Chiếc đèn măng xông

TP. Rạch Giá (Kiên Giang) nơi tôi đang sống luôn rực rỡ ánh sáng khi về đêm. Ánh sáng tràn ngập những con đường, quán cà phê, căn nhà. Ánh sáng đô thị lung linh gợi cho tôi về thứ ánh sáng đã dần lui vào dĩ vãng, đó là ánh sáng của chiếc đèn măng xông quê tôi.

Những bậc cao niên kể, đèn măng xông xuất xứ bên Tây, có người gọi nó là đèn át đa. Thời chưa có điện, muốn mua một cây đèn măng xông phải tốn gần trăm giạ lúa, nhà nào có điều kiện mới mua để thắp sáng khi nhà có đám tiệc hay dịp tết.

Ngày đó xóm tôi có được vài cây đèn măng xông. Ánh đèn quê mở ra không gian ấm áp tình làng nghĩa xóm. Sau một ngày làm việc vất vả, mọi người tập trung về nhà chú Sáu cuối xóm nói chuyện. Những câu chuyện ruộng vườn, học hành của con cháu được nối dài bên ánh đèn măng xông.

Một chiếc đèn măng xông ngày trước có giá gần trăm giạ lúa.

Một chiếc đèn măng xông ngày trước có giá gần trăm giạ lúa.

Ngoại tôi cũng có một cây đèn măng xông, mấy chục năm qua cây đèn vẫn dùng tốt. Cứ rảnh là ngoại mang đèn ra lau chùi, ngắm. Cả cuộc đời ngoại vất vả ngược xuôi, gắn bó với ruộng đồng, dành dụm, ngoại cũng mua được chiếc đèn. Ngoại cưng cây đèn lắm nên việc thay lưới măng xông và đốt đèn đều do ngoại làm. Cái măng xông như một túi lưới nhỏ, khi thay lưới phải cẩn thận vì nếu măng xông rách thì không thể thắp sáng được. Lấy lưới ra, nhúng thêm dầu, sau đó ngoại châm lửa, cái măng xông bắt lửa cháy đen thui, méo mó. Vậy mà, chỉ vài giây sau, nó cháy sáng và tròn đều như quả trứng gà, bắt đầu phát sáng.

Nhà bác Sáu ở đầu xóm cũng có một cây đèn măng xông của người cha quá cố để lại. Trước mỗi buổi cất vó đêm, bác Sáu đều lấy đèn ra bơm thêm dầu. Bọn trẻ con chỉ chờ cơ hội này để vây quanh xem. Chúng tôi thấy bác Sáu châm dầu vào đèn rồi bơm hơi. Sau khi châm lửa, cái măng xông sáng từ từ rồi bất ngờ sáng choang, phát ra âm thanh khè khè vui tai.

Công việc cất vó, giăng câu gắn bó với bác Sáu gần 20 năm và cũng từng ấy năm ánh đèn măng xông miệt mài soi tỏa cho cuộc mưu sinh nhọc nhằn về đêm. Thời chưa có điện, người đi cất vó đêm chỉ mong có cây đèn dầu là tốt lắm, bởi vậy nhà có đèn măng xông là bác Sáu thấy mình may mắn hơn người khác. Túi lưới măng xông nhỏ mà tỏa ánh sáng không thua kém ánh đèn điện bây giờ. Bọn trẻ con tụi tôi phụ bác Sáu cất vó xuống kênh.

Trong lúc chờ cất vó lên, chúng tôi ngồi chụm lại một chỗ nghe bác Sáu kể chuyện. Đêm tối, mấy mái đầu trẻ con chụm vào nhau, lâu lâu lại nghe vài tiếng đập muỗi bộp bộp, tiếng cười thích thú khi nghe được câu chuyện vui của bác Sáu. Quanh năm cất vó, giăng câu kiếm sống, bác Sáu không dư dả nên phải tranh thủ đi soi cá đêm. Công việc này vừa cải thiện bữa ăn vừa giúp bác có thêm thu nhập. Trận mưa hồi chiều làm cá lóc lên bờ ruộng nhiều. Đèn măng xông phát huy công dụng, tỏa ánh sáng rộng khắp bờ mương, bụi cỏ. Sau khi bắt đủ cá, bác Sáu lại bơm thêm dầu cho chuyến đi soi cá đêm mai.

Ánh đèn măng xông soi tỏa cho những cuộc mưu sinh nhọc nhằn về đêm của những nông dân miền Tây.

Ánh đèn măng xông soi tỏa cho những cuộc mưu sinh nhọc nhằn về đêm của những nông dân miền Tây.

Xóm tôi ngày ấy vui nhất là khi nhà ai đó đãi tiệc, đám giỗ hay cưới hỏi. Từ chiều bà con tập trung làm cá, lặt rau, vo gạo. Đám tiệc đãi vào ban đêm thường có một, hai chiếc đèn măng xông soi sáng. Chiếc đèn măng xông thường ngày là gia tài đối với nhiều người nhưng hễ nhà nào không có sang mượn hàng xóm là được ngay. Người mượn mua thêm dầu về thắp là được. Thế mới thấy bà con thương nhau, san sẻ cho nhau mọi thứ trong cuộc sống. Cái tình của người ở nông thôn là vậy.

Ngoài sân, mấy cô bác bày biện thức ăn, chén dĩa thì bên trong chú Hai bơm dầu cho đèn cháy đến khi tàn tiệc. Bọn trẻ con vây quanh, thích thú ngắm nhìn vì ngày thường không có ai đem đèn măng xông ra thắp. Đứng xem vậy chứ phải thật cẩn thận, làm bể đèn là ăn đòn như chơi. Đám tiệc vui hơn khi có sự góp mặt của đèn măng xông. Chiếc đèn măng xông đặt giữa phát ra ánh sáng cả một khoảng sân rộng.

Theo thời gian, ánh đèn điện dần thay thế những chiếc đèn quê. Bây giờ, người ta chỉ có thể thấy cây đèn măng xông trong bộ sưu tập của những người đam mê đồ cổ. Nó nhắc con người về một thời đã xa, về thứ ánh sáng chan chứa hồn quê đã lui vào dĩ vãng.

Để tìm lại hồi ức năm xưa, nhiều người tìm về những không gian có thứ ánh sáng hoài cổ này. Đâu đó giữa lòng đô thị vẫn còn tìm thấy chiếc đèn măng xông trong những quán cà phê. Tuy chúng không còn được đốt bằng túi lưới măng xông mà thay thế bằng bóng đèn điện nhưng hình dáng của chiếc đèn măng xông vẫn không thay đổi, vẫn tỏa thứ ánh sáng cho tôi và những người dân quê bao hồi ức ngọt ngào.

Bài và ảnh:NGUYỄN THẾ ANH

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/van-hoa-the-thao/chiec-den-mang-xong-16662.html