Chiếc cối đá xay bột của bà tôi

Nói đến cối xay bột bằng đá, người từng sống ở các làng quê ngày xưa hầu như ai cũng biết. Đó là vật dụng dùng để xay bột, được làm từ loại đá tự nhiên nguyên khối, có hình trụ tròn, gồm hai thớt chồng lên nhau. Thớt trên có hai tai vuông nhô ra, đối diện, mỗi bên được đục cái lỗ để gắn tay cầm cho thuận tiện khi quay, ở giữa miệng cối cũng được đục một lỗ để gạo hoặc các loại hạt có thể chảy xuống khi cần xay. Thớt dưới, ngoài phần hình trụ tròn tương đồng với thớt trên, được đục những đường răng cưa, còn có thêm một cái máng chạy quanh để hứng khi bột xay xong chảy xuống. Cối có thể xay cả bột khô lẫn bột nước. Nhằm giữ cho cối luôn ở thế thăng bằng, người ta nối giữa thớt dưới và thớt trên bằng một trụ gỗ, còn gọi là ngõng. Ngõng cối thường làm bằng cây ổi già hoặc cây vú sữa - những loại cây không chỉ bền, lâu mòn, mà bột gỗ có bị mài ra chút ít lúc cối quay cũng không sao, vì đó là các loại cây không độc, ngược lại tốt cho sức khỏe.

Ngày xưa, nhà ông bà nội tôi từng có một chiếc cối xay như vậy, nghe đâu ông bà mua từ lúc hai người mới lấy nhau vì bà vốn thích làm các loại bánh. Tôi còn nhớ, chiếc cối ấy được đặt trên một cái bệ cũng bằng đá nằm dưới mái hiên, nơi tiếp giáp với nhà bếp, gần khoảng sân có cây mít nghệ luôn phủ bóng mát, một vị trí vừa thoáng, vừa thuận lợi cho việc xay bột. Vật dụng ấy quá quen thuộc với tôi, và chính nó đã góp phần nuôi lớn tuổi ấu thơ của anh em tôi bằng các món bánh từ bàn tay của bà, của mẹ.

Ngoài bánh in phải xay bột khô, còn lại các loại bánh khác như: Bánh xèo, bánh bèo, bánh đúc, bánh giò, bánh ít… được bà nội và mẹ tôi làm thời ấy đều được xay bằng bột nước. Cho đến bây giờ, tôi vẫn chưa quên cảm giác sung sướng khi vào một buổi sáng, bất ngờ bà nội xúc gạo đổ vào thau để ngâm rồi thông báo buổi chiều cả nhà sẽ được ăn bánh xèo. Ở làng quê, khi cuộc sống còn khó khăn, nhiều bữa phải ăn cơm độn sắn, độn khoai, lâu lâu có được bữa bánh xèo, trong nhà ai nấy vui lắm. Mẹ tôi được bà dặn dò ra chợ nhớ mua giá, thịt heo ba chỉ và tôm, cha được phân công bẻ cái bắp chuối sứ sau hè để bà làm rau sống trộn cùng các thứ như: húng, quế, é tím… có sẵn ở cuối vườn, còn tôi cùng chị Hai xay bột. Cầm thanh gỗ cắm trên tai cối đá, quay hết vòng này tới vòng khác, kể ra không phải không mệt, nhưng với tôi, mọi thứ trở nên nhẹ nhàng khi nghĩ chỉ thời gian ngắn nữa thôi, mình sẽ được ngồi trước đĩa bánh xèo vàng rụm, thơm lừng, béo ngậy.

Vào ngày mùa, đôi khi để mời mấy cô, mấy thím cấy lúa giùm ăn bữa giữa buổi, chúng tôi cũng được phân công xay bột để bà nội làm bánh đúc. Bánh đúc bà tôi làm chấm với tương đậu nành, ai ăn cũng khen ngon, vì ngoài việc chọn vôi lọc nước để ngâm gạo, bà còn dùng mỡ heo rán thấm vào lá mướp, phết vào đáy và quanh chiếc nồi bằng gang đang nóng trước khi đổ bột vào, khuấy đều. Khi bột đã chín, bà đổ ra mấy cái sịa có lót sẵn lá chuối, sau đó rắc lên mặt một lớp bột tôm khô đã được tao dầu cùng với lá hẹ.

Không chỉ làm bánh để ăn, có khi mẹ và bà nội còn làm bánh ít lá gai, bánh ít trần nhân tôm thịt… để cúng giỗ, hoặc làm quà biếu bà con hàng xóm. Không phải ai cũng có sẵn tiền để sắm cối xay, nên một số gia đình trong xóm, mỗi lần muốn có bột đã mang gạo, mang nếp đến nhà tôi xay nhờ. Nhiều khi, trong xóm có nhà làm bánh xèo, thế là mấy nhà khác cũng làm theo. Cái cối xay bột như góp phần kết nối tình thân gia đình, làng xóm. Một bữa, biết chúng tôi thích bánh bèo, từ trưa, bà nội và mẹ ngâm gạo, bảo chúng tôi xay. Chiều đến, khi những chén bánh bèo hấp chín được sắp đầy trên mấy cái rổ, bất ngờ nhà tôi có bốn vị khách ghé tới. Đó là mấy chú ở trong làng, hẹn cùng đến gặp cha tôi để bàn việc cúng đình vào tháng sau. Thấy bánh bèo ai cũng trầm trồ. Vốn hiếu khách, bà nội tôi mời ngay, mấy chú cũng chẳng từ chối. Lúc ấy, nhìn bọn nhỏ chúng tôi, nhận ra mặt đứa nào đứa nấy thoáng buồn, bà liền hiểu ý, gọi tất cả xuống nhà bếp, nói nhỏ: “Mấy đứa rủ nhau đến các nhà trong xóm chơi đi. Bánh bèo bà mời khách, lát nữa, bà sẽ bắt con gà nấu cháo bù lại cho!”. Nghe bà nói, chúng tôi rủ nhau đi chơi. Tối hôm ấy với chúng tôi là một buổi tối sung sướng còn hơn được ăn bánh bèo, vì đâu dễ có dịp bà nội bắt một con gà mái sắp kêu ổ, làm thịt…

Có biết bao nhiêu chuyện gắn liền với cái cối xay bột của bà tôi trong những ngày tháng yên bình nơi quê nhà cả khi mưa, khi nắng; cả lúc nông nhàn hay lúc vào mùa bận rộn. Nhưng rồi chiến tranh diễn ra ngày một ác liệt. Quê tôi bị bom Mỹ tàn phá dữ dội vì kẻ thù coi đó là “vùng trắng”. Nhà cửa cháy trụi. Một số gia đình trốn vào rừng, số còn lại tất cả tản cư tìm đến những nơi khác để sinh sống. Cái cối xay bột của bà nội tôi bị bom vùi đâu đó trong lòng đất. Ngày hòa bình, chúng tôi trở lại quê xưa - nơi lúc này chỉ là vùng đất hoang đầy cỏ cây, lau lách. Sau chiến tranh, khó khăn đầy ắp, nhưng rồi cuộc sống dần dần hồi sinh, và chúng tôi lớn lên, vào đời.

Chủ nhật vừa rồi tôi đến Diên Khánh chơi, một anh bạn rủ ra quán cà phê trò chuyện. Quán nhỏ, nhưng ở tiền sảnh chủ nhân đã tạo được một tiểu cảnh xinh xinh, khá ấn tượng, vì cạnh gốc cây mít lúc lắc quả có đặt một chiếc cối xay bột bằng đá cùng mấy cái lu, cái nồi bằng đất, bằng gang và một số dụng cụ làm bánh mà người xưa hay sử dụng. Tất cả trông gần gũi quá, làm sống dậy trong tôi một vùng ký ức. Hồi còn nhỏ, cũng với chiếc cối xay bột y hệt thế kia, chuẩn bị giúp bà, giúp mẹ làm bánh, tôi đã xúc từng vá gạo ngâm mềm, đổ vào miệng cối rồi cầm cái thanh gỗ lần lượt quay tròn, quay tròn, cho đến khi gạo nhuyễn, chảy xuống như một dòng sữa trắng mịn màng...

HOÀNG NHẬT TUYÊN

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/nhung-vung-ky-uc/202408/chiec-coi-da-xay-bot-cua-ba-toi-7f97a2d/