Chiêm Hóa phát triển vùng sản xuất rau an toàn
Với điều kiện thổ nhưỡng thuận lợi, người nông dân cần cù, chịu khó, cùng kinh nghiệm canh tác lâu đời, thời gian qua huyện Chiêm Hóa đã chú trọng phát triển vùng sản xuất rau an toàn nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích đất canh tác, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của từng địa phương.
Phát huy lợi thế
Yên Nguyên là địa phương có truyền thống sản xuất rau an toàn của huyện Chiêm Hóa. Trước đây, người dân chủ yếu trồng theo phương thức truyền thống với quy mô nhỏ lẻ, manh mún, chưa chú trọng đến chất lượng nên giá trị sản phẩm chưa cao.
Anh Hoàng Văn Quý, Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông lâm nghiệp xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) cho biết: Hiện nay, HTX có 9 hộ thành viên tham gia liên kết sản xuất với tổng diện tích hơn 10 ha trong đó có chủ yếu là trồng ớt và dưa chuột liên kết bao tiêu sản phẩm với HTX Chăn nuôi và Sản xuất giống gia cầm Minh Tâm (Sơn Dương) và Công ty cổ phần Nông nghiệp hữu cơ Fusa (TP Hải Dương). Khi tham gia theo chuỗi liên kết, người dân được HTX liên kết tổ chức sản xuất, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và sơ chế rau sau thu hoạch đúng quy trình nên chất lượng sản phẩm được nâng lên rõ rệt, đồng thời tổ chức liên kết tiêu thụ sản phẩm giúp ổn định đầu ra.
Những ngày này, gia đình ông Nông Văn Thường, thôn Khuôn Khoai, xã Yên Nguyên đang tập trung chăm sóc ớt lứa thứ 2. Ông Thường cho biết, những năm trước ông trồng 1.000 m2 ngô nhưng kém hiệu quả. Đầu tháng 9-2023, ông liên kết với Công ty cổ phần Nông nghiệp hữu cơ Fusa (TP Hải Dương) trồng gần 2.000 m2 ớt chỉ thiên Hàn Quốc theo quy trình hữu cơ để xuất khẩu. Phía công ty hỗ trợ trả sau 100% giống, phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học để phòng ngừa sâu bệnh, đồng thời hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và bao tiêu sản phẩm đầu ra với giá theo thị trường.
Thôn Liên Nghĩa, xã Vinh Quang là một trong những địa phương có vựa rau lớn của huyện Chiêm Hóa, hiện nay toàn thôn có 112 hộ với 545 nhân khẩu, trong đó 90% số hộ trong thôn đều trồng rau an toàn. Bà Đào Thị Tuyên, thôn Liên Nghĩa cho biết, gia đình bà có tổng diện tích gần 5.000 m2 đất, trong đó có 3.000 m2 đất soi bãi. Bà dành toàn bộ đất soi trồng rau, thâm canh 4 vụ/năm. Năm ít cũng thu từ 70 đến 80 triệu đồng/vụ, nhiều thì hơn trăm triệu đồng. Riêng năm vừa rồi rau được giá, sau khi trừ hết chi phí, bà dành dụm được 90 triệu đồng.
Đồng chí Phạm Văn Cầu, Chủ tịch UBND xã Vinh Quang cho biết, hàng năm UBND xã thường xuyên phối hợp với Trung tâm Khuyến nông, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện và các HTX, doanh nghiệp tổ chức các buổi tập huấn, chia sẻ kiến thức giúp người dân cập nhật mới các thông tin, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất rau an toàn...
Vẫn còn những khó khăn
Mặc dù, hiệu quả sản xuất rau ngày càng được cải thiện, nâng cao theo hướng hàng hóa tập trung, đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường, tuy nhiên, hiện nay, việc phát triển các vùng sản xuất rau an toàn trên địa bàn huyện vẫn còn một số khó khăn như: Quy mô sản xuất còn nhỏ, thiếu liên kết, chưa hình thành các vùng sản xuất tập trung chuyên canh quy mô lớn gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ ổn định theo chuỗi, việc liên kết giữa phát triển vùng nguyên liệu và cơ sở chế biến thiếu chặt chẽ, diện tích được chứng nhận các tiêu chuẩn an toàn còn thấp; năng suất, chất lượng giá trị sản phẩm chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ còn khó khăn.
Đồng chí Đỗ Văn Hiếu, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chiêm Hóa cho biết, mục tiêu đến năm 2030, huyện phấn đấu diện tích rau an toàn đạt khoảng trên 600 ha, trong đó tập trung ở các xã Yên Nguyên, Hòa Phú, Tân Thịnh, Phúc Thịnh, Vinh Quang, Kim Bình, Trung Hà, Hà Lang…
Nhằm thực hiện Đề án Phát triển các vùng sản xuất rau an toàn, tập trung, đảm bảo truy xuất nguồn gốc gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đến năm 2030, huyện đang tập trung rà soát diện tích ở các xã ưu tiên phát triển các giống rau đặc sản, bản địa, sản xuất theo hướng hữu cơ. Huyện có chính sách hỗ trợ các cơ sở sản xuất, chế biến nâng cao năng lực và kỹ năng tổ chức sản xuất, giám sát chất lượng, tiếp cận thị trường, thông tin về sản phẩm. Đồng thời thiết lập, cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ rau trong nước và hướng tới xuất khẩu, góp phần đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nhằm nâng cao sức khỏe cộng đồng.