Chiêm ngưỡng Cung Trúc Lâm nơi non thiêng Yên Tử
Nằm trong quần thể Trung tâm Văn hóa Trúc lâm Yên Tử, Cung Trúc Lâm mang giá trị văn hóa - lịch sử, được lấy cảm hứng từ văn hóa, kiến trúc thời Trần. Công trình do kiến trúc sư lừng danh thế giới Bill Bensley thiết kế.
Đây cũng là một trong những công trình trọng điểm được gắn biển khánh thành chào mừng kỷ niệm 60 năm thành lập tỉnh Quảng Ninh (30/10/1963-30/10/2023).
Cung Trúc Lâm có diện tích xây dựng giai đoạn I hơn 6.000m² với tổng mức đầu tư xây dựng 200 tỷ đồng từ nguồn công đức và xã hội hóa và là công trình đồ sộ nhất trong tổng thể Trung tâm văn hóa Trúc Lâm Yên Tử. Đây cũng là nơi tôn thờ Tôn tượng Tam tổ Trúc Lâm.
Công trình do kiến trúc sư lừng danh thế giới Bill Bensley thiết kế. Bill Bensley vốn xuất thân là một kiến trúc sư cảnh quan được đào tạo về tầm quan trọng của việc gìn giữ Trái đất và luôn tự nhận bản thân là một nhà thiết kế của môi trường, ông giữ vững tinh thần phát triển bền vững.
Toàn cảnh cung Trúc Lâm, Yên Tử.
Cung Trúc Lâm có sức chứa từ 5.000 đến 7.000 nghìn người, là nơi tôn vinh giá trị của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử, đồng thời cũng là nơi tổ chức các sự kiện tưởng niệm, lễ hội, hội thảo và các hoạt động văn hóa Phật giáo.
Công trình tựa vào dãy núi Yên Tử có chùa Hoa Yên, Tháp Tổ, chùa Đồng. Mặt hướng khê giao thủy tụ, lại có núi bình phong trước mặt tả thanh long hữu bạch hổ, thực thể thế phong thủy hiếm có.
Cung Trúc Lâm có ý nghĩa rất lớn về văn hóa, kiến trúc, cảnh quan, là một trong 10 công trình được Thường trực Tỉnh ủy lựa chọn để gắn biển chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025. Đồng thời, công trình cũng tạo sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn, góp phần thúc đẩy du lịch.
Công trình được xây dựng bằng chất liệu bê tông kiên cố, kiến trúc hoành tráng mang bản sắc văn hóa dân tộc, hài hòa với quần thể Trung tâm văn hóa Trúc Lâm và lễ hội Yên Tử.
Các đường nét chính mà quần thể công trình được kế thừa từ kiến trúc tháp Tổ bao gồm cổng, cửa cuốn vòm, bức tường dày, được vuốt cao lên ở hai bên, mái ngắn lợp ngói mũi sen sẫm màu... Đao mái ngắn, chắc khỏe, đơn giản, mộc mạc, chất phác.
Với tiêu chí kế thừa và phát huy các giá trị cốt lõi vốn có của núi Yên Tử, kiến trúc sư người Mỹ Bill Bensley cùng các nghệ nhân đã tái hiện một không gian văn hóa - lịch sử mang phong cách thiền - thời Trần, thế kỷ XIII.
Toàn bộ kiến trúc của công trình được thiết kế bằng cách lấy cảm hứng từ các kiến trúc cổ còn sót lại ở Yên Tử, đặc biệt là tháp Huệ Quang cùng với các bức tường quanh tháp và các di sản văn hóa, lịch sử của Việt Nam và Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
Từ yếu tố gốc này, kiến trúc sư đã nhân bản một số đường nét cơ bản và truyền tải tinh thần nhà Trần, thế kỷ XIII vào toàn bộ quy hoạch, kiến trúc tổng thể và chi tiết của toàn bộ quần thể.
Có thể nói Cung Trúc Lâm là công trình kiến trúc có sự kết hợp hài hòa giữa đạo pháp và dân tộc bởi ngôn ngữ kiến trúc cung Trúc Lâm tiếp nối giá trị văn hóa, tinh thần, thiên nhiên của đất nước và con người Việt Nam, tạo cảm giác gần gũi, thân thuộc với tinh thần, tâm hồn người Việt. Cùng với đó là các hình ảnh, cách bài trí quen thuộc, nhiều vật liệu tự nhiên được sản xuất thủ công.
Còn theo Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh, Cung Trúc Lâm sau khi khánh thành đưa vào sử dụng sẽ cùng với chùa Đồng, tượng Phật Hoàng và các công trình khác tạo cho Yên Tử một diện mạo mới; vừa bảo tồn vừa phát huy giá trị nhiều mặt của khu di tích danh thắng Yên Tử, nối liền quá khứ hiện tại và tương lai.
Hơn 700 năm về trước, Đức vua Trần Nhân Tông đã xả hoàng bào, khoác áo cà sa về Yên Tử xuất gia tu hành, sáng lập nên Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử và Yên Tử trở thành kinh đô của Phật giáo Việt Nam. Hàng năm, khu di tích Yên Tử có hàng triệu tín đồ Phật tử và du khách trong, ngoài nước về tham quan, lễ Phật.
Yên Tử cũng là nơi tổ chức nhiều sự kiện lớn của Phật giáo Việt Nam. Chính vì vậy, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh quyết định đầu tư xây dựng Cung Trúc Lâm Yên Tử. Công trình này được lên ý tưởng qua một hành trình nghiên cứu, tìm kiếm tâm huyết và công phu trong hơn 10 năm.