Di tích lịch sử Biệt điện Bảo Đại tọa lạc tại số 2 đường Y Ngông (phường Tân Tiến, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk). Nơi đây trước năm 1905 là nhà hàng. Đến năm 1914, địa điểm này được xây dựng, sửa thành Tòa Đại lý quận trưởng. Từ tháng 11/1947, vua Bảo Đại đã đến đây ở và làm việc gần 8 tháng. Sau đó, vua Bảo Đại thường tới đây vào dịp đầu mùa mưa để nghỉ ngơi và đi săn bắn, do đó ngôi nhà này còn có tên Biệt điện Bảo Đại.
Với diện tích gần 6,5 ha gồm một tòa Biệt điện và một nhà nài voi, khuôn viên di tích góp phần mang lại không khí trong lành cho thành phố Buôn Ma Thuột.
Tòa nhà Biệt điện được xây dựng trên một cồn đất nhân tạo hình chữ nhật bằng phẳng có diện tích 2.135,8 m2, cao hơn so với mặt sân gần 2 m và được kè đá vững chắc.
Bậc tam cấp lên tòa nhà được thiết kế cao dần vào phía trong, tạo cảm giác nhẹ nhàng, sảng khoái như đang dạo bước trên ngọn đồi thoai thoải.
Với diện tích xây dựng 1.514 m2, tòa Biệt điện là không gian đẹp, yên tĩnh, mát mẻ, một công trình kiến trúc kết hợp hài hòa, đặc sắc giữa kiến trúc nhà truyền thống của người Tây Nguyên với kiến trúc phương Tây, tạo nên nét đẹp độc đáo, hấp dẫn.
Lỗ thông gió thiết kế trên phần đỉnh mái nhà.
Hiện nay, Di tích lịch sử Biệt điện Bảo Đại là điểm tham quan hấp dẫn đối với du khách muốn tìm hiểu về vị vua cuối cùng của Việt Nam cũng như những giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật của triều đại phong kiến Việt Nam tại Đắk Lắk.
Bàn làm việc của vua Bảo Đại.
Phòng họp của vua Bảo Đại.
Phòng khách trong Biệt điện Bảo Đại.
Phòng ngủ của vua Bảo Đại.
Bản đồ Việt Nam
Bộ ấm chén pha trà của vua Bảo Đại.
Thanh kiếm được vua bảo Đại sử dụng đi săn bắn.
Chiếc võng được làm bằng gỗ của vua Bảo Đại.
Trong khuôn viên Biệt điện Bảo Đại có rất nhiều cây xanh cổ thụ, đặc biệt nhất là cây long não nằm ngay bên phải cổng vào của Biệt điện, được trồng vào năm 1930. Đến năm 2014, cây long não được gắn biển Cây di sản Việt Nam. Cây long não này cao gần 30 m, đường kính thân cây khoảng 2,5 m. Cây tỏa bóng xanh mát và rất đẹp nên được nhiều du khách trong và ngoài nước đặc biệt yêu quý.
Lãnh đạo Bảo tàng Đắk Lắk cho biết hiện nay, khuôn viên di tích lịch sử Biệt điện Bảo Đại đang trong quá trình sửa chữa. Thời gian tới, di tích lịch sử Biệt điện Bảo Đại sẽ mở cửa trở lại nhằm giới thiệu đến người dân và du khách không gian sống, làm việc của vua Bảo Đại.
Di tích lịch sử Biệt điện Bảo Đại
Khả Hưng