về không hề bằng phẳng.
“Ngày tôi trở lại, làng quê đã thay da đổi thịt. Nhà tranh mái ngói đã thay bằng nhà mái bằng, những con đường đất lầy lội đã được rải nhựa sạch sẽ, những mảnh vườn lớn nằm giữa những ngôi nhà cũng dần thu hẹp lại vì đô thị hóa”, Khánh Duyên chia sẻ.
Những thay đổi của quê hương phần nào khiến Duyên cảm thấy hụt hẫng. Cô lang thang tự hỏi, liệu có khi nào mình bỏ phố về làng nhưng rồi sẽ lại ra đi, vì làng giờ đây đã sắp trở thành phố? Nhưng rồi, sau nhiều trải nghiệm, và đặc biệt là khát khao được cống hiến, giữ lại những mảng xanh cho làng đã níu chân cô ở lại, khởi đầu một hành trình đầy cảm hứng.
Nhớ lại những ngày đầu quyết định ở lại sống hết mình với quê hương, Khánh Duyên kể, để kiếm sống cô quyết định nộp đơn xin việc vào một công ty ở địa phương nhưng họ không nhận, vì khi có con nhỏ thì nhân sự không đóng góp nhiệt huyết được cho công ty.
Sau lần đầu tiên xin việc bất thành, Duyên tiếp tục ứng tuyển vào công ty Yazaki, một doanh nghiệp của người Nhật Bản để làm công nhân sản xuất dây điện. “Nhận công việc này, mục đích kiếm tiền không phải là mục tiêu cao nhất, mà mình xác định mục đích là sẽ ở lại công ty này cho đến khi nào mình học được chút gì đó cách người Nhật quản lý sản xuất trong nhà máy của họ, dự kiến là 6 tháng”, Khánh Duyên chia sẻ.
Dự kiến là thế, nhưng cuối cùng Khánh Duyên đã ở lại công ty gần 12 tháng. Hàng ngày đi làm, có hai thứ cô quan sát nhiều nhất: một là những cuộn dây điện, hai là những người bạn cùng dây chuyền sản xuất chuyên mặc áo màu cam.
Khoảng thời gian làm việc cho người Nhật cũng là sự khởi phát cho “câu chuyện về chiếc áo màu cam” của vị nữ thuyền trưởng HTX Gotafarm. Chiếc áo cam, vốn là đồng phục của công ty, có màu sắc rất nóng, nhưng theo Khánh Duyên, mặc lên lại rất mát.
Sở dĩ chiếc áo màu cam truyền cảm hứng lớn cho Khánh Duyên là bởi đây là khoảng thời gian có nhiều ý nghĩa với chị. Không chỉ vì những bài học về quản lý sản xuất mà còn vì chị đã trực tiếp làm công nhân nhà máy, để có thể hiểu hơn về tâm lý của nhân sự lao động.
“Màu cam cũng là biểu trưng cho sự vui vẻ và nhiệt tình, rất gần với tính cách của mình. Trong 5 năm qua, từ đi làm vườn, đi hội chợ bán hàng, đi hội thảo, đi học, thậm chí lên sân khấu nhận giải thưởng thi khởi nghiệp mình cũng mặc. Mặc nhiều quen mắt đến nỗi có bạn gọi mình là Cô Gái Áo Cam”, Duyên vui vẻ nói.
Phía trước là bầu trời
Những cảm hứng từ thời gian khoác trên mình chiếc áo màu cam đã truyền động lực để Khánh Duyên xây dựng nên những mảnh vườn xanh sau này. Suốt gần 1 năm làm việc ở công ty, cứ hôm nào làm ca kíp thì nửa ngày chị đi công ty bê dây điện, nửa ngày về làm vườn.
Năm 2018, sau gần 1 năm tích lũy kinh nghiệm, Duyên xin nghỉ làm ở công ty, chính thức bước vào hành trình thực hiện dự án “giữ vườn trong làng” trong bối cảnh “bê tông hóa” nhanh chóng. Từ đây, Tổ hợp tác Gồ Trại được thành lập.
Gồ Trại là tập hợp của Duyên và 1 nhóm người trẻ địa phương có cùng chí hướng, quyết tâm liên kết những mảnh vườn cuối cùng còn sót lại và tạo thành mạng lưới vườn trong làng. Gotafarm sau này cũng mang ý nghĩa là được sống giữa mảnh vườn xanh, với khẩu hiệu “Got a Farm, Not cement” (một khu vườn, không bê tông).
Hướng đến những giá trị bền vững, những thành viên của Tổ hợp tác Gồ Trại trước đó, hay HTX Nông Dược Gotafarm sau này, đã chủ động chuyển đổi phương thức canh tác hóa chất sang canh tác định hướng hữu cơ sinh thái, thuận tự nhiên.
Việc chuyển đổi từ canh tác hóa chất sang phương pháp mới an toàn hơn cũng đồng nghĩa với việc các thành viên của Nông Dược Gotafarm phải đối mặt với nhiều thách thức và yêu cầu thời gian để chuyển đổi. Đặc biệt là đối với những người chưa có nhiều kinh nghiệm về nông nghiệp thì việc áp dụng lý thuyết vào thực tiễn còn khó khăn và thử thách gấp bội.
Khánh Duyên, với tư cách là đầu tàu của team Gotafarm, cho hay để hóa giải những thách thức, chị và các cộng sự đã đã nỗ lực kết hợp giữa đa canh, độc canh trên từng khu vực để đảm bảo cân bằng giữa sản lượng và quản lý sâu bệnh.
Cụ thể, để bổ sung dinh dưỡng trong từng giai đoạn phát triển của cây, team Gotafarm sử dụng phân trùn quế, phân dê, phân gà và sinh khối từ cỏ dại trong vườn. Đối với vấn đề sâu bệnh, team sử dụng nấm 3 màu, vi khuẩn BT để điều trị và quản lý sâu xanh, rệp. Team cũng sử dụng khuẩn đối kháng Pseudomonas để điều trị các vấn đề về héo xanh và nấm đen than...
“Những chế phẩm sinh học trên được khuyên dùng bởi các chuyên gia nông nghiệp, nhưng một khi đã can thiệp vào nông trại thì phương pháp canh tác đó không còn gọi là “thuận tự nhiên” nữa. Vì vậy, chúng tôi chỉ dám tự nhận là trung thực và minh bạch trong "canh tác nông nghiệp theo mô hình chuyển đổi sạch, không sử dụng phân thuốc hóa học", còn việc đạt được tiêu chuẩn hữu cơ vẫn còn là một mục tiêu xa vời”, Khánh Duyên bộc bạch.
Chính sự minh bạch và trung thực trong sản xuất, cùng những nỗ lực không ngừng của Duyên và các cộng sự, giúp dự án Nông dược Gotafarm ngày càng phát triển, có được nhưng thành công vượt ngoài mong đợi.
Từ một mô hình nhỏ, đến nay, Gotafarm có hệ thống 3.000 khách hàng và đại lý trên toàn quốc, hệ thống 10 nhà vườn trong chuỗi cung ứng nguyên liệu sản xuất, nhà xưởng nhỏ cơ bản có tiêu chuẩn quản lý vận hành theo ISO 9001:2015.
Hàng năm, HTX cung ứng ra thị trường các sản phẩm chất lượng cao chế biến 15 thảo dược như: bạc hà, hoa cúc cổ, lạc đỏ, đinh lăng, ngải cứu... Hiện, nhiều khâu trong quá trình vận hành HTX đã được số hóa, đặc biệt là kết nối, tiêu thụ sản phẩm.
Các sản phẩm của HTX được bán trên website, facebook và các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, sàn thương mại điện tử Thái Bình. Qua các kênh này, nhiều khách hàng biết đến sản phẩm của HTX hơn. Chị Duyên cũng nhấn mạnh chuyển đổi số sẽ là hướng đi bền vững cho HTX trong thời gian tới.
Nói về hoạt động của HTX, người sáng lập Gotafarm, cho hay mục tiêu của đơn vị không chỉ là lợi nhuận mà quan trọng nhất là nỗ lực mang lại giá trị cho cộng đồng và môi trường, đảm bảo tiêu chuẩn và đạo đức kinh doanh. Đồng thời tạo ra cơ hội phát triển cho các cộng sự, đối tác, nhà vườn.
“Niềm vui lớn nhất của chúng tôi hiện tại là được sống và làm việc trên mảnh đất bình yên quê nhà, đồng thời lan tỏa tinh thần làm nông nghiệp tử tế, tăng cường sinh kế cho người dân địa phương từ chính mảnh vườn xanh của mình”, nữ thuyền trưởng HTX sinh năm 1988 chia sẻ.