Chiếc hòm gỗ thông

Ngày ấy, bố tôi dạy học ở cái trường nằm ở cuối huyện, huyện nằm cuối tỉnh giáp chân đèo. Đèo vắng thường ít người qua lại, lâu lâu thấy một cái xe tải bụi bặm ì ạch leo dốc.

Nhà tôi nằm gần đường nhưng cũng cô quạnh. Tối đến, bố tôi thường chong đèn khoảng một tiếng để chấm bài cho học trò. Hằng ngày, sau giờ đi dạy ông lên rừng kiếm củi, xúc tép dưới suối, trồng khoai, ngô trên đồi và luyện một bài sáo tên là "Bèo dạt mây trôi".

 Minh họa.: TQ.

Minh họa.: TQ.

Tối đến, quanh vòng sáng của chiếc đèn dầu hỏa mùi khét lẹt, bố chấm bài, mẹ ngồi đan len. Những cuộn len mót lại từ áo cũ đứt nối liên tiếp. Em Hà ngủ trên đùi mẹ, tôi thì đem bút chì ra vẽ ngay cạnh bố. Một nhịp sống đều đặn quanh ánh sáng hiếm hoi mà ấm cúng. Tháng ngày cứ thế trôi…

Bố tôi chấm bài loang loáng, học trò của ông thường không viết được dài, chỉ thi thoảng mới thấy ông dừng lại đọc bài của ai đó viết kỹ. Tôi để ý, khi nói với mẹ ông thường gọi học trò là anh này, anh kia và giảng giải về gia cảnh từng người trong số đó.

Một hôm, tôi bị sốt nên nghỉ học ở nhà một mình. Mẹ địu em Hà đến cửa hàng, bố đi dạy. Vì sợ các góc tối trong nhà nên tôi cứ lảng vảng ngoài sân. Bỗng có một người lạ xuất hiện. Thấy tôi, người đó thò tay qua nan gỗ của cánh cổng gọi với vào trong:

- Ê cò, nhà thầy Bình phải không?

Tôi sợ hãi bởi thấy người này ăn mặc có vẻ phong trần, tay chân nhiều vết sẹo như dân từ bãi vàng hay xẻ gỗ về. Thấy tôi còn chần chừ, người đó bảo: “Anh là con của ông Mẫn ở rừng Nậm Pu…"

Tôi từng nghe cha tôi kể có một người thợ săn rất giỏi ở rừng Nậm Pu tên là Mẫn. Trong một lần đi săn, ông bị hỏng một bên mắt. Từ đó, ông Mẫn rất ngại xuống núi. Một lần, lên núi chiêu sinh, cha tôi gặp và hứa sẽ đưa người con của ông tên là Chiến xuống thị trấn học cho nên người. Nhưng rồi chính cha tôi lại trôi dạt đến cái vùng xa xôi này. Chẳng biết tại sao, anh Chiến vẫn tìm được nhà tôi.

Bố tôi thận trọng hỏi:

- Thế sao học hết lớp 5 cháu lại đi đãi vàng.

- Cháu thấy bụng đói thì chẳng làm được gì. Cháu theo người ta đi đãi đủ cho bố cháu mua thóc ăn ba năm, giờ cháu lại xin thầy con chữ.

Cha tôi lấy cái đèn Hoa Kỳ cất kỹ trong gầm tủ ra thắp lên sáng trưng. Thường phải có việc đại sự ông mới thắp. Rồi tiện tay ông vớ lấy kéo cắt phăng đám tóc rối bù của anh Chiến. Mẹ tôi đun nước lá thơm giục anh tắm gội.

Sáng hôm sau nhìn anh bận bộ quần áo cũ của bố tôi, đi dép nhựa trắng, xách cái cặp da cũ đi theo bố tôi đến trường nom chẳng còn chút gì phong trần nữa.

Từ lúc anh xuất hiện, nhà tôi có nhiều sự thay đổi. Cái hiên được thưng ván, cơi nới ra thành phòng học. Chiều chiều anh lên đồi cuốc hốc trồng thêm sắn, tra hạt trồng ngô, đỗ tương, khoai hoàng long. Nhưng cây chưa ra bắp, mập củ thì thùng gạo nhà tôi đã vơi, anh Chiến ăn khỏe như một bác lực điền nhưng rất hay mơ mộng. Nghe bảo đi học trên lớp Toán anh quên sạch các công thức từ hồi cấp I nhưng lại ngồi viết thư cho chị nào đó rất hay. Bố tôi bảo chẳng biết mai này anh làm nghề gì…

Thế rồi bất ngờ tiếng súng nổ trên chiến trường biên giới trong mùa xuân năm ấy. Trưa hôm ấy bố tôi hớt hải chạy về: “Thằng Chiến đâu, có ở nhà không?”. Mẹ tôi lắc đầu rồi nhìn ra phía bên kia sườn núi nơi có con đường mòn quanh co ra huyện. Anh Chiến xung phong ra trận thật. Anh cứ đi như thế, bỏ lại sách vở và bao câu hỏi.

Cái tin anh Chiến hy sinh đến trước lá thư anh gửi về cho gia đình tôi. Trong căn phòng được thưng bằng bìa gỗ của anh, đồ đạc khá ngăn nắp, thứ duy nhất mà anh để lại là chiếc hòm gỗ thông anh mang theo từ khi đến nhà tôi luôn được khóa chặt.

***

Nhiều năm sau khi chiến tranh đã lùi xa, cuộc sống trở lại thanh bình. Tôi thi đỗ đại học rồi ở lại Hà Nội. Kinh tế thị trường bắt đầu tạo ra những áp lực về vật chất như màn sương bao phủ khiến tầm nhìn của tôi chỉ luẩn quẩn nhà cửa, con cái, đời cứ vụn vặt lo toan như thế.

Bố mẹ tôi già đi theo từng ngày. Từng ngón tay chậm lại, mẹ tôi đeo kính đan từng sợi len như muốn níu lại từng tích tắc cuộc đời. Không còn mối nối, từng sợi len mượt đằng đẵng. Đến một ngày cha tôi không còn dạy thêm cho bọn trẻ nữa. Chúng đạp xe ào đi trên con đường rải bê tông đến nhà cô giáo trẻ luyện đề thi cho “trúng tủ”. Ông giáo già lại lấy cây sáo trúc thổi bài "Bèo dạt mây trôi" để lũ chim non rớt xuống sau trận bão từ cái tổ sau vườn tập hót líu lo.

Bố mẹ tôi đem chuyện ăn củ mài, củ sắn độn ngày xưa ra kể khiến cho bọn trẻ con cười thích thú. Tụi trẻ ăn của ngon, vật lạ chán chê giờ lại thích mấy món con nhà nghèo.

Chiều bọn trẻ, tôi vác cuốc lên đồi tính đào khoai lang mầm. Lâu không lao động, mồ hôi tứa ra, thở hồng hộc ra cả đằng tai. Bỗng tôi cuốc phải vật gì khiến lưỡi cuốc bật ra. Một bọc nilon bọc kín, có vẻ mưa nắng vẫn chưa xâm nhập được vào bên trong. Tôi thận trọng mở ra, bên trong có một chiếc chìa khóa đồng đã hoen rỉ. Tôi đem về, lặng lẽ ngâm dầu, tẩy sạch lớp oxy hóa, những chiếc răng cưa hiện ra như một câu đố thách thức bộ não của tôi.

Chiếc chìa khóa này có phải là sự lãng quên, sự che giấu hay trò tinh quái của ai chăng? Tôi bắt đầu tò mò tra vào từng ổ khóa trong nhà nhưng đều không được. Tôi từ bỏ sự tò mò ấy và đem những chuyện xưa ra ôn lại nhằm khôi phục bộ não đã mờ dần những vết hằn của bố tôi. Giờ trước mặt tôi là một ông cụ lẩn thẩn, tóc bạc, răng rụng hay cáu kỉnh vặt vãnh. Tôi lại thấy ở sự lộn xộn đó nhưng mảnh ký ức vương vãi.

Đột nhiên, bố tôi bảo:

- Sao chẳng ai mở cái hòm của anh Chiến ra nhỉ?

Ông thường hay có cách nói như thế. Bao giờ cũng đặt câu hỏi về “ai” vu vơ xa xôi nhưng thực ra muốn nói ra ý muốn của mình. Tôi thử lấy chiếc chìa khóa ra mở, ổ khóa vẫn đứng im. Cha tôi trầm ngâm một lát rồi nhắc:

- Đừng tra sâu quá, để dư một mẩu, xoay xem.

Tiếng ổ khóa kêu “tách” làm cha con tôi đều cảm thấy ớn lạnh. Bên trong chiếc hòm là những cuốn sổ đã ố vàng, chiếc bút máy Trường Sơn đã khô mực và một vài thứ đồ kỷ niệm. Tôi khẽ mở lá thư được gấp theo kiểu cánh chim trong chiếc phong bì được làm từ giấy thếp. Bên trong là thư của anh Chiến với mấy dòng chữ thế này:

“Anh chưa biết chiến tranh như thế nào nhưng xác định sẽ không ngại nơi cam go nguy hiểm nhất. Anh muốn đi bộ đội là phải đến nơi giằng co quyết liệt nhất để có chết cũng xứng đáng với mảnh đất mình sinh ra. Quê anh sau rừng Nậm Pu có con suối chảy róc rách quanh năm không hết nước. Anh tin rằng sau ba năm nếu anh không về, em sẽ mở chiếc hòm này ra vì em là một đứa trẻ. Em hãy cùng thầy về quê một lần xem bố của anh sức khỏe ra sao, nhà anh ở…”.

Tôi lặng người. Cha tôi hỏi nhưng tôi không nói. Giờ đã là hai mươi năm, hai mươi năm sau chiến tranh chứ có ít ỏi gì nữa. Nói ra được ích gì? Trong từng lá thư chưa gửi, anh Chiến viết cho người mẹ đã đi xa, cho người bạn bị liệt chân mà hằng ngày anh mang cá suối và bài đến cho người đó học. Một bà cụ mù lòa nghe anh kể về các loài hoa. Một người bán hàng dưới chợ mất con cứ nhận lầm anh là đứa con lưu lạc trở về…

Tôi theo chân người bà con ở xóm nhỏ dưới chân Nậm Pu ngược dốc. Mộ của bố của anh Chiến nằm ngay sườn đồi. Bên cạnh là ngôi mộ của anh.

“Thực ra lập cho vơi bớt nỗi đau chứ có xương cốt gì đâu. Giờ Chiến nằm đâu đồng đội còn chưa tìm được” - người họ hàng đã nói với tôi như thế. Tôi cũng tin dù nằm lại ở bản làng nào, với anh nơi đó cũng là quê hương.

Truyện ngắn của Bùi Việt Phương

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/chiec-hom-go-thong-postid415397.bbg